Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhân sự Hà Nội nhảy việc 3 lần trong 3 năm

Nhiều nhân sự trẻ ở TP.HCM và Hà Nội phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sự nghiệp. Dư âm dịch bệnh, làn sóng cắt giảm và sự đổ bộ của AI khiến công việc của họ lung lay.

Gen Z chứng kiến những biến động trong thị trường lao động. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

“Tôi ra trường giữa đại dịch Covid-19, đón nhiều đợt sóng cắt giảm, vẫn chưa ổn định công việc dù sắp bước sang tuổi 30”, Thu Minh (28 tuổi, quận 7, TP.HCM) nói.

Tốt nghiệp đại học vào năm 2019, Thu Minh bước vào thị trường lao động khi dịch bệnh hoành hành. Công việc chính thức đầu tiên của cô áp dụng mô hình làm việc tại nhà.

Mặc dù đặc biệt yêu thích hình thức làm việc online, Minh nhận ra công việc từ xa không đem lại nhiều cơ hội thăng tiến, vì thế đưa ra quyết định trở lại cuộc sống văn phòng, ứng tuyển vào một vị trí mới sau đại dịch.

viec lam TP.HCM,  viec lam Ha Noi,  Gen Z,  nhan su Gen Z,  cong viec Gen Z,  Gen Z sa thai,  Gen Z nhay viec anh 1

Thu Minh trải qua 2 đợt cắt giảm từ khi gia nhập thị trường lao động.

Sau gần một năm công tác ở doanh nghiệp tài chính này, Thu Minh đón làn sóng cắt giảm đầu tiên. Trong đợt tinh gọn bộ máy đó, cô may mắn không bị sa thải, song phải chuyển bộ phận, chấp nhận công việc trái chuyên môn để giữ vị trí nhân viên chính thức.

Năm ngoái, cô tiếp tục đối mặt với đợt cắt giảm thứ 2 của công ty. Phòng ban của cô chỉ giữ lại 30% nhân sự, khiến khối lượng công việc của những người ở lại tăng cao.

“Tôi phải làm việc của 3 người, nhưng lương thưởng vẫn thế. Chỉ cần có cơ hội, tôi sẽ nhảy việc. Song, thị trường lao động hiện nay tương đối biến động, tiềm ẩn rủi ro lớn”, nhân sự 28 tuổi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tại Việt Nam, lực lượng lao động sinh sau năm 1997 cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường lao động. Đại dịch Covid-19, làn sóng cắt giảm, tinh gọn hay sự đổ bộ của công nghệ tiên tiến khiến người lao động trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp và chuyển đổi công việc liên tục trong những năm gần đây.

Không chỉ riêng tại Việt Nam, người lao động trẻ trên toàn cầu cũng đang đối mặt với những biến động lớn. Tại Mỹ, số lượng lớn nhân sự Gen Z (sinh năm 1997-2012) đang phải đối mặt với cuộc đại khủng hoảng sự nghiệp.

Kế hoạch sa thải hàng loạt của các tập đoàn công nghệ lớn và chiến lược tinh gọn do Elon Musk phụ trách tại Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE) khiến người lao động trẻ mất cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, tài chính, dịch vụ công hay giáo dục. Khoảng hai triệu sinh viên Mỹ dự kiến tốt nghiệp vào năm 2025 sẽ bước vào một thị trường lao động bất ổn, theo Business Insider.

‘Sóng gió’ của nhân sự Gen Z

Không chỉ Thu Minh, nhiều nhân sự trẻ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính thức bước vào thị trường lao động từ 3 năm trước, Thảo Hương (25 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chuyển đến công ty thứ 3, chưa gắn bó với doanh nghiệp nào hơn một năm.

Với công ty công nghệ đầu tiên, Hương làm việc ở vị trí cộng tác viên marketing. Ban đầu, cô chấp nhận vị trí này vì hiểu rằng bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm và tin tưởng vào lời hứa hẹn ký hợp đồng lao động chính thức sau 3-6 tháng của ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, gần một năm sau, Thảo Hương vẫn phải làm việc với hợp đồng dịch vụ, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi khác. Công ty cũ của cô tiến hành tối ưu hoá bộ máy, cắt giảm nhiều vị trí, không đưa cộng tác viên lên vị trí nhân viên chính thức như đã hứa.

