Lệnh cấm ăn tại nhà hàng ở Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) có hiệu lực từ 21h ngày 13/2 và là một phần trong các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của virus Covid-19 bắt đầu ở Vũ Hán vào tháng 12. Cho đến nay, căn bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 giết chết hơn 1.300 người và hơn 60.000 người nhiễm trên toàn thế giới.
Lệnh cấm ăn uống tại nhà hàng của Quảng Châu (Trung Quốc) có hiệu lực từ tối 13/2. Ảnh: He Huifeng. |
Không ăn hàng, không yum cha để kiềm chế lây lan virus
Quảng Châu có hơn 15 triệu người sinh sống, là cảng buôn bán sầm uất hàng đầu Trung Quốc kể từ những năm 1600. Đối với người dân địa phương, truyền thống đến nhà hàng yum cha (nơi phục vụ tiệc trà và dim sum) được truyền qua nhiều thế hệ và là một phần quan trọng trong lịch sử và văn hóa của thành phố.
Giống nhiều người Trung Quốc lớn tuổi ở Quảng Châu, He Zhijian bị sốc khi nghe tin lệnh cấm ăn ở nhà hàng của chính quyền địa phương để cố gắng kiềm chế sự lây lan của virus corona. Người đàn ông 73 tuổi này đã dành cả cuộc đời ở thành phố. Ông luôn cùng cả gia đình ăn dim sum hàng tuần và coi đó là nghi lễ quan trọng.
"Vợ tôi và tôi đã quen với các món dim sum, trà và ẩm thực Quảng Đông tại những nhà hàng địa phương mỗi tuần. Trong ký ức của tôi, điều này (loại lệnh cấm này) chưa từng xảy ra ở Quảng Châu trước đây, ngay cả trong Cách mạng Văn hóa", ông He Zhijian nói, đề cập đến thập kỷ biến động xã hội và chính trị ở Trung Quốc từ năm 1966, khi thiếu hụt lương thực.
"Ngay cả trong '3 năm thảm họa' (từ năm 1959 đến 1961 Trung Quốc lâm vào nạn đói), tôi nhớ vẫn còn những nhà hàng mở cửa. Tôi thực sự bị sốc (bởi lệnh cấm). Tôi đoán tình hình dịch bệnh phải nghiêm trọng, nếu không Quảng Châu chắc chắn sẽ không đưa ra biện pháp này", ông Zhijian phát biểu thêm.
Giờ đây, cư dân Quảng Châu không thể thưởng thức các bữa tiệc trà và dim sum truyền thống tại nhà hàng yum cha vì lệnh cấm. Ảnh: China Tour Guide. |
Nhiều người ở Quảng Châu quay trở lại làm việc từ ngày 12/2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Lệnh cấm ăn uống áp dụng cho các nhà hàng nhưng nhân viên có thể dùng bữa tại căng tin công ty. Cư dân vẫn có thể mua đồ ăn mang đi từ các nhà hàng nhưng được khuyến khích đặt trực tuyến và giao tận nơi.
Các cuộc tụ họp nhóm cũng bị cấm trong thành phố. Theo Nanfang Daily, chính quyền đã hủy bỏ khoảng 126 bữa tiệc có liên quan đến hơn 90.000 người. Nhà chức trách địa phương chưa cho biết các biện pháp sẽ được thực hiện trong bao lâu.
Quảng Châu không phải là thành phố duy nhất ở tỉnh Quảng Đông đưa ra lệnh cấm ăn uống trong các nhà hàng. Quận Phúc Điền ở Thâm Quyến, Tương Châu ở Chu Hải, Phật Sơn và Trung Sơn đều đã thực hiện biện pháp tương tự.
Dịch bệnh giáng đòn nặng vào việc kinh doanh nhà hàng
Tại Quảng Châu, trong khi cư dân cố gắng thích nghi, các doanh nghiệp đang mong đợi sẽ có cú hích. Một trong những khách sạn hàng đầu của thành phố cho biết sự bùng phát virus có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh này.
