Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

9 người nhập viện do rắn độc cắn đêm bão Yagi

Thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều do tác động của bão Yagi tạo điều kiện cho nhiều loại động vật như rắn, rết, bọ... rời khỏi nơi cư trú tìm kiếm thức ăn, gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Mùa ngập lụt, các loài rắn có thể bò vào nhà người dân để tìm nơi trú ẩn. Ảnh: Hongkongsnakeid.

Rạng sáng 8/9, khi bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận, điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn, chiếm phần lớn số ca nhập viện.

Đa phần, người dân bị cắn/đốt khi ra ngoài kiểm tra sân vườn, ruộng trong và sau bão, buộc phải tiếp xúc với các các bờ cây, bụi cỏ, đống rác hay lá cây, điều kiện quan sát hạn chế. Thậm chí, có trường hợp rắn độc chui vào nhà cắn khi bệnh nhân đang ngủ.

Các bác sĩ cảnh báo bên cạnh việc phòng chống thiên tai, người dân cũng cần đề cao cảnh giác với các loài động vật có độc như rắn, rết, một số loài bọ…

ran can mua mua anh 1

Hình ảnh bàn tay bị hoại tử nhiễm trùng của một bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn. Ảnh: BVCC.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm mưa, bão kết hợp thời tiết ẩm ướt, không lạnh là điều kiện lý tưởng để các loài rắn, côn trùng,…ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn.

Bên cạnh đó, môi trường sống tự nhiên của động vật hiện đã bị phá vỡ và thu hẹp lại. Nhiều loài rắn như rắn hổ, rắn lục và các động vật gây hại buộc phải tới sống xen kẽ với khu vực dân cư. Như vậy, chúng rất dễ tiếp xúc với con người dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.

“Thường các loài rắn độc và côn trùng có độc ưa hoạt động trong bóng tối, ban đêm. Trong điều kiện bóng tối, chúng sẽ hoạt động mạnh, hung dữ hơn. Mưa bão khiến ánh sáng bị hạn chế, nhiều nơi buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị người dân bị rắn, côn trùng độc cắn”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Rắn độc là loài động vật có khứu giác và vị giác nhạy bén. Đầu lưỡi của rắn liên tục đưa ra phía trước để bắt dính các hạt nhỏ trong môi trường và đưa vào miệng nếm, phân tích xác định nguồn thức ăn và tìm hướng đi.

Chính vì thế, rắn có thể phát hiện các tín hiệu của con mồi từ rất xa. Đặc biệt là vào ban đêm và khi trời mưa, rắn hay đi tìm mồi nhưng không thể biết chính xác các tín hiệu đó là con người để tránh. Những lúc ấy, chúng dễ dàng tấn công khi cảm thấy bị đe doạ.

Không riêng khi trời mưa mà cả khi nắng nóng, đã có nhiều trường hợp người dân nằm trên nền nhà bị rắn chui vào cắn lúc đang ngủ. Rắn cạp nong, cạp nia khi cắn sẽ không gây đau hay sưng, thậm chí không để lại dấu vết do răng nhỏ, nọc độc không gây biến dạng bất thường tại vết cắn.

Đến khi đêm muộn hoặc sáng dậy, người dân mới có biểu hiện nhiễm độc như bị liệt gây khó thở, thậm chí tử vong. Các biểu hiện này rất dễ nhầm với rất nhiều bệnh khác nhau mà không biết là từng bị rắn độc cắn.

Hậu quả với các trường hợp rắn độc cắn là tổn thương vùng bị cắn như đau, sưng nề, hoại tử, nhiễm trùng, dễ dẫn tới sẹo, tàn phế, thậm chí tử vong. Các loài rắn như rắn cạp nong, cạp nia, rắn hổ chúa, rắn hổ mang cắn có thể gây liệt dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các loài rắn lục gây rối loạn đông máu, cầm máu dẫn tới chảy máu,…

Để phòng tránh nhiễm độc do rắn và các động vật có độc trong mùa mưa bão, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân nên lưu ý những điều sau:

  • Luôn chú ý quan sát khi tiếp xúc các vị trí các góc khuất, đống rác, đống lá cây, bụi cây, đống gạch, khe hốc, hang,… nơi hay có rắn và động vật có độc cư trú.
  • Chú ý dùng gậy, dùng đèn chiếu sáng để đi lại và làm việc.
  • Không dùng tay trần để đưa tay vào các khu vực nêu trên vì rất dễ gặp rắn và động vật đang trú ẩn tại đó tấn công.
  • Khi lao động, đi lại ban đêm nên mang ủng, đeo găng tay, đội mũ nếu ở rừng.
  • Người dân ở vùng nông thôn, rừng núi nên đóng cửa kín ở tầng 1, đặc biệt ở vị trí gần mặt đất để tránh rắn chui qua khe vào nhà.
  • Khi thấy rắn, người dân không nên chủ động bắt rắn mà cần đuổi đi hoặc bất đắc dĩ thì đánh chết. Từng có trường hợp bị rắn cắn do chủ động bắt rắn, kể cả khi rắn có vẻ đã chết cũng vẫn có thể cắn người.

Bộ sách “Bí ẩn hướng nội” chứa đựng nhiều thông tin và kiến thức rất hữu ích giúp bạn thấu hiểu chính mình, thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự nghi ngờ và đánh đồng bản thân với những định kiến rập khuôn của xã hội. Để từ đó bạn học cách yêu thương và trân trọng con người hướng nội của mình.

Nhiều người cho rằng người hướng nội khá giống nhau. Họ là những người rất kiệm lời, không thích giao tiếp xã hội. Thực tế lại khác, thế giới của người hướng nội rất đa dạng.

Hình ảnh gây xúc động tại các cơ sở y tế trong mưa bão

Trái ngược với cảnh đổ nát, tan hoang bên ngoài khuôn viên do bão số 3 Yagi để lại, bên trong các cơ sở y tế, cửa cấp cứu vẫn sáng đèn, kịp thời điều trị những ca bệnh nặng.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm