- Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM.
- Phó viện trưởng Viện Quản trị và Tài chính IFA
- Chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân.
Đòn bẩy tài chính là gì?
Đòn bẩy tài chính trong đầu tư, hiểu một cách đơn giản là vay mượn tiền của người khác để đầu tư sinh lời. Hình thức này khá phổ biến trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, khi nhà đầu tư cần lượng vốn lớn để tham gia thị trường này.
Không riêng trong đầu tư, trong tài chính nói chung thì đòn bẩy tài chính là công cụ rất hiệu quả để tận dụng được từng đồng vốn vay.
Có thể lấy ví dụ đơn giản như nếu để dành được 20 triệu đồng/tháng thì bao lâu sẽ mua được căn hộ chung cư 2 tỷ đồng. Và khi mình để dành được 2 tỷ đồng tiền mặt thì giá căn hộ đó đã là bao nhiêu?
Chính vì vậy, đồng tiền vay mượn lúc này phát huy được giá trị hiện tại của nó, có giá trị hơn so với cùng lượng tiền đó trong tương lai, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người vay.
Công cụ nợ hay đòn bẩy tài chính giúp chúng ta giải quyết được việc thiếu hụt vốn. Và tất nhiên, nhà đầu tư sẽ chịu một khoản lãi vay khi trả.
Bản thân mình đang có khoản đầu tư là một căn nhà dịch vụ cho thuê dài hạn. Khi mình biết được chủ nhà đang rao bán với giá vượt ngoài số tiền hiện tại mình đang có, mình lập phương án vay mượn thêm người thân và ngân hàng để mua.
Hiện tại giá căn nhà đã tăng lên khoảng 20% và mình có nguồn thu nhập hàng tháng từ tiền cho thuê để bù vào khoản vay ngân hàng.
Có nên sử dụng đòn bẩy tài chính?
Đòn bẩy tài chính là cách dùng "tiền của người khác" hay vay mượn để đầu tư. Và khi dùng tiền này thì cũng phải trả một khoản lãi vay. Nếu tính toán không kỹ, sẽ thua lỗ hoặc tệ hơn là mất trắng số tiền đã vay mượn.
Trong trường hợp ngược lại, nếu bạn đã thuần thục cách sử dụng đòn bẩy và cũng quen với thị trường và các sản phẩm đầu tư cá nhân thì có thể tận dụng nó để đầu tư. Nhưng cũng phải lưu ý, đòn bẩy là một "con dao 2 lưỡi" nên cần suy nghĩ cẩn thận về khả năng trả nợ và khẩu vị rủi ro của mình trước khi quyết định.
Dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư sao cho đúng?
Có 4 bước cơ bản của tài chính cá nhân: kiếm - tiêu - tiết kiệm - đầu tư. Các bạn cần giải quyết được 2 bước đầu là kiếm - tiêu như thế nào để có được khoản tích lũy đều đặn hàng tháng. Hoặc bạn có thể trích tỷ lệ từ các khoản thu nhập để có 1 khoản "vốn mồi" nhỏ cho đầu tư.
Ở giai đoạn đầu tư nhỏ này, bạn nên giữ tâm lý vừa đầu tư vừa học, những khoản lỗ có thể xem như học phí.
Khi đã có tư duy và thói quen đầu tư, các bạn đã đi đến bước cuối cùng, cũng là bước quan trọng nhất trong tài chính và đầu tư cá nhân. Lúc này bạn sẽ có những khoản thu nhập thụ động.
Không nhà đầu tư nào là không dùng nợ hay đòn bẩy tài chính. Ở giai đoạn đầu các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư lẫn sử dụng đòn bẩy thì có thể sử dụng đòn bẩy thấp, tỷ lệ vốn tự có cao hơn nợ, ví dụ như 9 đồng vốn/1 đồng nợ.
Nên cân nhắc vào những kênh ít rủi ro (đồng nghĩa với ít lợi nhuận) và ít biến động. Hoặc các kênh nào có tính thanh khoản cao, mua bán dễ dàng với số tiền đầu tư ban đầu nhỏ.
Nhưng cũng phải thật thận trọng vì khi dùng nợ thì tâm lý "mắc nợ" cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý khi ra quyết định đầu tư.
Đầu tư với tiền của mình, bạn sẽ tự tin hơn và không có nhiều áp lực trả nợ, cộng với áp lực kinh doanh phải lời lãi như khi bạn vay tiền để buôn bán làm ăn. Khi vay tiền, tâm lý người đầu tư thường không vững, không đầu tư "mạnh tay" và bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư tốt.
Bên cạnh đó, bạn cần thiết xây dựng kế hoạch trả nợ cả lãi và gốc chắc chắn. Trong đầu tư, không nên nghĩ đến ngắn hạn như lướt sóng, đầu cơ mà nên có kế hoạch đầu tư và phân bổ vào các kênh đầu tư mà mình am hiểu kỹ.