Thầy Trần Văn Nga là người thầy của hàng chục huy chương vàng Olympic Vật lí quốc tế và Olympic Vật lý châu Á.
Tâm huyết của người thầy xứ Nghệ
Thầy Trần Văn Nga (sinh năm 1976, ở Đô Lương, Nghệ An) trong gia đình có truyền thống sư phạm. Sau khi tốt nghiệp đại học loại giỏi, hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ loại xuất sắc, thầy Nga được phân công dạy lớp chuyên Lý, là giáo viên trẻ nhất trong lịch sử của trường Phan Bội Châu được giao trọng trách chủ nhiệm và bồi dưỡng khối chuyên Lý.
Thầy Trần Văn Nga - phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. |
Lớp học nào do thầy chủ nhiệm và giảng dạy cũng đạt kết quả thi tốt nghiệp và đại học xuất sắc, 100% học sinh đỗ đại học. Qua quá trình bồi dưỡng của thầy, học sinh lớp chuyên Lý của trường Phan Bội Châu luôn giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhiều em được lọt vào đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế.
Trong bảng thành tích của mình, thầy Nga đã bồi dưỡng 16 lượt học sinh thi Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Vật lý châu Á, đạt được 7 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, 3 bằng khen. Ngoài ra, thầy còn bồi dưỡng trên 40 lượt học sinh đạt giải quốc gia môn Vật lý, trong đó có 8 giải nhất, hàng chục giải nhì.
Riêng năm học 2016-2017, thầy Nga đã trực tiếp bồi dưỡng các học sinh đoạt 3 huy chương Olympic Vật lý quốc tế và châu Á, 4 giải nhất học sinh giỏi quốc gia. Thành tích của hai học sinh Trần Hữu Bình Minh (HCV Olympic Vật lí quốc tế, HCB Olympic Vật lý châu Á) và Phan Tuấn Linh (HCB Olympic Vật lý quốc tế) càng khẳng định “nhắc đến giải thưởng quốc tế môn Vật lý là nghĩ ngay đến thầy Nga”.
Điều đặc biệt là trước khi đứng trên bục vinh quang, các em học sinh của thầy Nga không phải là học sinh giỏi môn Vật lý, nhiều em có thành tích học tập môn này không nổi trội. Tuy nhiên, các em đã được phát hiện, được bồi dưỡng, được truyền lửa đam mê, cùng thầy khổ học.
Nhớ lại và năm 2008, khi học trò của thầy Nga là Nguyễn Tất Nghĩa đoạt HCV Olympic Vật lý quốc tế và Olympic Vật lý châu Á, huy chương đầu tiên sau 30 năm chờ đợi của thầy trò trường Phan Bội Châu, nhiều người đã cho rằng thầy Nga may mắn vì có một học trò giỏi đạt được thành tích cao.
Nhưng những thành công liên tiếp của các học sinh do thầy Nga bồi dưỡng sau này như Nguyễn Huy Hoàng, Cao Ngọc Thái, Nguyễn Trung Hưng, Nguyễn Đình Hội và gần đây là Trần Hữu Bình Minh, Phan Tuấn Linh đã khẳng định tài năng và tâm huyết của người thầy xứ Nghệ.
Truyền cảm hứng cho học trò
Có được thành tích trên là do thầy Nga đã không ngừng rèn luyện, học hỏi. Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy miệt mài sưu tầm tài liệu, đọc và nghiên cứu sách vở, tìm kiếm thông tin trên internet, tham khảo những kinh nghiệm dạy học của đồng nghiệp. Thầy cho rằng thực tế cuộc sống dạy cho mình nhiều điều lớn lao và sự làm việc tận tụy sẽ có nhiều tài liệu, giúp học sinh tiếp cận tốt với kỳ thi.
Để đào tạo những học sinh đoạt giải quốc tế ngoài sự nỗ lực của người thầy thì cần phải có nhiệt huyết để truyền lửa đam mê cho học trò. Thực tế có nhiều giáo viên giỏi, nhiều thầy cô tâm huyết với học trò, nhưng không phải bất cứ giáo viên nào cũng biết cách “điểm đúng huyệt”, khiến học trò say mê và bứt phá. Biệt tài của thầy Nga là hình thành cho học sinh niềm đam mê khoa học, đề cao việc tự học để khai phá kiến thức.
Với nhãn quan tinh tường của một người thầy giáo giỏi, khi học sinh lớp 10 gần kết thúc năm học, thầy Nga chọn những em có tố chất nổi trội để bồi dưỡng thêm. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, phần lớn các em có học lực xuất sắc được lựa chọn đều đến từ các làng quê bình dị nhưng có truyền thống hiếu học.
Khi có kết quả bước đầu về kỳ thi học sinh giỏi tỉnh hoặc học sinh giỏi quốc gia, để tạo điều kiện tốt hơn cho các em và để có thể theo sát, kèm cặp cho học trò, đa phần các học sinh được thầy đưa về nhà, chọn đây làm “đại bản doanh” để ôn luyện.
Thầy Nga cho biết, các em đến với tôi đều là học sinh nghèo, chịu khó học hỏi. Biết các em khó khăn nên tôi đã đưa về nhà mình để kèm cặp. Gần những kỳ thi lớn, thầy trò nhiều hôm cùng thức trắng cả đêm. Cả thầy và trò như người trong một nhà. Vì vậy, học trò của tôi cũng rất chịu khó và rất tự giác học hỏi.
Không chỉ như người thầy truyền kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm thi ở đấu trường lớn, thầy Nga còn như một người cha chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Biết học trò học khuya thường bị đói, đêm nào vợ chồng thầy Nga cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn cho các em, hôm nồi cháo, hôm nồi xôi. Không ít hôm, dù đêm muộn, thầy còn đi ra phố mua đồ để các em chống đói.
Hơn chục năm có học trò đi thi quốc tế thì cũng có chừng ấy năm thầy đưa học trò về nhà ăn ở để có nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức cho các em. Khoảng trước hơn 2 tháng diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cả đội tuyển được nhốt trong nhà thầy. Các em chỉ việc học, còn việc ăn uống đã có vợ chồng thầy lo.
Kỷ niệm ấn tượng nhất trong quãng đời dạy học của thầy Nga là cảnh tượng buổi sáng đánh thức học trò. Thời gian ôn thi học sinh giỏi quốc gia ở xứ Nghệ là mùa đông lạnh thấu xương, nằm trong chăn cũng thấy rét. Học sinh của thầy phải thức học đến 2 giờ sáng để giải những bài toán khó, rồi từ 6 giờ sáng lại phải tỉnh dậy để tiếp tục học.
“Các em lớp 11, 12 đang là tuổi ăn tuổi ngủ mà ăn thì vội, ngủ thì ít khiến mình rất thương. Nhưng vì con đường phía trước nên thầy trò vẫn phải tiến lên. Còn khoảnh khắc xúc động nhất đối với người thầy có lẽ là những lúc nhìn học sinh của mình tự tin bước lên bục vinh quang với những tấm huy chương danh giá. Nhiều khi vui quá mà nước mắt cứ trào ra” - thầy Nga tâm sự.