Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng phụ BA.5 của Omicron đang lây lan nhanh. Bộ đôi BA.4 và BA.5 hiện chiếm khoảng 95% ca mắc ở Mỹ. Một số vùng ở Mỹ thậm chí còn ghi nhận ca mắc, nhập viện cao đột biến, đặc biệt là nhóm từ 70 tuổi trở lên. Đây cũng là thủ phạm khiến làn sóng Covid-19 tái trở lại ở nhiều nước.
Các chuyên gia CDC đang nghiên cứu làn sóng hiện tại và cách những biến chủng này ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Dự kiến kết quả được công bố vào cuối tháng này.
BA.5 là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp làm hệ thống phân loại nhằm đơn giản hóa sự hiểu biết và tránh kỳ thị cho các nước phát hiện chủng SARS-CoV-2 đầu tiên.
WHO đặt tên biến chủng B.1.1.529 ban đầu theo chữ cái thứ 15 là Omicron. Giáo sư, tiến sĩ David Weber, Đại học North Carolina, Chapel Hill, cho biết: “Những con số phía sau đại diện cho số lượng và loại đột biến trong biến chủng cụ thể nào đó".
BA.5 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vào ngày 26/2. Nó được phân loại là dòng phụ của Omicron nhưng có các đột biến mới để phân biệt nó với những dòng phụ khác như BA.1, BA.2.
Theo tạp chí Nature, BA.4 lẫn BA.5 dường như gây ít ca tử vong, nhập viện hơn. Dấu hiệu này cũng cho thấy khả năng miễn dịch ngày càng tăng của con người giúp khắc phục hậu quả tức thì của tình trạng gia tăng ca mắc Covid-19.
BA.5 khiến nguy cơ tái mắc tăng cao. Ảnh: Freepik. |
BA.4 và BA.5 khác nhau như thế nào?
BA.4 và BA.5 chia sẻ các đột biến với những dòng phụ khác như BA.1, BA.2. Nhưng theo Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi, hai chủng này chứa các đột biến bổ sung ở protein gai.
Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi cho biết BA.4 và BA.5 này giống hệt nhau về đột biến trên protein gai, nhưng khác nhau ở các đột biến nằm ngoài gene đột biến.
BA.4 và BA.5 cũng mang những đột biến độc đáo của riêng chúng, với những thay đổi ở đột biến L452R, F486V trên protein gai. Điều này giúp virus bám dính vào tế bào vật chủ nhanh hơn, dễ dàng hơn, thậm chí có thể điều chỉnh một số phản ứng miễn dịch.
Giáo sư, tiến sĩ David Weber cho biết BA.5 tránh được miễn dịch tốt hơn BA.4. Tuy nhiên, nó không được cho là dễ lây truyền hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn. Theo nhà dịch tễ học David Dowdy, trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, ngoại trừ một số trường hợp ngẫu nhiên, có lẽ, không biến chủng nCoV nào khác đang lây lan ngoài Omicron và các dòng phụ của nó. Delta và các chủng trước đó hoàn toàn đã bị thay thế.
BA.5 tồn tại trong bao lâu?
Một số người không gặp bất kỳ triệu chứng nào khi nhiễm BA.5, song các chuyên gia cho biết người bệnh có thể cảm thấy ốm trong vài ngày đến vài tuần.
Giáo sư, tiến sĩ Mobeen Rathore, Đại học Y khoa Florida, thành viên Ủy ban Học viện Nhi khoa Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, cho biết: “Thời gian và triệu chứng mắc bệnh đang thay đổi trên phạm vi rộng".
Thông thường, bệnh nhân Covid-19 sẽ có triệu chứng cấp tính 1-2 tuần, nhưng những người nhập viện có thể mắc bệnh lâu hơn. Điều này cũng khá quen thuộc, chúng ta từng chứng kiến những người phải nhập viện kéo dài do biến chứng của Covid-19.
Các bác sĩ lâm sàng cho biết nhiều triệu chứng của BA.5 tương tự những biến chủng trước đó như nghẹt mũi, nhức đầu, ho và sốt.
Các biến chủng nCoV trước đó thường khiến người mắc mất khứu giác. Nghiên cứu mới từ Zoe Health phát hiện triệu chứng này chỉ xuất hiện ở chưa đến 20% bệnh nhân và thường vài ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng nghiêm trọng khác từng phổ biến như sốt, đau đầu, sương mù não và đau mắt giờ đây ít phổ biến hơn ở người nhiễm Omicron. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể xảy ra.
Tiến sĩ Claire Bocchini, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Texas, cho biết trẻ em có xu hướng gặp nhiều triệu chứng về tiêu hóa hơn như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy so với người lớn. Bà cũng bắt gặp nhiều tình trạng trẻ bị viêm thanh khí phế quản hơn.
Mayo Clinic định nghĩa viêm thanh khí phế quản là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, gây cản trở hô hấp và tạo ra những tiếng ho gầm gừ trong cổ họng.
Nguy cơ tái nhiễm phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Ảnh: WGN-TV. |
Có thể mắc BA.5 hai lần không?
Dữ liệu hạn chế về BA.5 chưa thể khẳng định chắc chắn một người có thể bị nhiễm BA.5 hai lần hay không. Song, các chuyên gia y tế cho biết điều đó khó có thể xảy ra trong tháng đầu tiên sau khi khỏi bệnh.
Nhà dịch tễ học David Dowdy, trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nhận định: "Trong vài tuần đầu tiên, nếu có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, bạn hoàn toàn có đủ sức đề kháng không bị tái nhiễm".
Khả năng một người mắc Covid-19 và tái nhiễm cùng biến chủng là 2-4 tháng sau khi khỏi bệnh. Ông Dowdy cho rằng rất có thể vài tháng tới, dân số thế giới đã có được khả năng miễn dịch chống lại dòng phụ này. Khi đó, có thể dòng phụ khác của Omicron sẽ xuất hiện khi virus cố gắng vượt qua khả năng miễn dịch này và lây nhiễm cho nhiều người nhất có thể.
“Đó là trò chơi mèo vờn chuột giữa virus và hệ thống miễn dịch của chúng ta. Nếu không có dòng phụ khác xuất hiện trong vài tháng tới, có thể, chúng ta đã được bảo vệ, kháng thể lại BA.5", ông Dowdy nhận định.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.