Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt thừa cholesterol ở mức đáng báo động

Tỷ lệ người Việt Nam thừa cholesterol đang ở mức đáng báo động và có xu hướng gia tăng.

Người Việt thừa cholesterol do lười vận động Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người Việt thừa cholesterol ở mức đáng báo động.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định thông tin này tại Lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa Cholesterol trong cơ thể" tổ chức tại Bộ Y tế sáng nay (16/10).

3/10 người thừa cholesterol

Theo kết quả điều tra Quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015, trung bình 10 người trưởng thành có 3 trường hợp thừa cholesterol trong cơ thể. Bên cạnh đó, báo cáo này ghi nhận hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50-65 gặp các vấn đề liên quan đến thừa cholesterol.

Dư thừa cholesterol là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và tăng huyết áp...

tinh trang thua cholesterol anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì buổi lễ. Ảnh: Quốc Toàn.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010 chỉ ra rằng 44% người dưới 70 tuổi trên toàn cầu tử vong do các bệnh không truyền nhiễm. Trong đó, nguyên nhân từ các bệnh tim mạch chiếm tới 39%.

Theo nghiên cứu STEPS năm 2010 và 2015 ở người trưởng thành (25-64 tuổi), tỷ lệ tăng huyết áp tại Việt Nam năm 1960 là 1%. Tuy nhiên, sau 55 năm con số này tăng gần 20 lần (20,3%).

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định: "Kết quả của 2 cuộc điều tra năm 2010 và 2015 không có nhiều thay đổi. Chúng ta chưa kiểm soát được tình hình. Thậm chí, nguy cơ của tình trạng này còn tăng cao hơn".

Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2015, Việt Nam có tỷ lệ người dân gặp vấn đề thừa cholesterol là 30,2%. Tại Mỹ, theo báo cáo hàng năm của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, tỷ lệ nam giới thừa cholesterol là 34,6% và 32,2% ở nữ giới.

Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội), nhận định: "So sánh với một nước có thu nhập bình quân đầu người lớn nhất thế giới như Mỹ, tỷ lệ người dân thừa cholesterol của Việt Nam rất đáng báo động".

Bảo vệ sức khỏe cho gia đình từ căn bếp

Hàm lượng cholesterol cao làm lắng đọng các mảng lipid. Khi tích tụ lâu ngày, chúng sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là chất béo quan trọng và cần thiết của cơ thể.

"Cholesterol có vai trò cấu tạo mảng tế bào, cân bằng hormone trong cơ thể và sản xuất vitamin", bà Mai khẳng định.

tinh trang thua cholesterol anh 2

Phó giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: Quốc Toàn.

Đặc biệt, cholesterol có 2 loại chính gồm HDL (cholesterol "tốt") và LDL (cholesterol "xấu"). HDL chiếm khoảng 1/4-1/3 tổng lượng cholesterol trong máu. Chất béo này giúp vận chuyển cholesterol từ máu về gan và đưa chúng ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch, giảm nguy cơ các biến cố tim mạch.

Trong khi đó, LDL có thể dẫn đến sự gia tăng chất béo ở động mạch, gây nguy cơ mắc bệnh liên quan tim mạch. Tuy nhiên, LDL chỉ tác động xấu đến cơ thể với hàm lượng quá cao. Theo bà Mai, LDL ở ngưỡng vừa đủ có khả năng tăng miễn dịch cho cơ thể.

Tình trạng tăng cholesterol trong máu xuất phát từ yếu tố di truyền và các thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, ít vận động hay hút thuốc lá. Ngoài ra, một số tác nhân không thể thay đổi làm tỷ lệ cholesterol cao hơn là tuổi, giới tính, các loại thuốc và vấn đề bệnh lý.

Do đó, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: "Để cải thiện tình trạng dư thừa cholesterol hiện nay, chúng ta cần bắt đầu thay đổi từ chính căn bếp của mỗi gia đình với chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn".

Bà Mai đề xuất 11 nội dung điều chỉnh chế độ dinh dưỡng bao gồm: bổ sung kiến thức về tháp dinh dưỡng, tăng tiêu thụ rau quả, giảm muối, đường tinh chế, bổ sung chất béo hợp lý, sử dụng nguồn đạm phù hợp, phòng chống thiếu vi chất, suy dinh dưỡng thấp còi, tác hại của rượu bia, kiểm soát cân nặng và uống đủ nước.

Ngoài ra, tiến sĩ Vũ Ngọc Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, khuyến cáo người dân cần xây dựng lối sống khoa học để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Ông Trung chia sẻ: "Mỗi người dân đều có thể điều chỉnh các thói quen hàng ngày để hướng tới sức khỏe tốt hơn. Bên cạnh ăn uống hợp lý, chúng ta nên thường xuyên rèn luyện thân thể, kiểm soát stress, duy trì giao tiếp lành mạnh và cai thuốc lá nếu hút".

Vấn đề chơi thể thao, hoạt động thể chất tại Việt Nam hiện cũng cần được điều chỉnh để giải quyết tình trạng này. Theo báo cáo của Bộ Y tế, 28,1% người dân có mức độ vận động không đạt ngưỡng tiêu chuẩn.

WHO khuyến cáo người trưởng thành cần vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe. Con số này với lứa tuổi thanh, thiếu niên, đang phát triển thể chất, là 60 phút/ngày. Tuy nhiên, kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2018 cho thấy 85,9% trẻ 11-14 tuổi vận động dưới mức khuyến cáo.

Vì sao không nên ăn sầu riêng cùng thịt bò?

Khi kết hợp hai loại này rất dễ khiến cholesterol trong máu tăng cao đột ngột, rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm