Tháng 5/2016, Rahimah Asmawi (33 tuổi) - nhà nghiên cứu y khoa người Singapore, hiện sống tại Melbourne (Australia) - gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi mang thai bé gái thứ 2, cô nặng 130 kg, được chẩn đoán mắc bệnh béo phì, tiểu đường loại 2 và cao huyết áp.
Asmawi nhận ra rằng tình trạng này có thể khiến cô đánh mất cơ hội sống để chứng kiến hai con trưởng thành. "Nếu không giảm cân, tôi còn có thể mắc thêm bệnh gì nữa?", cô từng nghĩ.
Năm 2017, Asmawi càng thêm quyết tâm thay đổi bản thân sau khi tiếp xúc với 2 bệnh nhân 40 tuổi. Một người hoàn toàn khỏe mạnh; người kia thì mệt mỏi, suy kiệt vì chứng tiểu đường và cao huyết áp.
"Bệnh nhân thứ 2 khiến tôi liên tưởng đến tương lai của mình nếu không chịu chữa bệnh", cô chia sẻ.
Năm 2016, Rahimah Asmawi chạm mốc cân nặng 130 kg, được chẩn đoán mắc bệnh béo phì, tiểu đường loại 2 và cao huyết áp. |
Cắt bỏ 80% dạ dày để sống tiếp
Với trường hợp của Asmawi, bác sĩ đề xuất phương án phẫu thuật cắt tạo dạ dày hình ống. Đây là thủ thuật điều trị bằng cách cắt bỏ khoảng 75% dạ dày, giúp bệnh nhân điều chỉnh ăn uống của mình.
Thực tế, phẫu thuật giảm cân là phương pháp chữa chứng béo phì và tiểu đường phổ biến trong vài năm trở lại đây. Theo một khảo sát tại 18 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vào năm 2017, 95.125 bệnh nhân được điều trị thành công bằng thủ thuật này.
Dù tồn tại một số biến chứng như suy dinh dưỡng, đông máu, nhiễm trùng hay thậm chí tử vong, Rahimah Asmawi vẫn muốn đánh cược một lần. Tháng 3/2018, cô trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ 80% dạ dày.
"Cuộc phẫu thuật nào cũng có tính chất phức tạp riêng. Tôi sẵn sàng bước vào phòng mổ vì hai con gái của mình", cô nghẹn ngào hồi tưởng.
Hai cô con gái nhỏ là động lực thôi thúc Asmawi thực hiện cuộc phẫu thuật thay đổi cuộc đời mình. |
Ngay từ thời niên thiếu, Asmawi đã gặp vấn đề với cân nặng và cơn thèm ăn của mình. Cô từng thử nghiệm nhiều cách giảm cân như ăn kiêng, tập gym hay uống thuốc nhưng không giải pháp nào đem lại hiệu quả lâu dài.
Sau khi phẫu thuật, Asmawi dần nhận thấy những thay đổi tích cực của cơ thể. Cân nặng của cô giảm từ 130 kg xuống 85 kg trong vòng 6 tháng, lượng đường trong máu dần bình ổn trở lại. Đặc biệt, trong một lần tái khám gần đây, bác sĩ thông báo rằng bệnh tiểu đường của cô đã không còn bóng dáng.
Dù phẫu thuật cắt bỏ dạ dày thực sự đem lại hiệu quả, cô nhấn mạnh rằng đây không phải phương pháp giảm cân nhanh chóng. "Nó không đơn giản như mọi người tưởng tượng. Bạn cần học cách ăn uống lại từ đầu", cô chia sẻ.
Thời kỳ hậu phẫu, Asmawi thường bị đau bụng bởi lượng thức ăn thừa trong dạ dày. Cô chỉ có thể ăn đồ lỏng trong những ngày đầu, rồi chuyển sang thức ăn nghiền và cuối cùng là ăn uống bình thường.
"Cảm giác như tôi vừa được sinh ra một lần nữa", Asmawi nói.
"Không đơn giản như mọi người lầm tưởng"
Tuy nhiên, công cuộc thay đổi bản thân của cô chưa dừng lại ở đó. Sau khi phẫu thuật, cô cần tái khám thường xuyên, uống vitamin B12 và D để bổ sung chất dinh dưỡng.
"Liệu pháp cắt tạo dạ dày hình ống giúp giảm cảm giác đói, nhưng bạn cần nhắc nhở bản thân ăn uống đủ chất", cô giải thích.
Trải nghiệm lần đó giúp Asmawi học được cách quan tâm đến sức khỏe và lắng nghe cơ thể mình. Vì bệnh nhân vẫn có thể tăng cân sau một thời gian cắt bỏ dạ dày, cô chuyển sang ăn uống điều độ và tập thể dục đều đặn 5 ngày/tuần để duy trì cân nặng.
Những thay đổi lớn về sức khỏe đã ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của Asmawi. Cô đã chạm mốc 76 kg, chuyển sang làm nhiếp ảnh gia trẻ em và dành nhiều thời gian cho gia đình.
Sau khi phẫu thuật, Asmawi theo đuổi lối sống lành mạnh, kết hợp giữa ăn uống điều độ và luyện tập thể thao để duy trì sức khỏe. |
Tuy nhiên, sự vui mừng của Asmawi dần bị thay thế bằng nỗi lo âu khi đại dịch ập đến.
Báo cáo của ĐH North Carolina (Mỹ) về 400.000 bệnh nhân Covid-19 ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cho thấy, những người có bệnh nền là béo phì có nguy cơ tử vong cao hơn 48% so với các trường hợp khác.
"Với tiền sử bệnh trạng của mình, tôi không biết cơ thể của mình sẽ ra sao nếu mắc Covid-19. Tôi rất sợ hãi", cô bộc bạch.
Dẫu vậy, cô khẳng định rằng bản thân sẽ tiếp tục theo đuổi lối sống lành mạnh. Asmawi chia sẻ: "Khi Melbourne bị phong tỏa, tôi chuyển sang đi bộ quanh khu phố. Tôi đã không ăn uống lành mạnh khi còn trẻ và phải trả giá cho điều đó. Tôi muốn sống khỏe mạnh để làm gương cho con cái mình".