Chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) sau 2015, ngoài cung cấp kiến thức, còn có nhiệm vụ kéo học sinh đến với lịch sử. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và là tác giả biên soạn SGK lịch sử hiện hành trao đổi với PV về vấn đề này.
Rất ít thí sinh chọn thi môn Lịch sử. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Nếu được mời viết sách giáo khoa lịch sử trong chương trình mới, ông sẽ viết như thế nào?
- Tôi sẽ không viết như hiện nay, mà sẽ viết dưới dạng kể chuyện kết hợp giữa lịch sử và địa lý. Ví dụ như kể về tên nước Việt Nam qua các thời kỳ từ Văn Lang cho đến ngày nay, hay cố đô qua các thời kỳ lịch sử, hoặc, có thể làm một chuyên đề cho học sinh đi du lịch qua các dòng sông để vừa học địa lý, vừa biết lịch sử.
Ở cấp tiểu học, có thể viết đơn giản như thế. Nhưng đến THPT phải làm sâu hơn, có các chuyên đề hay hơn như chiến tranh và hòa bình. Trong chuyên đề này lại có các chuyên đề nhỏ như quá khứ không bình yên; thời bình nhưng khói súng vẫn dày đặc… Như vậy, các chuyên đề dạy cho học sinh vừa mang tính tổng hợp, nhưng cũng rất hấp dẫn.
Có thể nói, viết theo yêu cầu mới rất khó, nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo viên. Tôi vẫn băn khoăn liệu giáo viên có dạy được không?
Người thầy là gốc rễ của đổi mới giáo dục. Thầy giỏi thì mới đổi mới được phương pháp dạy học. SGK chỉ là công cụ hỗ trợ người thầy trong quá trình dạy học. Vì vậy, CT có hay, SGK có tốt nhưng khâu bồi dưỡng giáo viên không tốt thì cũng không thành công.
- Vậy ông có thể lý giải tại sao với CT - SGK lịch sử hiện nay lại không hấp dẫn học sinh và vì sao học sinh sợ thi sử?
“Tôi sẽ không viết như hiện nay. Mà sẽ viết dưới dạng kể chuyện kết hợp giữa lịch sử và địa lý. Ví dụ như kể về tên nước Việt Nam qua các thời kỳ từ Văn Lang cho đến ngày nay, hay cố đô qua các thời kỳ lịch sử, hoặc có thể làm một chuyên đề cho học sinh đi du lịch qua các dòng sông để vừa học địa lý, vừa biết lịch sử”.
PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, tác giả biên soạn SGK lịch sử hiện hành, nói về đổi mới cách viết SGK môn Lịch sử.
Nhưng nói như thế không có nghĩa học sinh quay lưng với môn sử. Nếu giáo viên dạy hay, học sinh vẫn thích.
Học sinh không chọn lịch sử để thi vì còn liên quan nghề nghiệp sau này. Các ngành thuộc khoa học xã hội thường bị đánh giá thấp, ít cơ hội việc làm, thậm chí bị “coi thường” nên ảnh hưởng đến đầu ra của người đi học.
Do đó, học sinh sẽ lựa chọn những ngành dễ xin việc, dễ “kiếm ăn” nên dại gì chọn lịch sử hay địa lý. Đây mới là nguyên nhân chính. Nếu môn sử được đề cao, lương bổng khá, chắc sẽ có nhiều học sinh lựa chọn.
Một giải pháp khác là đưa lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Canada... Tôi nghĩ sắp tới, ngoài CT - SGK, còn phải có những đoạn phim ngắn trên truyền hình về lịch sử. Thậm chí, khi thay SGK mới, giáo viên cũng có thể dạy dưới dạng cho học sinh đóng vai nhân vật lịch sử thì sẽ hy vọng các em thích môn học này.
- Nhưng giáo viên và học sinh phản ánh rằng, sự kiện trong SGK lịch sử viết dài và quá nhiều số liệu, ông nghĩ sao?
- Điều này đúng và không trách ai được. Vì lúc viết CT - SGK hiện hành, trình độ chỉ có thế. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng khoa học cơ bản như thế nào thì đưa vào SGK như thế. CT-SGK mới chắc chắn có chỉnh sửa cho phù hợp, nhưng tôi khẳng định vẫn có thể kế thừa từ SGK cũ.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh: Tiền Phong. |
- Thế còn những sự kiện lịch sử chưa được công khai sẽ được xử lý như thế nào trong môn Lịch sử, thưa ông?
- Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, có những sự kiện phải 50 năm sau mới được công bố, vì liên quan vấn đề đối ngoại, chính trị của đất nước. Nhưng vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo, nói chung, thời gian tới sẽ được làm kỹ.
- Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại thiếu nhân lực viết SGK mới sắp tới, quan điểm của ông trước ý kiến này?
- Nhân lực viết SGK mới đúng là rất thiếu. Nhưng tôi nghĩ, thế hệ già như chúng tôi chỉ tham gia ở một mức độ nào đó. Phải có một đội ngũ trẻ hùng hậu tham gia. Vì họ có trình độ CNTT, trình độ ngoại ngữ… Họ chính là những người “thổi luồng sinh khí mới” vào SGK sắp tới.
Ví dụ, một cuốn SGK có hai đến ba người viết thì các thầy già chỉ nên viết khoảng năm đến mười tiết, còn lại để “sân chơi” cho thế hệ trẻ.
- Cảm ơn ông.