Theo New York Times, 5 năm trước, Luo Huazhong (31 tuổi) nhận ra mình không thích công việc nào cả. Anh bỏ làm công nhân nhà máy và đạp xe hơn 2.000km từ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đến Tây Tạng.
Huazhong sống nhờ những công việc vặt và 60 USD/tháng từ tiền tiết kiệm. Anh gọi lối sống mới của mình là “nằm yên”.
“Tôi thấy chẳng có gì sai với việc thư giãn cả”, anh viết trong bài đăng trên blog cá nhân vào tháng 4.
Bài viết mang tên “Nằm yên là chân lý” đính kèm hình ảnh Huazhong nằm trên giường trong căn phòng tối, kéo rèm.
Người trẻ Trung Quốc ngợi ca bài viết như tuyên ngôn chống chủ nghĩa tiêu dùng. Triết lý “nằm yên” nổi lên và trở thành tuyên bố lớn trong xã hội xứ tỷ dân.
Luo Huazhong, người khởi xướng lối sống chậm, đang nghỉ ngơi tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. |
Cuộc biểu tình thầm lặng
Đối với thế hệ trước tại đất nước này, con đường tới thành công bao gồm làm việc cật lực, kết hôn và có con. Những nỗ lực này đã giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói.
Tuy nhiên, khi người lao động đang phải làm việc nhiều hơn và giá nhà ở vượt mức thu nhập, giới trẻ Trung Quốc không còn muốn chạy theo cuộc sống vật chất cạnh tranh.
Bài đăng của Huazhong đã bị gỡ bỏ vì đi ngược lại với những tham vọng kinh tế của Bắc Kinh. Việc nhắc đến cụm từ "tangping", có nghĩa là "nằm yên" trong tiếng Trung, bị hạn chế trên mạng. Chính quyền tuyên truyền người trẻ hãy làm việc chăm chỉ vì tương lai đất nước.
"Sau khi làm việc quá lâu, tôi thấy mình tê liệt như máy. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ", Huazhong nói trong một cuộc phỏng vấn.
"Nằm yên" có nghĩa là từ bỏ hôn nhân, con cái, việc làm và những nhu cầu vật chất như nhà lầu, xe hơi. Việc này đi ngược lại những gì chính quyền xứ tỷ dân mong muốn. Nhưng Leon Ding (22 tuổi) không bận tâm điều đó.
Ding đã "nằm yên" được 3 tháng và cho rằng đây là hành động “biểu tình thầm lặng”. Tháng 3 vừa rồi, anh bỏ học khi đang trong năm cuối ngành khoa học máy tính vì không thích con đường bố mẹ chọn cho mình.
Giới trẻ Trung Quốc không muốn đi theo con đường của cha mẹ mình. |
Sau khi nghỉ học, Ding dùng tiền tiết kiệm để thuê phòng ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Anh cố gắng tìm một công việc văn phòng thông thường nhưng nhận ra hầu hết vị trí đều yêu cầu làm thêm giờ.
“Tôi muốn có công việc ổn định cùng thời gian riêng để thư giãn, nhưng phải tìm ở đâu đây?”, anh nói.
Ding nghĩ rằng người trẻ nên làm việc chăm chỉ vì đam mê chứ không phải theo guồng “996” (9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) như nhiều công ty mong muốn. Không tìm được việc, anh quyết định “nằm yên”.
“Thật lòng mà nói, tôi thấy thoải mái lắm. Không việc gì phải ép bản thân quá mức”, anh nói.
Để xoay sở cuộc sống, Ding chơi game thuê và cắt giảm tối thiểu các chi tiêu không cần thiết. Khi được hỏi về kế hoạch dài hạn, anh nói: “6 tháng sau hãy quay lại và hỏi tôi nhé. Tôi chỉ có kế hoạch trong khoảng đó thôi”.
Chính quyền lo ngại
Dù nhiều người trẻ Trung Quốc vẫn tiếp tục tuân thủ văn hóa làm việc truyền thống, phong trào "nằm yên" phản ánh sự chống đối môi trường cạnh tranh khốc liệt tại xứ tỷ dân.
Ông Xiang Biao, giáo sư nhân chủng học xã hội tại Đại học Oxford, gọi văn hóa tangping là bước ngoặt cho Trung Quốc.
“Người trẻ đang phải chịu một loại áp lực không lý giải nổi. Họ cảm thấy những lời hứa bị phá vỡ. Mọi người nhận ra sự giàu lên về vật chất không còn là mục đích duy nhất trong cuộc đời”, ông nhận định.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng “triết lý nằm yên” là mối đe dọa với sự ổn định xã hội. Đội ngũ kiểm duyệt đã xóa một nhóm tangping 9.000 thành viên trên mạng xã hội. Các bài đăng trong diễn đàn về chủ đề trên cũng bị chặn.
Tháng 5, cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc ra lệnh cho các nền tảng trực tuyến "hạn chế nghiêm ngặt" bài đăng có nội dung về tangping.
Các nền tảng thương mại điện tử được yêu cầu ngừng bán quần áo, ốp điện thoại và các mặt hàng có nhãn hiệu "tangping".
Truyền thông, báo chí xứ tỷ dân gọi lối sống này là “đáng xấu hổ”. Một tờ báo khuyên người trẻ không nên “nằm yên trước khi giàu có”.
Luo Huazhong cho rằng lối sống "nằm yên" giúp anh tự do suy nghĩ và thể hiện bản thân. |
Huazhong quyết định viết về tangping sau khi thấy những cuộc thảo luận về kết quả điều tra dân số tháng 4 và lời kêu gọi sinh thêm con nhằm giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học tại Trung Quốc.
Anh gọi bài đăng đầu tiên trên blog của mình là "cuộc độc thoại nội tâm của người đàn ông sống dưới đáy xã hội".
“Những người lên án việc 'nằm yên' mới thực sự trơ trẽn. Tôi được quyền chọn lối sống chậm. Tôi không làm gì phá hoại xã hội cả. Liệu việc mài mặt 12 giờ/ngày ở công xưởng có công bằng với tôi không?”, anh nói.
Huazhong sinh ra ở vùng nông thôn phía đông tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Năm 2007, anh bỏ học trường dạy nghề và bắt đầu làm việc trong các nhà máy.
Anh từng làm việc 12 giờ/ngày tại xí nghiệp sản xuất lốp xe. Đến cuối ngày, những vết phồng rộp xuất hiện khắp bàn chân anh.
Năm 2014, Huazhong tìm được công việc kiểm tra sản phẩm trong nhà máy dù không hứng thú. Anh nghỉ làm sau 2 năm và thỉnh thoảng nhận những vai diễn nhỏ để kiếm sống.
Hiện nay, anh sống cùng gia đình và dành cả ngày để đọc triết học, tin tức và rèn luyện sức khỏe.
Đối với Huazhong, đây là cuộc sống lý tưởng, cho phép anh "tự do suy nghĩ và thể hiện bản thân". Anh khuyến khích những người theo dõi mình cũng theo đuổi lối sống này.