Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nhân sự ở TP.HCM: Hết Tết, mất việc

Sau Tết, nhiều người sốc khi bị công ty sa thải đột ngột, trong khi một số lại "nhảy" việc để tìm kiếm cơ hội mới.

9h30 sáng 10/2, Trọng Huấn (34 tuổi, trưởng phòng marketing tại TP.HCM) nhận được email từ ban giám đốc với tiêu đề "Thông báo cắt giảm 100% phòng marketing", đính kèm thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thư, công ty giải thích quyết định này xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc nhân sự và định hướng chiến lược mới cho năm tới.

"Tôi không nghĩ ngày này lại đến với mình sớm như vậy. Dù đã gắn bó gần 4 năm, tôi vẫn không thể tránh khỏi làn sóng layoff (sa thải)", Huấn nói với Tri Thức - Znews.

Công ty Trọng Huấn kinh doanh thiết bị điện tử. Ngành hàng này không mấy ổn định, lại thêm áp lực vì tiêu dùng đình trệ, chi phí nhập hàng khá cao. Có tháng hoạt động kinh doanh kém, chi phí marketing bị thu hẹp hơn 80%.

"Trước đây, tôi từng nghĩ với vị trí quản lý, mình sẽ có sự ổn định hơn. Nhưng không ngờ cả phòng marketing đều bị cho thôi việc", anh ngậm ngùi chia sẻ.

Sau Tết Nguyên đán, làn sóng layoff chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số công ty sa thải nhân viên với lý do cắt giảm chi phí, tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong khi đó, không ít người lại chọn thời điểm đầu năm để nhảy việc, tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn.

Lao đao

Trọng Huấn kể đầu tháng 12/2024, gần 40% nhân sự trong công ty anh đã xin nghỉ việc do chế độ lương thưởng, phúc lợi không còn tốt như trước. Đồng thời, các quy định của ban giám đốc cũng hà khắc hơn. Các kênh truyền thông trực tuyến của công ty không còn chạy quảng cáo. Nhiều sự kiện thường niên để tri ân đối tác, khách hàng cũng bị hủy.

Lúc đó, quy mô phòng marketing của Huấn giảm từ 6 xuống còn 3 người. Các phòng khác số lượng nhân sự cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Layoff sau Tet,  Nghi viec sau tet anh 1

Hợp đồng chấm dứt lao động của Trọng Huấn. Ảnh: NVCC.

"Nay cắt giảm toàn bộ phòng marketing đồng nghĩa với việc sản phẩm sẽ không còn. Công ty có thể sẽ giải thể hoặc kinh doanh sản phẩm khác", anh dự đoán.

Trọng Huấn cũng tiết lộ quyền lợi thôi việc với nhân sự làm việc trên một năm là được trả đầy đủ lương tháng 2 và hưởng thêm tháng 3. Trong khi đó, nhân viên làm dưới một năm chỉ được nhận lương tháng 2.

Ở độ tuổi ngoài 30, Huấn lo khó tìm được việc mới. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển người trẻ vì họ có sự nhiệt huyết, sáng tạo hơn.

"Tôi không biết cuộc sống của gia đình mình trong thời gian tới sẽ ra sao", anh bày tỏ.

Trường hợp của Hoàng Trung (28 tuổi, nhân viên media ở TP.HCM) cũng tương tự. Anh nằm trong danh sách sa thải sau Tết dù trước đó, công ty không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ cắt giảm nhân sự.

Trước Tết, Trung tham gia cuộc họp cùng đội ngũ để triển khai kế hoạch, đánh giá KPI cho năm mới. Chất lượng công việc của chàng trai được cấp trên đánh giá cao, trong khi anh luôn chịu khó nhận những đầu công việc mới.

Nhen nhóm hy vọng cho kỳ tăng lương vào tháng 3, Hoàng Trung "vỡ mộng" khi mọi thứ đều không được như mơ. Cả công ty dường như bị sốc tinh thần khi các bộ phận như sale, marketing, thiết kế đều bị cắt giảm. Khoảng 30% nhân viên bị đuổi việc, trong đó có cả những nhân sự gắn bó lâu năm.

Layoff sau Tet,  Nghi viec sau tet anh 2

Hoàng Trung lo lắng về nguồn thu nhập sau khi bị layoff. Ảnh: NVCC.

"Theo đánh giá, chính sách lương ở công ty tôi tốt hơn mặt bằng chung. Khi sale bán được hàng, cả phòng marketing của tôi cũng được ăn hoa hồng. Tôi nghĩ công ty vẫn đang hoạt động ổn định, nhưng có lẽ tình hình tài chính không được tốt như dự đoán", anh nói.

Hiện tại, Trung vẫn sẽ làm việc đến hết tháng 2. Sau đó, công ty chỉ hỗ trợ một khoản trợ cấp thôi việc tương đương 2 tháng lương.

Hoàng Trung cũng chia sẻ việc bị sa thải ảnh hưởng khá lớn đến tài chính của mình. Mặc dù có nhận thêm một số công việc freelance (làm tự do) bên ngoài, anh đánh giá nguồn thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng chắc chắn không đủ để trang trải sinh hoạt.

Trung vừa lập gia đình khoảng 2 năm trước và hiện có con gái nhỏ mới chào đời vào tháng 6/2024.

"Tôi vừa làm vừa tranh thủ nộp đơn xin việc ở các công ty khác. Tuy nhiên, đây là thời điểm nhiều người muốn chuyển việc nên tính cạnh tranh cao. Tôi vẫn chưa có công việc mới", anh nói thêm.

Chờ đón cơ hội tốt hơn

Ngay khi đi làm trở lại sau Tết, Minh Trang (26 tuổi, nhân sự account tại công ty agency ở TP.HCM) thông báo nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của sếp và đồng nghiệp. Cô quyết định dừng công việc vì có định hướng đi du học.

Làm account (cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng) trong ngành quảng cáo luôn phải chạy deadline, xử lý khủng hoảng, làm việc với nhiều bên khác nhau. Điều này khiến Trang luôn rơi vào tình trạng căng thẳng và áp lực.

"Tôi có niềm đam mê với thời trang từ lâu, nhưng trước đây vẫn chưa đủ dũng cảm để theo đuổi. Sau 3 năm gắn bó với môi trường agency, tôi muốn hướng đến công việc tự do và sáng tạo hơn theo ước mơ", cô chia sẻ.

Trang tiết lộ thêm mình đã nhận được thư mời nhập học từ một trường ở Malaysia trước Tết. Vì vậy, cô cần thời gian để chuẩn bị hồ sơ, visa, cũng như ổn định tâm lý cho hành trình mới.

Layoff sau Tet,  Nghi viec sau tet anh 3

Minh Trang nghỉ việc để đi du học, theo đuổi ước mơ thời trang. Ảnh: NVCC.

Tháng 11/2024, Hoàng Thanh (24 tuổi, nhiên viên nội dung) đã có ý định xin nghỉ việc vì công việc hiện tại khác hoàn toàn so với lúc phỏng vấn. Nhận việc vào tháng 6 năm ngoái, anh được cho biết công việc chỉ đơn giản là viết nội dung trên website, các kênh truyền thông và làm việc với thiết kế để có hình ảnh chuẩn chỉnh.

Tuy nhiên, sau khi sếp trực tiếp nghỉ, Thanh phải làm việc với trưởng phòng mới. Từ đó, định hướng cho phòng marketing đã đi theo hướng khác.

Mặc dù ở vị trí content, anh hiện phải xử lý hợp đồng, liên hệ mua hàng, làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nhiều công việc trợ lý khác.

Những công việc mới hoàn toàn khiến Thanh loay hoay và mất rất nhiều thời gian để bắt nhịp. Hàng ngày, anh đến công ty với khuôn mặt chán nản, không biết mình cần phải làm gì tiếp theo. Thậm chí, những dự án của công ty giao, anh cũng trễ deadline.

"Tôi không ngại các công việc khác nhưng cũng cần liên quan đến marketing nhiều hơn. Những công việc mới, chưa có kinh nghiệm, tôi cần các chỉ dẫn của cấp trên. Tuy nhiên, sếp lại tỏ ra cáu gắt mỗi khi tôi hỏi. Điều này khiến tôi chán nản và mệt mỏi mỗi khi làm việc", chàng trai chia sẻ.

Hoàng Thanh cố gắng cầm cự và chia sẻ với sếp nhưng đã qua nhiều tháng, vẫn chưa có sự thay đổi nào. Anh cho rằng sau Tết là thời điểm phù hợp để làm mới bản thân, tập trung vào lộ trình sự nghiệp mình muốn gắn bó lâu dài.

"Trước Tết, tôi vẫn chưa có lời mời làm việc nào từ công ty khác. Hơn nữa, tôi không muốn 'nhảy' việc quá nhiều lần vì sẽ tạo ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng", Thanh nói và thừa nhận mình ở lại một phần vì muốn nhận thưởng Tết.

Hiện tại, Thanh vẫn làm trong công ty đến hết tháng 2. Anh tiết lộ mình cũng đã tìm kiếm cơ hội tốt hơn, phù hợp với những mong muốn của mình.

"Trong 2 năm qua, tôi 'nhảy' việc cỡ 4 công ty. Lần này, tôi hy vọng mình chọn đúng nơi để gắn bó lâu dài và thăng tiến", Thanh tâm sự.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Đồng nghiệp xin nghỉ đi du xuân, nhân sự TP.HCM 'chìm' trong deadline

Nhiều nhân sự ở TP.HCM than trời vì có quá nhiều công việc phải xử lý sau Tết, nhất là khi một số đồng nghiệp của họ vẫn còn nghỉ Tết hoặc xin nghỉ làm để đi du lịch, du xuân.

Minh Vũ

Bạn có thể quan tâm