Sáng 24/9, tại Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết trong giai đoạn 2 của đại dịch Covid-19, chúng ta gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Đến nay, nước ta đã ngăn chặn được dịch ở các điểm nóng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương. Hơn 20 ngày, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc trong cộng đồng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Ảnh: Duy Anh. |
Sự chi viện chuyên môn từ Trung tâm Điều hành Tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, là một trong những giải pháp hiệu quả khi điều trị bệnh nhân.
Đến nay, trong giai đoạn thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, khám chữa bệnh từ xa được xem là công cụ quan trọng.
Hiện nay, cả nước có 1.400 bệnh viện công lập và 275 cơ sở tư nhân, 30.000 phòng khám đa khoa, 11.500 trạm y tế xã, phường cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc triển khai công nghệ số này giúp các tuyến dưới nhận được các kỹ thuật ở tuyến trên sâu, nhanh và rộng hơn.
Theo PGS Khuê, từ ngày 22/6 đến nay, chúng ta đã cán đích 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như Côn Đảo, Cô Tô, Mường Nhé.
GS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đơn vị này tổ chức định kỳ một tuần 2 buổi khám, chữa bệnh từ xa. Mỗi buổi sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi. Trong đó, 293 ca bệnh được hội chẩn, 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.
Các đại diện lãnh đạo bệnh viện cung cấp thông tin về hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: Duy Anh. |
TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết hiện nay, về mặt công nghệ, bệnh viện đã kết nối rất tốt với hàng trăm cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc người bệnh có thể tiếp cận trực tiếp bác sĩ còn cần chặng đường khá dài.
“Đây là hình thức tương đối mới mẻ. Muốn phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ và tài chính”, BS Hùng nói.
Theo GS Nguyễn Lân Hiếu, một trong những khó khăn hiện nay của việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa là chi trả bảo hiểm cho bác sĩ các tuyến. Bốn tháng qua, dù đã triển khai hàng trăm ca hội chẩn nhưng bệnh viện chưa có nguồn thu. Bảo hiểm y tế chưa có hướng để chi trả.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, để tham gia vào đề án này, bệnh viện các tuyến phải cùng quyết tâm.
Ngày mai (25/9), Bộ Y tế sẽ tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện.