Một kỳ thi quốc gia, 20 ngày tuyển sinh căng thẳng
Diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, kỳ thi THPT quốc gia 2015 có nhiều đổi mới với 2 mục đích là xét tốt nghiệp phổ thông (4 môn thi bắt buộc) và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hơn 1 triệu thí sinh dự kỳ thi “2 trong 1” tại 38 cụm thi trên cả nước. Trong đó, 28% thi để xét tốt nghiệp, 72% thí sinh sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
“Tâm lý của người nhà và thí sinh luôn muốn đến trường để rút - nộp hồ sơ, bởi vậy đã có rất nhiều thí sinh phải đi xa vất vả. Điều này khiến Bộ GD&ĐT rất áy náy và cũng rất chia sẻ".
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga
Cùng với sai sót trong đề thi môn Vật lý và hệ thống tra điểm thi của Bộ GD&ĐT bị tê liệt trong ngày đầu công bố điểm, việc xét tuyển kéo dài trong 20 ngày được xem là bất cập cần thay đổi.
Trong đó, việc xét tuyển kéo dài đến 20 ngày, nộp – rút hồ sơ tại trường, thay đổi nguyện vọng khiến thí sinh và người nhà vất vả, tốn kém và rủi ro.
Chiều 21/8, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm về những vấn đề vướng mắc trong quá trình xét tuyển năm nay và có điều chỉnh trong đợt xét tuyển thứ hai.
Nhiều thí sinh đỗ thành trượt
Sau kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, nhiều thí sinh đạt 28, 29 điểm, trúng tuyển vào khối trường công an nhưng không được nhập học vì không khai án tích của người thân trong lý lịch.
Theo thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an), do số dự tuyển quá đông, gần 100.000 người đăng ký, nên đề nghị thí sinh tự khai, cam kết tờ khai là đúng, nếu có gì sai thì chịu toàn bộ trách nhiệm. Khi trúng tuyển, công an địa phương thẩm tra lý lịch thí sinh thì phát hiện những trường hợp đáng tiếc.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo xem xét, một số trường hợp đã được nhập học.
Ngoài lý lịch, nhiều thí sinh khác cũng đỗ thành trượt đại học vì nhầm điểm ưu tiên. Thậm chí, hàng chục trường hợp học được cả tháng mới nhận được thông báo mình… trượt đại học.
Không tích hợp môn Lịch sử
Đầu tháng 8, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh chỉ học 7-8 môn (THCS) và còn 4 môn bắt buộc (THPT).
Cũng theo Dự thảo này, Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3, Lịch sử tích hợp môn Cuộc sống quanh ta; lớp 4, 5 là Tìm hiểu xã hội; bậc THCS là Khoa học xã hội và THPT tích hợp Công dân với Tổ quốc.
Ngay sau đó, nhiều giáo viên, chuyên gia, Hội Khoa học Lịch sử... phản đối Dự thảo trên.
Vấn đề này cũng làm "nóng" diễn đàn Quốc hội, khi được đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận ngày 16/11.
Trong nghị quyết ban hành chiều 27/11, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới.
Sau nhiều cuộc họp bàn, ngày 8/12, Bộ GD&ĐT thống nhất với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Lịch sử là môn học bắt buộc và không tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc. Học sinh chọn Sử thi đại học sẽ học nâng cao và đây là môn độc lập.
Trường dân lập mở ngành Y, Dược gây xôn xao
Ngày 25/11/2015, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn. |
Câu chuyện gây tranh cãi khi cuối năm 2014, Bộ GD&ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Đặc biệt, việc Bộ Y tế và GD&ĐT cùng tham gia thẩm định cho trường ngoài công lập này mở ngành Y, Dược nhưng có quan điểm vênh nhau càng khiến dư luận băn khoăn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế có quan điểm không thống nhất trong việc cấp phép cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y, Dược là do hiểu nhầm.
Trả lời báo chí, GS Trần Phương - Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Động cơ mở ngành không có mục đích lợi nhuận hay kinh doanh, chỉ muốn bổ khuyết nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, ngành Y rất đặc biệt, nếu đào tạo không đảm bảo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo hai bộ phối hợp thẩm định lại, nếu đủ mọi điều kiện theo quy định mới cho phép tuyển sinh và mở ngành.
