Giáo sư Lý Chính Đạo qua đời. Ảnh: The Paper. |
Ngày 5/8, The Paper đưa tin giáo sư vật lý Lý Chính Đạo đã qua đời tại San Francisco (Mỹ) vào khoảng 2h ngày 4/8 (theo giờ địa phương) sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật. Ông hưởng thọ 98 tuổi.
Trước sự ra đi của giáo sư Lý Chính Đạo, giáo sư Phan Kiến Vĩ đăng bài viết lên WeChat, nói rằng giáo sư Lý và những đóng góp của ông cho nền vật lý sẽ tồn tại mãi mãi.
Cũng trong ngày 5/8, Viện Lý Chính Đạo thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải đăng cáo phó lên trang mạng xã hội chính thức. Bài viết nêu rằng giáo sư Lý là người viết nên huyền thoại bất hủ với gần trăm năm lịch sử. Những thành tựu của ông đóng góp rất lớn cho nền khoa học của Trung Quốc.
"Tinh thần khoa học của ông sẽ mãi mãi truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học và sinh viên Trung Quốc để tạo ra những thành tựu mới cho nền khoa học nước nhà", Viện Lý Chính Đạo nêu.
Sự nghiệp học thuật rực rỡ
Giáo sư Lý Chính Đạo sinh ngày 24/11/1926 tại Thượng Hải (Trung Quốc), quê gốc của ông là ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Khi còn nhỏ, cậu bé Lý Chính Đạo của những năm đó đã phải sống xa cha mẹ và trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh do chiến tranh.
Năm 17 tuổi, từ năm 1943 đến năm 1945, ông theo học tại Đại học Chiết Giang và Đại học Liên kết Tây Nam. Theo bài báo được Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đăng tải vào tháng 5/2024, giáo sư Lý Chính Đạo rất giỏi và khao khát kiến thức.
Giáo sư Lý Chính Đạo đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực vật lý. Ảnh: UDN. |
Khi còn học ở Đại học Liên kết Tây Nam, ông thường xuyên đến nhà giảng viên Ngô Đại Du để đặt những câu hỏi khó. Sau đó, ông Ngô đưa cho học trò một cuốn sách dành cho sinh viên năm cuối ở Mỹ. Chỉ trong 2 tuần, chàng trai Lý Chính Đạo năm đó đã học hết cuốn sách.
Tài năng và sự khao khát kiến thức trở thành lý do khiến ông Ngô Đại Du tiến cử ông Lý Chính Đạo đến Mỹ du học.
Tại Trung Quốc, giáo sư Lý Chính Đạo được coi là nhà vật lý thuộc thế hệ thứ ba của nước này. Thời gian ông vào đại học, các nhà vật lý ở 2 thế hệ trước đã cung cấp rất nhiều nguồn tài nguyên học thuật và môi trường nghiên cứu quý giá cho sự phát triển của ông.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, ông Lý Chính Đạo tiếp tục đến Đại học Chicago, Mỹ để học cao học vào năm 1946, sau đó nhận bằng tiến sĩ vào tháng 6/1950.
Từ năm 1950 đến năm 1953, ông tham gia nghiên cứu tại Đại học Chicago, Đại học California (Berkeley) và Viện nghiên cứu cao cấp Princeton.
Sau một thời gian nghiên cứu, từ năm 1953 đến năm 1960, ông trở thành phó giáo sư, sau đó là giáo sư tại Đại học Columbia. Tiếp đó, ông trở thành giáo sư tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (từ năm 1960 đến 1963) và là giáo sư tại Đại học Columbia, theo Takungpao.
Trước đó, vào năm 1957, giáo sư Lý đoạt giải Nobel Vật lý và giải thưởng Albert Einstein, huy chương G. Bude (năm 1969), huy chương Galileo Galilei (năm 1979), Huân chương Hiệp sĩ Italy (năm 1986), giải thưởng Hợp tác Khoa học và Công nghệ quốc tế Trung Quốc (năm 1995)...
Ngoài ra, giáo sư Lý Chính Đạo cũng được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Italy. Vào năm 1994, ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Nhiều đóng góp cho nền vật lý Trung Quốc
Dù đã đến Mỹ làm việc và định cư, giáo sư Lý Chính Đạo vẫn luôn quan tâm đến nền giáo dục khoa học của Trung Quốc.
Giáo sư Lý mang lại nhiều đóng góp cho nền giáo dục Trung Quốc. Ảnh: The Paper. |
Kể từ năm 1972, giáo sư nhiều lần trở lại Trung Quốc dạy học và đưa ra lời khuyên cho thế hệ trẻ. Sau cải cách và mở cửa, ông có nhiều đóng góp để thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học Trung Quốc như đào tạo nhân tài trình độ cao, trao đổi hợp tác quốc tế...
Không dừng lại ở đó, giáo sư Lý ủng hộ việc thành lập các đơn vị, tổ chức liên quan vật lý - nơi mang lại loạt kết quả đột phá trong lĩnh vực vật lý năng lượng cao.
Ông cũng là người thúc đẩy việc thành lập các trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, Chiết Giang... để thúc đẩy nghiên cứu khoa học tiên tiến và thúc đẩy trao đổi hợp tác quốc tế.
Khoảng 50 năm trước, chủ nhân giải Nobel đầu tiên của Trung Quốc là người đề xuất bồi dưỡng tài năng khoa học cho học sinh khi còn nhỏ. Đề xuất này của ông đặt nền móng cho việc thành lập lớp tài năng trẻ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Năm 1979, giáo sư Lý Chính Đạo được Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc mời giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Tại đây, ông phát hiện một số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, năng lực rất tốt nên đã yêu cầu khoa Vật lý của Đại học Columbia cung cấp chương trình sau đại học để những sinh viên này tiếp tục học tập, nghiên cứu.
Nhờ đó, chương trình sau đại học Vật lý Trung - Mỹ ra đời, giúp gần 1.000 sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học tập trong vòng 8 năm khởi xướng.
Đến năm 1985, ông chủ trương thành lập hệ thống nghiên cứu sau tiến sĩ và thành lập quỹ khoa học sau tiến sĩ tại Trung Quốc, đồng thời tiếp tục đào tạo hàng trăm, hàng nghìn nhân lực mới cho công tác đổi mới khoa học và công nghệ trong nước.
Sau đó, vào năm 1998, ông khởi xướng thành lập quỹ thực tập và giáo dục thường xuyên để bồi dưỡng nhân lực cho nền khoa học.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.