Ngoài việc tổ chức và ứng dụng thu gom rác phân loại trên toàn địa bàn của quận Hoàn Kiếm, ngày hội đổi nhựa tái chế lấy quà tặng (Green Day) còn là một trong những hoạt động tiêu biểu trong chương trình hợp tác dài hạn giữa Unilever Việt Nam và Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội - Urenco. Green Day được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về lợi ích và sự cần thiết của phân loại rác tại nguồn, gắn liền thu gom, xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội. Theo đó, mỗi thứ 7 hàng tuần, người dân sẽ tập trung tại các điểm đổi rác lấy quà thuộc 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Khởi động từ tháng 9, chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân và các cán bộ, công nhân viên vệ sinh môi trường.
Người lớn làm việc tốt, trẻ em có quà
Từ một tháng trở lại đây, gia đình chị Thanh Huyền (36 tuổi, quận Ba Đình) có thói quen xếp hàng tại điểm nhận rác nhựa tái chế gần nhà mỗi thứ 7 hàng tuần, với hành trang là toàn bộ chai lọ, đồ nhựa mà 3 mẹ con thu gom được trong tuần.
“Gia đình đông người nên lượng rác nhựa thải ra khá nhiều. Thông thường, tôi sẽ gom chung với các loại rác khác để đổ một thể, hoặc cho người bán ve chai. Từ khi biết đến ngày hội Green Day, tôi khuyến khích các con giữ lại đồ nhựa để đổi lấy quà. Tuy những món quà không to tát gì, các con vẫn rất vui vì vừa làm việc tốt, vừa được khen thưởng”, chị Huyền cho biết.
Cầm hộp kem đánh răng P/S trên tay - “chiến lợi phẩm” sau khi đổi rác, bé Suboi (9 tuổi) - con trai chị Huyền hào hứng khoe: “Được mẹ dặn, cháu bắt đầu có thói quen phân loại rác làm 2 loại, có thể tái chế và không thể tái chế. Với rác tái chế, cháu cất gọn gàng vào một thùng giấy. Mỗi tháng, mẹ cháu lại đưa hai anh em ra đây để đổi rác nhựa lấy kem đánh răng, dầu gội đầu”.
Nhớ lại lần đầu tiên tham gia ngày hội, chị Huyền thú nhận cảm thấy khá ngại khi 3 mẹ con tay xách nách mang chai nhựa, hộp nhựa như “gia đình đồng nát”. Sau khi thấy nhiều người cũng mang rác nhựa đến đổi quà, chị cảm thấy thoải mái hơn.
Bà mẹ trẻ cho biết, dù ngày hội không tặng quà, chị vẫn sẽ khuyến khích con hình thành thói quen phân loại rác thải, góp phần tạo nên một tương lai trong lành hơn.
Trong khi đó, bạn Hoàng Hải (21 tuổi, quận Hoàn Kiếm) vốn đã quen với chuyện phân loại rác từ nhỏ, đánh giá cao nỗ lực hình thành thói quen “cũ mà mới” này của người dân Hoàn Kiếm thời gian gần đây.
“Bố mẹ đã dạy mình cách phân loại rác từ khi còn học cấp 2. Trong nhà mình có thùng rác 2 ngăn để chứa rác tái chế và rác hữu cơ. Trước đây, hàng xóm và bạn bè của mình cảm thấy việc phân loại rác chẳng để làm gì. Thế nhưng, từ khi có chương trình này, họ dần nhận ra rác thải cũng có thể đem đi tái chế thành những sản phẩm mới, không còn tình trạng lãng phí nhựa và bắt đầu hình thành thói quen giống mình”.
Hải đánh giá cao chương trình của Unilever Việt Nam và Urenco. Không chỉ thu gom rác nhựa để tái chế, khi đến với Green Day, còn có các tình nguyện viên nhiệt tình hướng dẫn người dân cách phân loại rác khoa học, nhấn mạnh lợi ích của việc tái chế nhựa. Từ đó, người dân có trách nhiệm hơn sau mỗi lần sử dụng một sản phẩm làm từ nhựa.
“Đời sống của nhựa tại Việt Nam ngắn ngủi quá. Người dân sử dụng sản phẩm từ nhựa xong là vô tư vứt vào thùng rác. Chỉ cần ý thức phân loại rác của mỗi người được nâng cao, nhựa sẽ có đời sống mới dài và ý nghĩa hơn”, Hoàng Hải nhận xét.
Ý thức của người dân là quan trọng nhất
Đánh giá hiệu quả của ngày hội đổi nhựa tái chế lấy quà tặng, chú Trần Đăng Công (56 tuổi) - công nhân vệ sinh môi trường Urenco - cho biết lượng rác nhựa mà chú và đồng nghiệp thu gom mỗi ngày trong khu vực có dấu hiệu giảm đáng kể.
“Thông thường, các loại chai, lọ nhựa thường được chúng tôi tách riêng khỏi túi rác của người dân để tái chế. Gần đây, người dân khu vực quận Hoàn Kiếm nơi tôi làm việc đã dần có ý thức phân loại hơn, rác nhựa cũng từ đó được hạn chế”, bác Công cho hay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Thảo (40 tuổi), đồng nghiệp của chú Công khẳng định ý thức người dân đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giữ gìn vệ sinh sạch đẹp cho thủ đô.
“Tôi còn nhớ cách đây 10 năm, chuyện xả rác bừa bãi vẫn còn khá phổ biến, vậy mà giờ đây ai cũng có ý thức vứt rác đúng nơi quy định, lại còn được phân loại. Đó là nhờ sự tuyên truyền không mệt mỏi của Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, giúp nâng cao ý thức cộng đồng”, chị Thảo phân tích.
Tương tự, chị Thảo cho rằng vấn đề phân loại rác đã được tuyên truyền từ hàng chục năm nay, không còn là chuyện mới lạ với người Việt Nam. Thế nhưng, các hoạt động không đủ mạnh, không đủ dài để biến thành thói quen của người dân. Chị hy vọng những chương trình như Green Day sẽ tiếp tục được duy trì lâu dài, với nhiều cải tiến tốt hơn, số lượng người tham gia đông đảo hơn để nhanh chóng lan tỏa tới người dân toàn thành phố cũng như cả nước.
Đại diện ban tổ chức ngày hội cho biết nắm được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công nhân vệ sinh môi trường, nhu cầu “tái sinh” nhựa của người dân Hà Nội, chương trình liên tục mở rộng các điểm đổi rác lấy quà tại nhiều phường mới hơn trong 4 quận nội thành.
Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng mGreen để tích điểm, đổi quà.
Đại diện Unilever đánh giá sau hơn 3 tháng triển khai, chương trình đã thu gom được hàng tấn rác nhựa, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường tại Hà Nội dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.
Sau khi thu gom, rác nhựa sẽ được đưa về xử lý tại nhà máy theo phương pháp an toàn, bền vững, tái chế thành bao bì sản phẩm để tiếp tục đóng góp những công dụng có ích khác cho đời sống, thay vì bị thải ra chỉ sau một lần sử dụng.
Bên cạnh ngày hội thu gom và phân loại rác, ban tổ chức cũng thực hiện công tác tuyên truyền quản lý, phân loại rác tại nguồn đến từng phường, trường học, cơ quan đoàn thể.
Mới đây, chương trình cũng cho ra mắt MV ca nhạc mang tên Này này, phân loại rác đi nào. Với lyric ý nghĩa, giai điệu dễ nghe, cùng sự xuất hiện của gia đình bé Xoài, MV nhanh chóng thu hút hơn 1 triệu lượt xem. Đồng thời, “vũ điệu phân loại rác” trong MV hứa hẹn trở thành xu hướng mới cho giới trẻ dịp cuối năm.
Ngày hội Green Day là hoạt động nằm trong ký kết thỏa thuận hợp tác song phương giữa Urenco và Unilever Việt Nam, thực hiện kế hoạch hành động, tổ chức chương trình phân loại rác tại nguồn kết hợp thu gom, xử lỷ rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. Chương trình hướng tới mục tiêu đưa nhựa về đúng vị trí trong vòng kinh tế tuần hoàn, để nhựa quay lại giúp ích nhiều hơn cho người dân và nền kinh tế về lâu dài.
Để biết thêm thông tin chi tiết về ngày hội, độc giả truy cập website hoặc fanpage.
Bình luận