"Bây giờ, chúng tôi sẽ tập trung vào việc quảng bá đặt hàng mang đi cho khách hàng địa phương. Họ có thể đặt bữa thông qua các ứng dụng cung cấp dịch vụ đặt hàng trực tuyến", Fion Liang, giám đốc bán hàng và tiếp thị tại khách sạn The Garden cho biết. "Đối với khách lưu trú tại khách sạn, chúng tôi sẽ cung cấp bữa ăn đến tận phòng".
Nữ giám đốc cho biết dịch bệnh không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của khách sạn trong tháng 1. Tình hình chỉ trở nên nghiêm trọng vào cuối tháng. "Các tác động chắc chắn lớn hơn nhiều vào tháng 2. Nếu dịch bệnh tiếp tục xấu suốt cả tháng, tỷ lệ đầy phòng của chúng tôi sẽ ở mức một con số vào tháng này", Liang nói. "Các khách sạn khác tại Quảng Châu cũng ở tình trạng tương tự", cô bổ sung.
Theo SCMP, sự bùng phát virus corona dự kiến sẽ giáng đòn nặng nề vào các nhà hàng trong thành phố, đặc biệt là các quán ăn nhỏ. Một số đã buộc phải đóng cửa. June Zhao, chủ sở hữu của nhà hàng bánh bao Xi Xi, đã quyết định đóng cửa vào hôm qua, ngày lệnh cấm ăn nhà hàng được công bố.
"Chúng tôi mới bắt đầu kinh doanh vào mùa đông năm ngoái và mong muốn kiếm nhiều tiền hơn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán này. Tuy nhiên, virus corona xuất hiện sau đó, doanh thu của chúng tôi giảm xuống vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày và chúng tôi mất hy vọng", cô nói. "Lệnh cấm mới càng làm cho tình trạng này tồi tệ hơn. Các khoản lỗ sẽ tiếp tục tăng nếu chúng tôi vẫn bán hàng".
Người dân vẫn có thể mua thức ăn mang đi tại Quảng Châu, nhưng họ được khuyến khích đặt trực tuyến và giao hàng. Ảnh: He Huifeng. |
Cuộc sống đời thường bất tiện, đảo lộn vì phòng dịch
Lệnh cấm cũng làm gián đoạn thói quen hàng ngày của người dân. Nhà quay phim tự do Cony Yu, 28 tuổi, thường hay làm việc tại các quán cà phê, nhưng giờ đây điều đó là không thể. "Bây giờ, tôi không có một nơi thoải mái để ngồi ngoài nhà của mình, ngay cả các công viên cũng đã đóng cửa", Yu cho biết.
Ở trung tâm công nghệ phía nam của Thâm Quyến, việc ăn uống cũng bị cấm ở quận Phúc Điền. Nhà phân tích tài chính Zhu Hao đã làm việc tại nhà trong một tuần và đặt đồ ăn giao hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, anh này phải nhận hàng tại cổng tại khu dân cư, nơi nhân viên an ninh kiểm tra nhiệt độ của bất cứ ai vào hoặc ra. Zhu Hao cảm thấy mất kiên nhẫn với những hạn chế. "Tôi muốn ăn ngoài. Tôi muốn lẩu bò, gà nước dừa, thịt nướng và hải sản Hàn Quốc", người này ca thán.
Ở các quận khác của Thâm Quyến, nhiều nhà hàng và trung tâm mua sắm tạm thời đóng cửa hoặc chỉ có thể cung cấp các bữa ăn mang, bao gồm các chuỗi thức ăn nhanh. Trong khi, những nơi khác có quy tắc nghiêm ngặt cho khách hàng. Tại một cửa hàng bánh mì, khách hàng phải đăng ký ID và số điện thoại của họ, sau đó kiểm tra nhiệt độ trước khi vào. Bên cạnh đó, tất cả nhà hàng lẩu đều đã đóng cửa.