Lại tranh luận du học sinh nên ở hay về
Chuyện du học sinh ở hay về không phải chủ đề mới. Tuy nhiên, vấn đề được hâm nóng dịp cuối năm qua câu chuyện của TS Doãn Minh Đăng – người từng thi Đường lên đỉnh Olympia – có nguy cơ bị ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ buộc thôi việc sau khi nói xấu trường trên Facebook.
Sau đó, Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên Nguyễn Thành Vinh cho rằng, về nước là sự lãng phí khi môi trường và cơ chế làm việc ở Việt Nam chưa phù hợp cho người tài phát triển. Nhiều du học sinh khác chia sẻ quan điểm này và cho rằng, ở đâu cũng tốt nếu có đóng góp cho quê hương.
PGS Văn Như Cương chia sẻ du học sinh về hay ở. |
Tuy nhiên, luồng ý kiến tranh luận đặt vấn đề, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phận ai?”. Du học sinh giỏi thì nên trở về thay đổi những bất cập, trực tiếp đóng góp cho đất nước.
Trò nghèo làm rạng danh đất nước
Năm 2015, Việt Nam cử 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Toán học, Tin học. Tổng cộng 28 học sinh tham gia 37 lượt thi và tất cả các em đều đoạt giải.
Đặc biệt, đây là năm có tỷ lệ học sinh đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế cao nhất từ trước đến nay: 12 huy chương vàng (chiếm 32,43%), 16 huy chương bạc, 6 huy chương đồng và 3 bằng khen.
Những gương mặt xuất sắc như Nguyễn Thế Hoàn (hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế), Vũ Thanh Trung Nam (ba lần giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế và khu vực), Vũ Xuân Trung (huy chương vàng Olympic Toán), Hoàng Anh Tài (huy chương bạc Olympic Toán)... đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Bạo lực học đường
Năm 2015 xảy ra nhiều vụ việc bảo mẫu, cô giáo mầm non hành hạ trẻ. Một trong những vụ việc nghiêm trọng là nhóm giáo viên tại điểm trông giữ trẻ Sơn Ca (đường Hữu Nghị, TP Đồng Hới, Quảng Bình) trói chân, nhét khăn vào miệng trẻ ngay trong lớp học.
Bố mẹ bé biết sự việc qua camera và đến trường bắt quả tang những cô giáo này đang hành hạ con mình. Ngày 9/10, cơ quan điều tra Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã khởi tố 2 bảo mẫu.
Nguồn: Tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan Internationnal) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW). Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Bên cạnh đó, tình trạng học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Một trong số đó là clip nhóm học sinh lớp 7 tại Trà Vinh cầm ghế nhựa liên tiếp đập vào đầu bạn nữ. Không ai ngăn cản vụ ẩu đả, xung quanh chỉ có tiếng la hét, cổ vũ.
Theo thống kê của Tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan Internationnal) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW), Việt Nam có tỷ lệ bạo hành thứ hai (71%) trong số các quốc gia Campuchia, Indonesia, Nepal, Pakistan. Cứ 10 học sinh ở 5 nước khảo sát có 7 em trải nghiệm bạo lực trong trường học.
Trường đại học tự phong giáo sư
Giữa tháng 9, Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM chủ trương phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ giảng viên trong trường, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Nguyễn Quang. |
Theo lãnh đạo nhà trường, hướng dẫn được soạn ra để làm nguồn tham khảo cho việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ chuyên môn (trợ lý giáo sư, phó giáo sư, giáo sư) của trường. Sau đó, nhiều ý kiến trao đổi liệu trường đại học có được tự phong giáo sư, phó giáo sư?
Ngày 13/10, Đại học Tôn Đức Thắng công bố tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Đến ngày 18/11, nhà trường thay đổi chức vụ thành giáo sư trợ lý, giáo sư dự bị, giáo sư thực thụ và bỏ tên gọi giáo sư, phó giáo sư.