Nhận thấy công việc không mang lại sự an toàn tối thiểu, Thảo Hương quyết định nộp đơn xin nghỉ, rơi vào tình trạng thất nghiệp trong 2 tháng vì không tìm thấy công việc phù hợp.

viec lam TP.HCM,  viec lam Ha Noi,  Gen Z,  nhan su Gen Z,  cong viec Gen Z,  Gen Z sa thai,  Gen Z nhay viec anh 2

Thảo Hương chuyển đổi nhiều công ty trong 3 năm qua.

Sau đó, Hương trúng tuyển vào một doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Tưởng có thể ổn định và phát triển ở công ty này, cô lại đối mặt với làn sóng cắt giảm, bị cho thôi việc ngay trước Tết Nguyên đán 2025, một lần nữa rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Để sớm có việc làm, Thảo Hương chấp nhận công việc mới với mức lương thấp hơn, ở doanh nghiệp quy mô nhỏ.

“Trong giai đoạn này, có việc làm đã là may mắn. Tôi không dám ‘kén cá chọn canh’, cần thu nhập đều đặn để trang trải sinh hoạt phí”, nhân sự marketing tâm sự.

Tương tự, nhân sự thiết kế Hùng Phạm (27 tuổi, quận 4, TP.HCM) cũng chứng kiến nhiều biến động trên thị trường lao động từ khi tốt nghiệp, phải đối mặt với khó khăn về công việc ở thời điểm hiện tại.

Cụ thể, khi mới ra trường, anh nhận thấy sự nghiệp thiết kế hình ảnh tương đối rộng mở, mang lại nhiều cơ hội việc làm. Hùng cũng nhận được sự trọng dụng khi làm việc ở các doanh nghiệp truyền thông, marketing.

Tuy nhiên, thời thế thay đổi trong thời gian ngắn. Sự đổ bộ của AI khiến nhân sự thiết kế này nhanh chóng “mất giá” trên thị trường lao động.

Theo Hùng Phạm, các công cụ trí tuệ nhân tạo như MidJourney hay Copilot có thể xử lý một số tác vụ hàng ngày của nhân sự thiết kế như anh. Đặc biệt, sự cải tiến, nâng cấp của AI diễn ra tương đối nhanh chóng, khiến Hùng và nhiều đồng nghiệp khó bắt kịp.

“Ban đầu, hình ảnh do AI sáng tạo còn nhiều khuyết điểm, chưa thể ứng dụng. Song, hiện nay, các thiết kế ngày càng chân thực hơn, được khách hàng chấp nhận. Công ty vì thế không còn cần đến chúng tôi”, nhân sự 27 tuổi nói.

Cuối năm ngoái, Hùng Phạm nằm trong danh sách điều chuyển vị trí công tác của doanh nghiệp. Không muốn từ bỏ sự nghiệp thiết kế hình ảnh, anh quyết định xin nghỉ.

Linh hoạt thay đổi để sinh tồn

Rời khỏi công ty cũ, Hùng Phạm thay đổi chiến lược phát triển sự nghiệp để thích ứng với thời cuộc. Thay vì vội vàng ứng tuyển vào công ty mới, anh dự định dành thời gian để tham gia các khóa học, cập nhật kiến thức về AI trong lĩnh vực thiết kế hình ảnh.

Trong thời gian đó, Hùng nhận các dự án cá nhân, làm việc với vai trò freelancer (người lao động tự do). Đây là cách giúp anh vừa có thời gian học vừa duy trì một nguồn thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt phí cơ bản.

“Không ai muốn trở thành freelancer tự do nhưng tự lo ở độ tuổi này. Tuy nhiên, tôi không còn lựa chọn khác. Đây là kế hoạch ‘lùi 1 bước để tiến 2 bước’, giúp tôi vững vàng hơn khi trở lại thị trường lao động, giảm nguy cơ bị cắt giảm đột ngột”, Hùng Phạm chia sẻ.

viec lam TP.HCM,  viec lam Ha Noi,  Gen Z,  nhan su Gen Z,  cong viec Gen Z,  Gen Z sa thai,  Gen Z nhay viec anh 3

Nhân sự Gen Z đứng trước áp lực lớn, phải thay đổi, linh hoạt để thích ứng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

Trong khi đó, Thảo Hương cũng cho biết chấp nhận công việc lương thấp, ở doanh nghiệp nhỏ vì nhận thấy cơ hội nâng cao trình độ, học hỏi nhiều kỹ năng mới. Công ty có quy mô nhỏ thường đòi hỏi nhân sự kiêm nhiệm nhiều vị trí, đảm nhận số lượng lớn đầu việc, tác vụ.

