Chen là một nhân viên văn phòng 27 tuổi. Anh rời quê lên Bắc Kinh học đại học chuyên ngành công nghệ thông tin rồi ở lại đây làm việc sau tốt nghiệp.
Với mức lương trung bình của một dân văn phòng, anh biết dù cố gắng đến đâu cũng không thể mua được nhà riêng ở thành phố đắt đỏ này.
"Cha mẹ ở quê luôn giục tôi tìm bạn gái và kết hôn sớm. Tuy nhiên, giống như nhiều nam giới ở Trung Quốc, tôi khó lòng tìm được một cô gái sẵn sàng gắn bó khi bản thân không có gì trong tay", Chen nói.
Dưới áp lực của xã hội, những người trẻ như Chen không tránh khỏi nỗi lo về danh tính và vị trí của bản thân.
Nhiều người trẻ Trung Quốc dù cố gắng cũng không thể đạt đến thành công theo tiêu chuẩn xã hội. Ảnh: Getty. |
Đánh mất mục tiêu sống
Áp lực kinh tế và địa vị xã hội ngày càng lớn đang khiến hàng triệu người trẻ Trung Quốc rơi vào cuộc "khủng hoảng danh tính" - không biết mình tồn tại và cố gắng vì điều gì.
Theo phân tích của tác giả bài viết trên trang The Paper, nhiều người trẻ khao khát vươn lên và khẳng định bản sắc cá nhân, tuy nhiên có một cách biệt lớn giữa kỳ vọng và tình trạng thực tế của họ. Điều này khiến họ càng thêm bế tắc.
Sự phức tạp của môi trường xã hội bên ngoài cùng hạn chế trong khả năng đã tạo nên xung đột trong tư tưởng: một mặt, người trẻ không biết nên làm gì, mặt khác họ mong muốn hành động để thay đổi thực trạng hiện tại.
Nhiều bạn bè cùng lứa với Chen cũng đã từ bỏ giấc mơ mua nhà và theo đuổi cuộc sống "nghèo một cách tinh tế": họ theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng, dành hết tiền sắm sửa cho bản thân, ăn những món yêu thích và trải nghiệm một số dịch vụ xa hoa.
Không có nhà, không cưới vợ, Chen dần thu mình lại và ít giao tiếp với mọi người xung quanh vì sợ những lời phán xét. Anh cố gắng tránh xa những cuộc họp mặt bạn bè, nhưng lại thích trải lòng trên những phòng chat ẩn danh hay diễn đàn, nơi có thể chia sẻ nỗi khổ mà không cần để lộ danh tính.
"Nhiều lúc tôi thấy mình vô hình, không biết mình là ai trong thế giới này. Nếu tôi biến mất, chắc chẳng ai quan tâm".
Nhiều người trẻ Trung Quốc cũng đang rơi vào tâm lý "muốn bày tỏ cảm xúc nhưng không dám". Điều này đã dẫn tới trào lưu phổ biến trên mạng như "trò chuyện ẩn danh", "tâm sự tự chữa lành". Điểm chung của những người này là "sợ xã hội" song đồng thời lại khao khát được kết nối với mọi người và muốn được công nhận.
Không ít người trẻ mất phương hướng trong cuộc sống. Ảnh: The Paper. |
Chen nói rằng áp lực xã hội khiến anh không dám yêu đương hay nghĩ tới chuyện kết hôn. Thế nhưng trong thâm tâm anh luôn mong có thể kết nối và trao tình cảm cho ai đó.
"Những tiêu chuẩn vô lý khiến tôi khao khát một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ và một cuộc hôn nhân đầy ý nghĩa, nhưng lại sợ rắc rối trong chuyện kết hôn", Chen nói.
Khủng hoảng danh tính của người trẻ còn thể hiện qua mâu thuẫn trong "văn hóa làm việc 996" - làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Phải làm việc quá sức để kiếm tiền và đạt đến "thành công" nhưng xã hội cũng dạy người trẻ phải quý trọng sức khỏe.
Kết quả, họ phải trả tiền để mua thực phẩm bổ sung nhằm bảo vệ sức khỏe, uống thuốc bổ để có thể thức khuya mà không mệt.
Theo The Paper, giới trẻ đất nước tỷ dân đang đối mặt quá nhiều khủng hoảng và xung đột về quan điểm nghề nghiệp, quan điểm tiêu dùng, quan điểm xã hội, tư tưởng hôn nhân và tình yêu, quan điểm thẩm mỹ và sức khỏe.
Những biến chuyển quá nhanh của thời đại đã cuốn những người trẻ vào vòng xoáy, biến họ thành nhóm chịu sức ép quá lớn, trong khi năng lực nội tại của họ chưa thể theo kịp.