Sau khi ăn tiết canh dê, anh Y.K.B. (ngụ huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) bắt đầu có triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn ói, sốt cao và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám.
Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy anh B. bị viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan.
Điều tra bệnh sử, anh B. cho biết thường xuyên ăn tiết canh dê vì cho rằng dê nhà nuôi đảm bảo an toàn chất lượng. Đây là lần đầu tiên người đàn ông này có các biểu hiện khó chịu, ói liên tục kèm sốt cao sau vài giờ ăn tiết canh.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận khoảng 30 trường hợp viêm màng não mủ, nhiễm trùng thần kinh trung ương nặng. Căn nguyên phổ biến là do vi trùng, virus, ký sinh trùng và nấm. Những căn nguyên này phần lớn bắt nguồn từ thói quen ăn thực phẩm chưa nấu chín, rau sống các loại, ốc và đặc biệt là tiết canh.
Một bệnh nhân bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do ăn tiết canh được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi. |
Ăn tiết canh các loại động vật rất dễ gây ra hai nhóm bệnh cảnh là viêm màng não do liên cầu lợn và viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm ký sinh trùng.
"Khi đã mắc hai nhóm bệnh này, biểu hiện bệnh rất nặng nề. Bệnh nhân sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê co giật. Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng máu sẽ bị sốt, sốc, nếu không xử trí kịp thời có nguy cơ suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu, nếu không đến cơ sở y tế sớm và không được chẩn đoán sớm, nguy cơ không qua khỏi rất cao. Trường hợp điều trị được cũng rất khó khăn và tốn kém, khoảng 30 triệu/1 bệnh nhân không có bảo hiểm y tế và thời gian điều trị ngắn nhất khoảng một tuần, dài nhất là một tháng”, bác sĩ Lâm cho biết thêm.
Hiện vẫn có nhiều người quan niệm ăn tiết canh tự làm tại nhà và chế biến từ con vật nhà nuôi sẽ an toàn, sạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành thú y, giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu dù được chăn nuôi trong điều kiện tốt nhất. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn có thể phát triển tình trạng bệnh rất nguy hiểm, chi phí điều trị tốn kém và tỷ lệ không qua khỏi khoảng 7%.
Bên cạnh đó, một quan niệm sai lầm khác mà nhiều người mắc phải còn là chỉ ăn tiết canh lợn mới bị bệnh và mắc liên cầu lợn mới nguy hiểm. Tuy nhiên, tất cả loại tiết canh dù là dê, vịt, ngan... đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo mọi người:
- Không ăn tiết canh, dù là tiết canh lợn, dê hay vịt, ngan... và không ăn các sản phẩm làm từ thịt chưa được nấu chín
- Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm không còn sống
- Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh
- Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, chế biến thịt
- Khi có vết thương hở, không nên mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng
- Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.