Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ Hàn Quốc khó làm giàu

Đại dịch Covid-19 càng là lý do để những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình tại Hàn Quốc khó bước lên nấc thang mới trong xã hội.

Kim Jae-sung, 26 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Seoul, là một trong những người trẻ Hàn Quốc đang loay hoay tìm kiếm cơ hội phát triển trong xã hội.

Anh chuẩn bị gia nhập thị trường việc làm nhưng nhận thấy thu nhập và các khoản nợ dai dẳng không thể khiến mình có được cuộc sống giàu có hơn.

"Tôi và bạn bè đều cảm thấy thu nhập hàng tháng không thể đảm bảo cho cuộc sống huống chi làm giàu. Nếu không trúng mánh nhờ tiền điện tử, chứng khoán hoặc gặp may trên YouTube, tôi gần như không thể xoay chuyển cuộc sống. Tôi phải làm việc cả đời nhưng sẽ không bao giờ mua được nhà", Kim nói trên The Korea Times.

Ít cơ hội

Ngày càng có nhiều người trong nhóm thu nhập thấp và trung bình ở Hàn Quốc bi quan khi nấc thang phát triển trong xã hội bị phá vỡ. Họ không còn nhiều cơ hội thăng tiến, nhận thấy khoảng cách giàu - nghèo trở nên rộng hơn.

Kim Jeong-seok, một kỹ sư đến từ Suwon, cũng chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp về những khó khăn mà anh gặp phải khi cố để không "đi lùi" trong xã hội.

"So với độ tuổi 20, tôi khó đạt được mức sống tốt hơn dù đã rất nỗ lực. Sự bất bình đẳng dường như ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt khi thu nhập từ các khoản đầu tư đã vượt xa công việc làm công ăn lương", Kim nói.

gioi tre Han Quoc anh 1

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc hy vọng giành được việc làm tại một công ty như Samsung. Ảnh: AP.

Theo một cuộc khảo sát được công bố bởi Cục Thống kê Hàn Quốc vào ngày 17/11, 60% người trưởng thành tại quốc gia này tin rằng có rất ít cơ hội để cải thiện tình trạng kinh tế cá nhân. Chỉ 25,2% trong số 36.000 người được hỏi trả lời rằng sự nỗ lực cá nhân có thể giúp cải thiện tình trạng tài chính của mình.

Những người tự coi mình thuộc nhóm thu nhập thấp càng không có hy vọng đạt được mức sống cao hơn trong xã hội.

Trong số những người tự xếp hạng mình ở mức thu nhập cao, 55,9% cho rằng tầng lớp của họ có cơ hội cao để phát triển mức sống. Nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 14,9% ở nhóm người tự xếp mình vào nhóm thu nhập thấp.

Lee Byoung-hoon, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Chung-Ang cho biết: "Sự dịch chuyển chậm đối với các tầng lớp xã hội phản ánh thực tế. Những người đã ở tầng lớp cao trên bậc thang thường có điều kiện tốt hơn khi tiếp cận giáo dục và việc làm, trái ngược hoàn toàn tầng lớp trung bình".

Hong Seul-ki, 30 tuổi, một nhà tiếp thị tự do đến từ Gwangmyeong, cho biết cô đã gặp phải sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc do nền tảng học vấn của mình.

"Tôi cho rằng ở thế hệ của tôi, việc một người vào đại học và xin việc làm sẽ phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của cha mẹ họ. Điều tồi tệ hơn là một số đông ủng hộ sự phân biệt này", Hong nói.

Vụ bê bối vào năm 2019 liên quan đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk cũng là ví dụ cho một phần thực tế nêu trên. Trong vụ việc, Cho và vợ bị cáo buộc lợi dụng địa vị và tầm ảnh hưởng của mình để giúp con cái nhận được lợi thế học tập.

"Trên thế giới, các bậc cha mẹ thường có xu hướng duy trì hoặc nâng cao vị thế của con cái đối với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, việc này dẫn đến bất bình đẳng xã hội", giáo sư Lee nói thêm.

Không tiền mua nhà

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng phát triển mức sống của người Hàn Quốc chính là vấn đề bất động sản, theo The Korea Times.

Khi giá nhà đất tăng cao, những người không có nhà càng không thể bắt kịp những người đã sở hữu bất động sản.

gioi tre Han Quoc anh 2

Một nhà tuyển dụng gặp gỡ ứng viên tại thung lũng Munjeong Biz, Songpa-gu, Seoul. Ảnh: Yonhap.

Park Mun-su, 31 tuổi, một nhà phát triển chương trình, nói: "Về tài sản, khoảng cách giữa người giàu sở hữu đất cát và những người không có nhà đã trở nên rất rộng trong 10 năm qua. Đây là vấn đề sẽ còn tăng lên, không thể khắc phục trong một sớm một chiều".

Báo cáo Chỉ số Di chuyển xã hội toàn cầu năm 2020 của WTO cho thấy Hàn Quốc được xếp hạng tương đối thấp về mức độ dịch chuyển xã hội so với tình trạng kinh tế.

Cụ thể, Hàn Quốc xếp thứ 25 trong số 82 quốc gia, trong khi tiềm lực kinh tế của nước này đứng thứ 12.

Báo cáo nêu rõ: "Kết quả của hiện trạng này là do các cơ hội trong cuộc sống của một cá nhân vẫn bị ràng buộc bởi tình trạng kinh tế xã hội của họ từ khi sinh ra, kéo theo sự bất bình đẳng kéo dài".

Các chuyên gia chỉ ra rằng chính phủ phải tăng cường nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhằm khắc phục tình trạng trên.

"Khoảng cách xã hội đặt mọi người ở những điểm xuất phát khác nhau và khoảng cách sẽ ngày càng mở rộng nếu không có sự can thiệp tích cực của chính phủ. Giáo dục công phải được tăng cường và các cá nhân phải được đánh giá, tuyển dụng dựa trên năng lực chứ không phải gia đình của họ.

Một số người cho rằng nỗ lực của cá nhân có thể mang lại chiến thắng trong các cuộc thi, nhưng điều này không hề đúng khi xét đến các bậc thang giai cấp trong xã hội", giáo sư Lee kết luận.

Kẹt tiền cuối năm

Dịch bệnh kéo dài khiến công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bấp bênh, không ít người trẻ phải đối mặt các vấn đề tài chính khi thời điểm cuối năm đang đến gần.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm