Từng được xem là giải pháp tối ưu để “xanh hóa” ngành công nghiệp ôtô, xe dùng pin nhiên liệu hydro (FCV hay FCEV) đang có dấu hiệu chững lại khi hàng loạt nhà sản xuất muốn từ bỏ kế hoạch phát triển loại phương tiện này, trái ngược với xu hướng đẩy mạnh phát triển cho xe điện.
Nhiều tên tuổi lớn chùn bước
Trong năm 2021, Honda công bố ngừng sản xuất mẫu xe chạy hydro Clarity vì nhu cầu thấp. Trước đó, Mercedes-Benz đã “khai tử” chương trình nghiên cứu mẫu xe gầm cao F-Cell sau thời gian dài duy trì với chi phí hoạt động đắt đỏ.
Trong khi đó, Jaguar Land Rover hồi tháng 4 năm trước hé lộ kế hoạch thử nghiệm một phiên bản Defender FCEV như một phần của chương trình giảm khí thải.
Tuy vậy đến tháng 10/2021, Ralph Clague, giám đốc phụ trách phát triển pin nhiên liệu đã nghỉ việc. Hãng xe Anh quốc từ chối bình luận về nhân sự thay thế cũng như tiến độ của kế hoạch kể trên, theo Autocar.
Dự án thử nghiệm nguyên mẫu Defender chạy nhiên liệu hydro đi vào ngõ cụt. Ảnh: Land Rover. |
Với General Motors, tập đoàn ôtô Mỹ đã mở rộng hướng nghiên cứu ứng dụng của công nghệ pin nhiên liệu Hydrotec cho các loại phương tiện đường bộ, hàng không và cả tàu biển.
Ngay cả hãng xe tiên phong và từng rất kiên định với công nghệ pin nhiên liệu hydro là Toyota cũng cho thấy dấu hiệu “buông bỏ”. Chủ tịch Toyota Motor Châu Âu Matt Harrison trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước phát biểu rằng ông không thấy pin nhiên liệu hydro có tiềm năng lớn ở mảng phương tiện chở khách.
Thực tế, hãng xe Nhật Bản vẫn đang đầu tư nghiên cứu cho nhiên liệu hydro nhưng là các thử nghiệm loại động cơ đốt trong mới trực tiếp đốt cháy hydrogen. Hướng đi này khác với công nghệ FCV hiện có trên mẫu Toyota Mirai sử dụng năng lượng điện từ phản ứng của khí hydro và oxy để chạy mô-tơ điện.
Cần thêm thời gian để khắc phục hạn chế
Dù chiếm hoàn toàn ưu thế ở yếu tố bảo vệ môi trường và hiệu năng hoạt động so với ôtô điện dùng pin, xe hydro đến nay vẫn không thật sự phổ biến.
Rào cản đầu tiên là chi phí nghiên cứu và sản xuất cao hơn khiến các mẫu xe hydro thương mại như Toyota Mirai hay Hyundai Nexo có mức giá cao hơn xe điện cùng hạng, từ đó khó khăn để thu hút được người dùng.
Khó khăn tiếp theo là đặc thù sử dụng khí hydro làm nhiên liệu nên loại phương tiện này hoàn toàn lệ thuộc vào trạm sạc. Và mạng lưới điểm tiếp nhiên liệu hydro ít ỏi tiếp tục khiến việc sử dụng xe hydro không được ưa chuộng bằng ôtô thuần điện.
Dù vậy, nhiên liệu hydro vẫn được xem là một giải pháp giá trị trong chiến lược chống lại ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Giải pháp khắc phục các hạn chế kể trên đang từng bước được tháo gỡ.
Tại Anh quốc hiện chỉ có 2 dòng xe hydro là Toyota Mirai và Hyundai Nexo. Ảnh: Car Magazine. |
Đơn cử, năm trước Hyundai từng công bố dự đoán rằng đến năm 2030 thì chi phí sản xuất của xe hydro có thể tương đương ôtô điện. Yếu tố ảnh hưởng chính đến vấn đề này là bạch kim và iridium quan trọng trong hệ thống truyền động hydrogen được kỳ vọng sẽ dễ tiếp cận hơn trong tương lai. Hai loại vật liệu này đắt đỏ hơn coban và niken dùng để sản xuất pin lithium-ion.
Song song đó, một vài quốc gia đã có lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho các loại phương tiện FCV.
Đơn cử, Anh quốc công bố chiến lược hydrogen hồi giữa năm 2021 với mục tiêu sản xuất 5 GW hydro sạch vào năm 2030 để cung cấp cho thị trường, đây cũng là thời điểm các lệnh giới hạn dành cho ôtô dùng động cơ đốt trong bắt đầu có hiệu lực tại xứ sở sương mù.
Chính phủ Anh cũng hướng đến việc xây dựng hệ thống cung ứng nhiên liệu hydro cho cho ngành vận tải, xe buýt công cộng nhằm đạt tỷ lệ trung hòa carbon vào năm 2050.