Cảm cúm thường khiến mọi người cảm thấy lờ đờ, uể oải. Ảnh: Canva. |
Theo trang News Click, khi bị cảm cúm, mọi người thường không muốn ra khỏi giường, chán ăn, uể oải, đau nhức cơ thể, đau họng... Tình trạng này là do não nhận được tín hiệu từ tế bào thần kinh, sau đó gây ra các triệu chứng của bệnh cúm.
Cách não làm phát sinh triệu chứng bệnh
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 8/3, các nhà khoa học đã báo cáo về hiện tượng cơ thể người cảm thấy uể oải khi mắc bệnh cúm.
Qua quá trình nghiên cứu những con chuột bị cúm, họ đã phát hiện ra các tế bào thần kinh sẽ truyền tín hiệu đến não để thông báo về sự lây nhiễm. Sau đó, não phản ứng lại những tín hiệu này bằng cách phát sinh ra các triệu chứng.
Nhóm nghiên cứu cũng nghĩ rằng sự tồn tại của các tế bào thần kinh tương tự kết nối với những bộ phận trong cơ thể có thể cho não biết về các bệnh nhiễm trùng khác.
Không những vậy, tế bào thần kinh chính là tế bào não, có khả năng nhận tín hiệu từ bên ngoài và các bộ phận khác của cơ thể. Những tín hiệu này sẽ được truyền đến não dưới dạng xung.
"Không rõ bằng cách nào mà bộ não nhận thức được có một bệnh nhiễm trùng trong cơ thể. Các nhà khoa học thường nghĩ những phân tử truyền tin từ vị trí nhiễm trùng sẽ di chuyển qua dòng máu đến não, khuếch tán vào đó để kích hoạt trực tiếp chương trình hành vi bệnh tật", tác giả Stephen Liberles - trường Y Harvard, Boston - nhận xét về kết quả nghiên cứu.
Các phân tử truyền tin mà ông Liberles đề cập ở trên là prostaglandin. Các loại thuốc aspirin và ibuprofen được sử dụng rộng rãi giúp ngăn chặn quá trình sản xuất prostaglandin cũng có tác dụng ngăn chặn bệnh tật. Đây giống như một gợi ý rằng prostaglandin là các phân tử truyền tin quan trọng kích hoạt hành vi bệnh tật. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác cách thức những hóa chất này tác động tới não.
Nghiên cứu trước đây đưa ra một số gợi ý rằng PGE2 - một loại prostaglandin được tạo ra để đáp ứng với nhiễm virus - có thể di chuyển qua máu để đến não (nơi nó tương tác với các tế bào não).
Dựa vào điều này, các nhà nghiên cứu đã biến đổi gene những con chuột thiếu thụ thể PGE2 trong hệ thống thần kinh trung ương. Kết quả, những con chuột vẫn cư xử giống như chúng bị ốm với tất cả triệu chứng của bệnh cúm là chán ăn, ít cử động hơn bình thường.
Kết quả này chứng minh PGE2 được phát hiện bởi hệ thống thần kinh ngoại biên (vì những con chuột biến đổi gene không có thụ thể trong hệ thống thần kinh trung ương). Hệ thống thần kinh ngoại biên là nơi chứa các tế bào thần kinh bên ngoài não và tủy sống.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã chuyển sang tìm vị trí chính xác mà PGE2 được phát hiện trong cơ thể. Với sự trợ giúp của một số công cụ di truyền, họ đã tập trung vào một cụm tế bào thần kinh ở phía sau cổ họng, nơi kết nối não với đường hô hấp trên (bao gồm khoang mũi, hầu, thanh quản và khoang miệng). Nhờ đó, họ phát hiện ra những con chuột thiếu thụ thể ở các khu vực này sẽ không biểu hiện triệu chứng ngay cả khi chúng bị nhiễm virus cúm.
Triệu chứng của bệnh cúm không phải do virus, mà chính là não gây ra. Ảnh: GoodRx. |
Ý nghĩa của nghiên cứu
Những phát hiện trên mang lại một số ý nghĩa nhất định cho các nhà khoa học. Chúng cho thấy không chỉ có prostaglandin hoạt động như các phân tử truyền tin di chuyển xuống não để thông báo về sự nhiễm trùng, mà các tế bào thần kinh cũng làm điều tương tự thông qua việc truyền tín hiệu. Tức là ngay cả khi không có hoặc bị chặn, những tín hiệu của sự lây nhiễm vẫn có thể được truyền đi bởi các tế bào thần kinh.
"Việc phát hiện ra con đường ngoại biên này đã định hình lại hiểu biết của chúng ta về cách thức lây nhiễm virus cúm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh để gây ra hành vi bệnh tật. Các phân tử nhỏ như prostaglandin nổi tiếng là khó nghiên cứu", bà Elia Tait Wojno - nhà miễn dịch học tại Đại học Washington, Seattle - nói.
Một phát hiện thú vị khác mà nghiên cứu đưa ra là ngay cả việc chặn con đường PGE2 được thực hiện trong giai đoạn lây nhiễm sau này cũng không làm giảm các hành vi bệnh tật của cơ thể. Theo các nhà khoa học, đây có thể là do sự tồn tại của một con đường khác khi quá trình lây nhiễm tiến triển.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra việc ngăn chặn con đường PGE2 sẽ giúp tăng khả năng sống sót của những con chuột. Điều này củng cố thêm những phát hiện trước đó rằng việc ngăn chặn con đường tổng hợp PGE2 giúp cải thiện cơ hội sống sót của những con chuột bị nhiễm cúm.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.