Với vai trò chuyên viên marketing nội bộ, Hương nhận thấy có cơ hội tham gia tổ chức sự kiện doanh nghiệp, tuyển dụng, đào tạo và làm việc trực tiếp với con người. Theo Thảo Hương, đây là những kỹ năng cần học hỏi, bổ trợ cho nhiều vị trí công việc, gia tăng giá trị của cô trên thị trường lao động.

“Sau nhiều biến động, tôi nhận thấy không thể phụ thuộc vào một công ty. Tôi cần nhanh chóng trang bị bộ kỹ năng dày dặn, bù đắp cho kinh nghiệm ‘vụn’, trải rộng ở nhiều doanh nghiệp”, nhân sự 25 tuổi nói.

Hơn nữa, Thảo Hương cũng cho biết công việc liên quan trực tiếp đến con người tạm thời chưa bị AI thay thế. Việc cấp tốc trang bị các kỹ năng này giúp cô gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng.

Chú trọng trang bị kỹ năng mới, ứng dụng AI

Từng trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Bích Vân, Trưởng phòng Nhân sự của thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam Navigos Group, cũng nhận thấy sự ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như biến động kinh tế, công nghệ, mô hình VUCA - viết tắt của Volatility (Biến động), Uncertainty (Không chắc chắn), Complexity (Phức tạp) và Ambiguity (Mơ hồ) - đến người lao động, bao gồm nhân sự Gen Z.

Trong giai đoạn đầy biến động này, doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên những nhân sự linh hoạt, có khả năng thích nghi với thay đổi và mang lại giá trị rõ ràng. Điều này đồng nghĩa với việc một số vị trí hoặc kỹ năng nhất định có thể không còn phù hợp.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và yêu cầu tối ưu hóa nguồn lực ngày càng được chú trọng trong mỗi công ty khiến người tìm việc phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều người lao động bị cắt giảm hoặc chịu ảnh hưởng bởi các đợt tái cấu trúc sẽ cùng tham gia thị trường tìm việc làm số lượng ứng viên cho mỗi vị trí tuyển dụng gia tăng.

Nhà tuyển dụng có nhiều lựa chọn hơn nên yêu cầu đối với ứng viên cũng trở nên khắt khe. Doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có kinh nghiệm, đa nhiệm và có khả năng tạo ra giá trị ngay lập tức.

Giải pháp để thích nghi là luôn trau dồi những kỹ năng mới, tư duy linh hoạt, không nên giới hạn bản thân trong một ngành nghề hay mô hình làm việc, đồng thời cần chủ động kết nối với các nhà tuyển dụng để kịp thời nắm bắt cơ hội việc làm.

Bà Nguyễn Bích Vân khuyên các ứng viên nên trang bị 5 nhóm kỹ năng dưới đây nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiệu suất là ưu tiên hàng đầu của các công ty.

  • Nâng cao và làm mới kỹ năng (Upskilling & Reskilling).
  • Thành thạo ngoại ngữ.
  • Hiểu biết, phát triển khả năng sử dụng AI.
  • Thích ứng với mô hình làm việc linh hoạt.
  • Xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp.

Công ty Việt muốn đào tạo AI 'ngon bổ rẻ' nhưng kỳ vọng cao

Nhiều doanh nghiệp Việt muốn đào tạo AI với ngân sách thấp nhưng kỳ vọng cao, yêu cầu giáo trình phức tạp như bậc cao đẳng chỉ trong thời gian ngắn, khiến chuyên gia khó đáp ứng.

Chính sách 'mở cửa' của lãnh đạo lợi hay hại?

Cuốn sách Lãnh đạo giỏi cần chi quy tắc của Kevin Kruse thách thức những quan niệm lãnh đạo truyền thống bằng cách đề xuất 10 nguyên tắc "ngược đời" để lãnh đạo hiệu quả hơn. Một trong số đo là chính sách "mở cửa" của sếp, tức việc luôn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và trao đổi với nhân viên. Mặc dù mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy giao tiếp và minh bạch trong tổ chức, Kruse chỉ ra rằng nó cũng có thể dẫn đến những bất lợi, như gián đoạn công việc và giảm hiệu suất.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm