Thế giới vẫn đang phải gồng mình gánh chịu dịch bệnh với hơn 9 triệu ca nhiễm, đặc biệt là kỷ lục 183.000 ca mắc mới trong ngày 21/6. Trong khi đó, Việt Nam cơ bản đã khống chế thành công Covid-19, người dân trở lại nhịp sống cũ từ nhiều tháng nay.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phục hồi kinh tế, Chính phủ và các chuyên gia vẫn không ngừng nhắc nhở người dân tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh, duy trì những thói quen mới để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc và Hàn Quốc vừa ghi nhận biến thể mới mạnh hơn của virus corona.
TS. BS Phạm Lê Duy (Chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch, Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng những thói quen mới chúng ta cần duy trì vốn chỉ là những hành động bảo vệ sức khỏe đơn giản như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, giữ tinh thần lạc quan… Tuy nhiên, phải tới khi đại dịch xảy ra, chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của chúng.
Gia đình anh Đức Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội) đã du lịch Phú Quốc ngay sau khi cả nước được “cởi trói” khỏi giãn cách xã hội. Khi bạn bè bày tỏ nỗi lo về nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn ở sân bay, nơi đông người, Đức Thắng cho biết cả nhà anh vẫn đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay khô thường xuyên, hơn nữa “các con ở nhà đã lâu nên bị căng thẳng, cần được đi chơi để thư giãn, bố mẹ cũng được giải tỏa áp lực”.
Nhiều gia đình cũng có tâm lý như anh Thắng, muốn được xả hơi sau quãng thời gian dài chống dịch. Chị Trần Thu Hà - một blogger, hot mom trên mạng xã hội, đồng thời là tác giả cuốn sách Con nghĩ đi mẹ không biết chia sẻ: “Thời gian cách ly thực sự rất khó khăn cho người dân, bởi vậy sau khi hết giãn cách, nhiều gia đình ‘bung xõa’ tiệc tùng, du lịch. Tuy nhiên, chúng ta nên lạc quan chứ đừng chủ quan”. Covid-19 chưa có vaccine, vẫn gây tử vong trên thế giới. Ngoài ra, hàng nghìn loại virus, vi trùng, vi khuẩn khác vẫn đang tồn tại trong môi trường sống hàng ngày. Bởi vậy, chúng ta nên duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe, cũng như chuẩn bị tâm lý cho tình huống tương tự trong tương lai.
Cùng quan điểm với mẹ Xu - Sim, bác sĩ Phạm Lê Duy tin đại dịch là tiếng chuông cảnh tỉnh con người trước những mối nguy bệnh tật, hiểu được tầm quan trọng của việc phòng bệnh từ sớm.
“Khi chủng virus mới xuất hiện, nó sẽ tồn tại cùng loài người trong một thời gian dài. Bởi vậy, dù Việt Nam đã tạm thời thắng thế trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta không nên chủ quan, vì ‘kẻ địch’ vẫn lởn vởn đâu đó, chờ cơ hội phản công, chưa kể những bệnh lây nhiễm khác vẫn hàng ngày, hàng giờ đe dọa sức khỏe con người”, bác sĩ cảnh báo.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn vừa qua, hot mom Thu Hà tin rằng tinh thần lạc quan và sớm trang bị kiến thức về đại dịch đã giúp gia đình của chị vững vàng, dù ở giai đoạn đầu bùng phát hay suốt thời gian giãn cách xã hội căng thẳng.
“Tôi vốn quan tâm tới tin tức thế giới nên đã sớm cảnh giác từ khi đại dịch mới bắt đầu xuất hiện tại Vũ Hán. Trang Facebook Mẹ Xu Sim của tôi vốn kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học trong nước và thế giới nên cả nhà kịp thời chuẩn bị. Đồng thời, tôi cũng hướng dẫn các con kỹ hơn về việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa thường xuyên”, chị kể lại.
Mẹ Xu Sim cũng cho rằng thời gian dịch bùng phát ở Việt Nam là giai đoạn gây ra nhiều lo lắng cho người dân nhất. Nhiều người chen lấn, tranh nhau mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, mì gói, thực phẩm… rồi truyền tin tức tiêu cực, tin giả, tin sai, gây hoảng loạn tâm lý. Đến lúc này, chị phải hướng dẫn con cách lọc thông tin độc hại, hình thành tư duy phản biện và tư duy tích cực.
“Tôi nói với Xu Sim rằng mục đích của việc chống virus là để bảo vệ con người, vậy nên chúng ta không thể tẩy chay ai đó, xâm phạm đời tư ai đó với lý do chống virus. Tôi nhận ra việc duy trì một tinh thần khỏe mạnh cũng quan trọng không kém cơ thể khỏe mạnh. Khi chưa có thuốc đặc trị hay vaccine, ‘liều thuốc’ duy nhất giúp chúng ta là sức đề kháng, thứ vốn phụ thuộc rất lớn vào tinh thần. Bạn có thể chết vì sợ hãi trước khi chết vì virus”, chị Hà nói.
Trong khi đó, dưới cái nhìn của một chuyên gia sức khỏe, bác sĩ Lê Duy cho rằng người Việt nên tiếp tục duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh vốn được hình thành trong giai đoạn ở nhà chống dịch.
“Đợt giãn cách xã hội vừa qua, nhiều gia đình đã xây dựng những thói quen tốt như nấu ăn ở nhà, ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, bổ sung vitamin từ các loại rau xanh, trái cây, tập luyện thể dục thể thao và vệ sinh thân thể thường xuyên… Việc duy trì thói quen có lợi cho sức khoẻ không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mỗi người, nhằm chống chọi lại bệnh truyền nhiễm, mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính”, bác sĩ Duy nhấn mạnh.
Với góc nhìn lạc quan, chị Thu Hà phân tích dù Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, đây cũng là thời điểm vàng để người lớn dạy trẻ em hiểu tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khỏe.
“Thời gian cách ly, ba mẹ con thường hay xem phim. Trong lúc tranh luận về bộ phim, thỉnh thoảng tôi lại ‘thả’ một câu bình luận về việc giữ vệ sinh và thái độ sống quan tâm tới người khác, giúp các con thấm được bài học một cách tự nhiên, không ép buộc hay giáo điều”, chị chia sẻ.
Nữ blogger đặc biệt quan tâm tới việc dạy con rửa tay đúng cách và hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. “Mẹ Hà không đơn độc trong việc nhắc nhở con rửa tay, giữ vệ sinh, bởi có các kênh truyền thông và xã hội cùng đồng hành nhắc nhở con. Chưa bao giờ tôi dạy con về vệ sinh mà dễ dàng như vậy”, hot mom tiết lộ.
Bác sĩ Phạm Lê Duy cho biết, virus có khả năng phát tán rất nhanh bằng nhiều cách. Chúng có thể lây truyền trực tiếp qua giọt bắn, hoặc gián tiếp khi chúng ta chạm tay lên các bề mặt có dính virus. Khi xâm nhập vào trong cơ thể, chúng sẽ chui vào bên trong tế bào của đường hô hấp, bắt tế bào sản xuất ra rất nhiều virus mới tiếp tục “xâm lăng” các tế bào lân cận. Các tế bào bị nhiễm virus sẽ chết do kiệt quệ, hoặc bị hệ miễn dịch tiêu diệt nhằm mục đích diệt trừ luôn “kẻ xâm lược” đang ẩn trốn bên trong. Như vậy, từ vài con virus nhỏ bé ban đầu, có thể dẫn đến hậu quả vô cùng to lớn.
“Xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, đến nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới đều công nhận rửa tay là một trong những việc làm quan trọng giúp hạn chế lây lan vi sinh vật gây bệnh. Rửa tay không chỉ có tác dụng hạn chế lây lan chéo và nhiễm trùng bệnh viện, mà còn giảm lây lan dịch bệnh nguy hiểm trong cộng đồng, là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam là quốc gia nhiệt đới với nhiều mầm bệnh truyền nhiễm, thói quen rửa tay cần được chú ý và thực hiện nghiêm túc”, bác sĩ nhấn mạnh.
“Hàng năm, có khoảng 1,8 triệu trẻ em chết vì bệnh tiêu chảy, hơn một nửa dưới 5 tuổi, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lan truyền vi khuẩn, virus - những tác nhân gây bệnh tiêu chảy, và giảm tỷ lệ mắc bệnh lên đến 47-53%. Hơn nữa, rửa tay có thể làm giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp khoảng 19-45%. Thói quen này được xem như một biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, ít tốn kém và dễ thực hiện nhất”, bác sĩ phân tích thêm.
Vị chuyên gia cũng khuyến khích mọi người rửa tay với xà phòng để làm sạch vi khuẩn bám trên da tốt hơn bằng cách giải thích cơ chế hoạt động của xà phòng theo cách sinh động và dễ hiểu nhất
Với trẻ em, bác sĩ Lê Duy khuyến cáo nên rửa tay bằng xà phòng nếu con trên 1 tuổi, và trên 5 tuổi mới dùng gel rửa tay nhanh dưới sự giám sát của người lớn. Phụ huynh cũng cần chú ý chọn sản phẩm rửa tay không chứa chất gây kích ứng da, có nguồn gốc rõ ràng từ thương hiệu đã được kiểm định chất lượng và chứa thành phần bảo vệ hàng rào da. Bố mẹ cũng cần sử dụng kem dưỡng ẩm cho con sau khi rửa tay, hoặc lựa chọn sản phẩm có chứa chất dưỡng ẩm, vitamin E.
Lời khuyên của hot mom và chuyên gia nhận được sự đồng tình của không ít phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ than phiền việc tập cho con trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng là rất khó, bởi trẻ em thường thiếu tập trung, không kiên trì và không thích làm những việc chúng cho rằng kém thú vị.
Để gỡ rối cho người lớn, chị Thu Hà gợi ý: “Nếu con không thích rửa tay, bố mẹ chỉ cần mở clip Vũ điệu rửa tay từng nổi đình đám trên mạng, rồi thực hiện cùng con. Trẻ em học thông qua trò chơi, vậy nên vừa chơi vừa học quy tắc rửa tay là cách đơn giản mà hiệu quả”.
Bà mẹ 2 con tự hào cho biết hiện giờ chỉ cần nhắc rửa tay, bé Xu - Sim có thể thực hiện rửa tay 6 bước trong 2 phút đúng theo hướng dẫn từ clip âm nhạc của Lifebuoy.
Phân tích sâu hơn, bác sĩ Lê Duy khuyến khích bố mẹ giải thích cho con lý do cần rửa tay với những hình ảnh minh họa về vi khuẩn gây bệnh khiến con bị ốm, mệt mỏi.
Mẹ Xu Sim nhắn phụ huynh đừng nóng vội, bởi thói quen rửa tay hay ý thức rèn luyện sức khỏe thể chất, tinh thần không thể hình thành trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, đại dịch vừa qua cho thấy nhiều người Việt đã dần thay đổi nếp sống theo hướng tích cực hơn, biết suy nghĩ cho mọi người xung quanh nhiều hơn bản thân.
“Nhiều người, nhiều gia đình đã biết giữ khoảng cách an toàn nơi đông người, cư xử lịch sự, văn minh, không làm phiền tới người khác. Chúng ta hiểu rằng sức khoẻ người khác ảnh hưởng tới cuộc sống cuả mình. Mình khoẻ khi mọi người xung quanh đều khoẻ”, chị Thu Hà phân tích.
Với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan của người dân, cùng sự khích lệ và nhắc nhở thường xuyên từ Chính phủ, chúng ta có quyền tin rằng công cuộc phòng bệnh dịch của Việt Nam không những sẽ được duy trì thành công, mà còn giúp hình thành nên một thế hệ có ý thức phòng bệnh tốt hơn trong tương lai.
Bình luận