Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân khiến độ tuổi đột quỵ trẻ hóa

Đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Tại các bệnh viện chuyên ngành ghi nhận không ít trường hợp người bệnh mới ngưỡng từ 20 đến hơn 30 đã bị đột quỵ.

Việt Nam thuộc nhóm những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock.

Nam thanh niên 27 tuổi được đẩy về phòng bệnh sau vài ngày chiến đấu với đột quỵ. Vài ngày trước, nửa người phải của anh yếu nhẹ, không thể nói chuyện. Xe cấp cứu chuyển anh đến thẳng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115.

Trên phim MRI ghi nhận nhồi máu nhỏ kèm hẹp nặng/ tắc động mạch não giữa. Chưa đầy 24 giờ sau, các triệu chứng diễn tiến nặng hơn, tay và chân liệt hoàn toàn.

Ảnh MRI lần 2 cho thấy thể tích nhồi máu đã lan rộng ở nhiều nơi. Không có các dấu hiệu nên can thiệp xâm lấn, trường hợp của bệnh nhân trẻ tuổi trên đặt ra cho các bác sĩ một bài toán khó.

Thực tế, những trường hợp đột quỵ ở độ tuổi trước 30 như nam thanh niên nói trên không hiếm. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc phải cũng ngày một nhiều.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho rằng thực tế này hoàn toàn có thể hiểu được.

Những con số báo động

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2023, Việt Nam có gần 160.000 người tử vong vì đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Cứ 3 trường hợp bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ có 2 người tử vong hoặc mắc các di chứng lâu dài, buộc phải cần người chăm sóc trong 5 năm sau đột quỵ.

300.000 là số trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ hàng năm tại Việt Nam. Trong đó, cứ 100 người lại có hơn 30 người mất vì hai căn bệnh này. Trung bình, trong 4 người trên 25 tuổi sẽ có một người đã và sẽ bị đột quỵ.

Đây là thông tin được GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ tại tại Hội thảo về Chương trình dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim do Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam và Bệnh viện Kusumi tổ chức hôm 27/10.

Đáng báo động, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Tại các bệnh viện chuyên ngành tim mạch, đột quỵ cũng ghi nhận không ít trường hợp người bệnh chỉ hơn 20 tuổi đến hơn 30 đã bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

dot quy tre hoa anh 1

Phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo có thể khiến người bệnh lỡ mất thời gian vàng cấp cứu đột quỵ. Ảnh: Shutterstock.

Là đơn vị điều trị đột quỵ lớn nhất tại TP.HCM, mỗi ngày, khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận khoảng 50-70 ca nhập viện do đột quỵ.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM cho biết khoảng 15% trong số những ca nhập viện trên là người dưới 45 tuổi, trong khi độ tuổi đột quỵ trung bình của người Việt Nam nằm ở ngưỡng 60 tuổi.

"Có thể thấy rằng đột quỵ ngày càng được trẻ hóa chứ không còn là vấn đề của riêng người cao tuổi", PGS Thắng chia sẻ.

Lối sống kém lành mạnh là một phần nguyên nhân

PGS Nguyễn Huy Thắng chỉ ra đột quỵ thường xuất phát từ những nguyên nhân như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu, bệnh lý tim mạch... Khoảng 10 năm trở lại đây, các bệnh lý kể trên chỉ còn chiếm khoảng 90% các trường hợp đột quỵ. 10% còn lại đến từ lối sống kém lành mạnh của người trẻ.

Trong bối cảnh cuộc sống ngày càng phát triển, người trẻ phải chịu đựng không ít sự căng thẳng, áp lực. Lúc này, cơ thể sẽ tiết nhiều hormone làm huyết áp tăng, có thể bị co thắt mạch máu não trong một khoảng thời gian ngắn, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ.

dot quy tre hoa anh 2

Nước ngọt, bánh kẹo, đồ ăn chế biến sẵn có nhiều calo và ít dinh dưỡng... kết hợp thức khuya, dậy muộn, lười vận động có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, tiểu đường, huyết áp và bệnh tim. Ảnh: Univision.

Thuốc lá, bia rượu, chất gây nghiện cũng là một trong những tác nhân tiềm ẩn dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Số liệu báo cáo nghiên cứu của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam năm 2023 chỉ ra tỷ lệ người tuổi trưởng thành hút thuốc lá chiếm 20,2% (giảm 2,5% so với năm 2015).

Trong đó, tỷ lệ nam hút thuốc lá chiếm 38,9% và nữ chiếm 1.5%. Tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá năm 2023 so với năm 2015 có giảm, tuy nhiên tỷ lệ giảm không đáng kể.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho rằng bên cạnh nguyên nhân như các bất thường về mạch máu não, dị dạng mạch, vấn đề tim mạch thì thói quen xấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đột quỵ sớm.

Ăn uống theo trend, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có ga, hút thuốc lá, rượu bia... dẫn đến các rối loạn chuyển hóa mỡ máu sớm, tăng huyết áp, béo phì - những bệnh nền vốn là nguy cơ tiềm ẩn của cơn đột quỵ.

"Quả bom nổ chậm" dễ bị bỏ qua

Bên cạnh những yếu tố kể trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca đột quỵ ngày một tăng chính việc phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

“Trước khi trời mưa thường sẽ có sấm chớp. Có thể hình dung những cơn đột quỵ nhẹ là sấm chớp, có thể dẫn đến đột quỵ ngay sau đó”, bác sĩ Thắng dẫn ví dụ.

dot quy tre hoa anh 3

Làm việc quá sức, lối sống kém lành mạnh, sinh hoạt không khoa học... làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Ảnh: Freepik.

Đột quỵ nhẹ (hay cơn thiếu máu não thoáng qua) là tình trạng dừng cung cấp máu lên não trong một thời gian ngắn mà không làm tổn thương não hay gây chết mô não. Đối với các ca đột quỵ nhẹ, chưa có đủ chứng cứ ủng hộ việc can thiệp xâm lấn như trên, sẽ rất khó để các bác sĩ đưa ra những chỉ định phù hợp.

Khoảng 90% ca đột quỵ sẽ có các biểu hiện như liệt, yếu nửa người, mất căn bằng cơ thể… Vì lẽ đó, nhiều bệnh nhân, thậm chí là bác sĩ, có thể vô tình bỏ qua một số biểu hiện như méo nửa miệng, yếu nhẹ, giảm thị lực… từ đó để lỡ thời gian vàng cấp cứu (3,5-4 giờ đầu).

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, khoảng 50% bệnh nhân sẽ bị đột quỵ sau 2 ngày trải qua đột quỵ nhẹ. Về lâu dài, đột quỵ nhẹ có thể làm giảm tuổi thọ của người bệnh.

PGS Thắng khuyến cáo khi đã có các triệu chứng gợi ý đột quỵ kể trên, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức. Việc phòng ngừa sớm sẽ tránh được biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, người trẻ vẫn có thể phòng ngừa nguy cơ đột quỵ thông qua việc xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh. Mọi người nên duy trì việc luyện tập thể dục thể thao, hạn chế hút thuốc lá, rượu bia để giữ sức khỏe ổn định.

Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn và chất béo để hạn chế cholesterol trong máu cao gây tắc nghẽn động mạch cũng là chìa khóa để phòng đột quỵ.

Bệnh của thời thức ăn tiện lợi

Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.

Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.

Thất vọng sau khi 'vung tiền' massage chữa đau cổ vai gáy

Ngày càng nhiều người trẻ đi khám do gặp các vấn đề liên quan đau cổ, vai gáy. Chuyên gia cho rằng việc massage, tẩm quất thực chất không điều trị triệt để căn nguyên gây đau.

Thiếu niên nhập viện ở TP.HCM vì rắn bò vào nhà cắn

Trong lúc ngồi chơi ở nhà, thiếu niên thấy vật thể lạ màu xanh trong hốc cổ xe máy, tưởng lá cây nên lấy tay bóc. Bất ngờ, con rắn lục cắn vào tay bệnh nhân.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm