Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Mỹ đầu tiên được ghép mặt 2 lần

"Tôi đang tập quen với ngoại hình mới", Carmen Blandin Tarleton, bệnh nhân vừa trải qua ca ghép mặt lần thứ 2, chia sẻ.

Carmen Blandin Tarleton (52 tuổi, ở Manchester, New Hampshire, Mỹ) bị biến dạng toàn bộ khuôn mặt sau khi chồng cũ hành hung. 6 năm trước, người phụ nữ này trải qua ca ghép mặt đầu tiên.

Mới đây, người phụ nữ này bước vào lần phẫu thuật thứ 2. Theo Time, ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Brigham and Women (Boston, Mỹ) vào cuối tháng 7.

cay ghep mat anh 1

Ca ghép mặt lần thứ hai của Tarleton được thực hiện tại Bệnh viện Brigham and Women (Boston, Mỹ) vào cuối tháng 7. Ảnh: Time.

Chia sẻ với Time, Tarleton tâm sự bản thân hài lòng với khuôn mặt mới. Vừa trải qua phẫu thuật, bà chưa thể cho mọi người thấy diện mạo của mình.

“Tôi hy vọng sẽ lại được đi du lịch và gặp gỡ mọi người. Tuy nhiên, tôi phải chờ hết dịch Covid-19. Tôi đang tập quen với ngoại hình mới”, bà nói.

Tarleton cho rằng khuôn mặt mới rất khác so với ca phẫu thuật đầu tiên. Bà cảm giác mình được tái sinh, như một con người mới. Các nét trên mặt cũng phù hợp và dễ nhìn hơn.

Carmen Blandin Tarleton từng là y tá. Năm 2007, người phụ nữ này bị chồng tấn công bằng gậy bóng chày.

Lần ghép mặt đầu tiên đã thay đổi cuộc đời của bệnh nhân. Bà bỏ thuốc giảm đau, chơi piano và đi du lịch, gặp gỡ nhiều người để chia sẻ về nghị lực sống, cách tha thứ cho những điều tồi tệ trong quá khứ.

Tuy nhiên, năm 2019, khuôn mặt của Tarleton bắt đầu căng tức và đau đớn. Khuôn mặt cũng xuất hiện những mảng đen, mí mắt co lại, khó khăn khi ăn uống. “Tôi không thể làm gì, cảm giác đau đớn luôn thường trực”, người phụ nữ này tâm sự.

cay ghep mat anh 2

Ngoại hình của Tarleton trước khi bị chồng hành hung. Ảnh: CNN.

TS Bohdan Pomahac là người thực hiện ca cấy ghép mặt đầu tiên cho Tarleton. Sau 6 năm, ông băn khoăn có nên ghép mặt lần thứ 2 cho bệnh nhân hay không. Tuy nhiên, nghĩ về tương lai, hạnh phúc của Tarleton khi có diện mạo mới, bác sĩ đã quyết định thực hiện.

Ca phẫu thuật kéo dài 20 giờ. Ê-kíp thực hiện gồm 45 bác sĩ của Bệnh viện Brigham and Women. Họ đã loại bỏ phần cấy ghép bị hỏng và nối các dây thần kinh cảm giác, mạch máu ở cổ với khuôn mặt mới. Trong vài tháng tới, Tarleton có thể cử động mặt bình thường.

Lần ghép mặt đầu tiên, bệnh nhân gặp phải tình trạng đào thải cấp tính phải dùng các thuốc ức chế hệ miễn dịch loại mạnh. Các vết thương cũ khiến việc tìm kiếm nguồn tạng phù hợp khó khăn hơn. May mắn, các bác sĩ đã tìm ra người hiến phù hợp.

“Tôi rất lạc quan với kết quả hiện tại, hy vọng nó sẽ mang đến tín hiệu tốt hơn ca phẫu thuật đầu tiên”, TS Bohdan Pomahac chia sẻ. Ông miêu tả lần ghép mặt này là một “trận chiến kỳ diệu”. Vị bác sĩ cũng mong bệnh nhân sớm hồi phục và hạnh phúc với diện mạo mới.

Trên thế giới, một người đàn ông ở Pháp cũng từng được thực hiện ghép mặt 2 lần. Hệ thống miễn dịch của ông bắt đầu từ chối cơ quan người hiến tặng sau 8 năm “chung sống” nên buộc phải phẫu thuật lần nữa.

TS Laurent Lantieri (Bệnh viện Châu Âu Georges Pompidou ở Paris), người thực hiện ca cấy ghép trên, cho biết bệnh nhân “đang tiến triển rất tốt”.

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Mỹ sống sót nhờ ghép phổi

Phổi tổn thương nặng, phải can thiệp ECMO, cơ hội sống của Mayra Ramirez (Mỹ) rất mong manh nếu không được ghép tạng.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm