Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nguy cơ xảy ra dịch Covid-19 ở Việt Nam rất lớn'

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, biên giới phía Tây Nam và Tây Nam Bộ là khu vực có nguy cơ rất cao bùng phát dịch Covid-19.

Sáng 16/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Những điểm nóng có nguy cơ cao bùng phát dịch

Thời gian qua, các chuyên gia và Bộ Y tế liên tục cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh tại các nước láng giềng và trong khu vực còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Việt Nam liên tục tổ chức các chuyến bay giải cứu, đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

"Nguy cơ xảy ra dịch ở Việt Nam rất lớn. Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Kiểm soát dịch trong năm nay là thách thức, khó khăn mà chúng ta phải nỗ lực hơn nữa", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

hop truc tuyen cong tac phong chong dich Covid-19 anh 1

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở nước ta rất lớn. Các tỉnh, thành phố có đường biên giới với Campuchia cần hết sức chú ý trong giai đoạn này. Ảnh: Thuận Thắng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế nhận định biên giới Tây Nam, Tây Nam Bộ là khu vực nóng. Vì vậy, bộ sẽ thành lập đoàn công tác đến các địa phương này để kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tất cả địa phương, nhất là lực lượng biên phòng, phải giữ chặt khu vực biên giới.

Tuy nhiên, Việt Nam có đường biên giới dài, gần như không có ranh giới, việc đi lại từ nơi này đến nơi khác rất dễ dàng, không thể đảm bảo giữ chặt biên giới an toàn 100%.

"Chúng tôi mong muốn các địa phương có biên giới chung với Campuchia hết sức lưu ý trong giai đoạn này", ông Long lưu ý.

Bộ Y tế đề nghị địa phương khi phát hiện người nhập cảnh cần thông báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

"Bài học bùng phát dịch Covid-19 từ Campuchia, Thái Lan cho thấy họ phát hiện ca bệnh trong cộng đồng từ khu vực đông người như quán bar, karaoke. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát vấn đề này. Phát hiện ca nhiễm càng sớm bao nhiêu, dập dịch càng nhanh bấy nhiêu", Bộ trưởng Long nói.

3 kinh nghiệm chống dịch Covid-19

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam có nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là cách ly tập trung. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không được nhân nhượng trong việc kiểm soát người cách ly tập trung.

hop truc tuyen cong tac phong chong dich Covid-19 anh 2

Một người đàn ông nhập cảnh trái phép bị lực lượng biên phòng tỉnh Kiên Giang phát hiện. Ảnh: Chiến Khu.

Thứ 2 là phong tỏa, khoanh vùng. Điều này được thể hiện rõ trong đợt dịch bùng phát tại TP.HCM. Thời gian đầu, cơ quan chức năng thực hiện chính sách phong tỏa hàng loạt khu vực nguy cơ cao, khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng.

Sau khi có kết quả xét nghiệm diện rộng, ngành y tế dần dần thu hẹp khu vực phong tỏa. Nhờ điều này, đời sống của người dân không bị ảnh hưởng nhiều, giữ được sự tăng trưởng kinh tế. Đây là bài học lớn cho các địa phương.

Thứ 3 là vấn đề truy vết. Trường hợp có nhiều ca lây nhiễm, việc truy vết rất khó khăn. Một kinh nghiệm lớn từ Hải Dương là công tác truy vết được giao cho lực lượng công an. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ trao đổi với Bộ Công an và tập huấn cho toàn bộ lực lượng để thực hiện công tác truy vết.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hầu hết địa phương còn lúng túng trong việc xét nghiệm diện rộng. Do đó, cơ quan này đề nghị các địa phương nhanh chóng nâng cấp năng suất xét nghiệm, lên kịch bản xây dựng bệnh dã chiến, điều phối nhân lực y tế, nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm.

Không để vaccine Covid-19 hết hạn sử dụng

Việt Nam có thêm 811.000 liều vaccine của COVAX và đã phân bổ cho địa phương. Lô vaccine này có hạn sử dụng ngắn (hết hạn vào 31/5). Do đó, các tỉnh, thành phố cần triển khai tiêm chủng cho người dân theo chỉ đạo của Chính phủ trước ngày 15/5.

"Không được để bất cứ liều vacine nào phải hủy do hết hạn sử dụng mà địa phương không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không hoàn thành tiêm thì chúng tôi thu hồi vaccine. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ ngày hôm qua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca. Hiện cả nước có hơn 75.000 người được tiêm vaccine. Trong đó, 33% có phản ứng thông thường, tại chỗ như đau, rát ngứa, đau nóng đỏ, có trường hợp sốt nhẹ. Tất cả đều được ổn định sức khỏe sau 1-2 ngày. Tỷ lệ phản ứng này thấp hơn một số nước khác.

"Chúng tôi khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào gặp tình trạng đông máu sau tiêm vaccine", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng đã được thành lập, gồm giáo sư, chuyên gia đầu ngành, để hỗ trợ, chỉ đạo địa phương xử trí trường hợp quá mẫn, nhất là xảy ra tình trạng đông máu sau khi tiêm vaccine Covid-19.

Bộ Y tế chỉ đạo quản lý chặt người nhập cảnh

Các địa phương cần quản lý chặt chẽ chuyên gia, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đối tượng nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.

Ai co nguy co mac viem phoi? hinh anh

Ai có nguy cơ mắc viêm phổi?

0

Các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm phổi bao gồm người có hệ miễn dịch yếu, người lớn tuổi, mắc bệnh phổi mạn tính hoặc thường xuyên hút thuốc, tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm