Thông tin do TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay. Con số được cập nhật tới chiều 1/9.
Trong các trường hợp tới khám, 2 người có dấu hiệu nặng. Các trường hợp còn lại có triệu chứng nhẹ hơn như sụp mí mắt, mệt mỏi... Những người này được tiếp tục theo dõi, không có nguy cơ diễn biến nặng.
Trước đó, ngày 18/8, cơ sở y tế này tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Đây là cặp vợ chồng lớn tuổi, từng sử dụng pate Minh Chay. Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, tiên lượng sức khỏe của 2 bệnh nhân này khá nặng.
Sản phẩm pate Minh Chay đã bị dừng sản xuất và thu hồi. Ảnh: Minhchay.com. |
Hai trường hợp này được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai sau 14 ngày sử dụng sản phẩm chứa độc. Bệnh nhân có biểu hiện đau họng, khó nói, nuốt, sụp mí, sau đó yếu tay, chân, khó thở, điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Đến nay, Trung tâm Chống độc có 2 bệnh nhân nặng được sử dụng thuốc giải. Các trường hợp bệnh nhẹ không có thuốc giải độc. Theo bác sĩ Nguyên, huyết thanh kháng độc tố này rất hiếm, các công ty dược không sản xuất thường xuyên. Các bác sĩ kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị. May mắn, Thái Lan có dự trữ loại thuốc giải độc này.
"Chúng tôi đã cấp tốc đặt mua và vận chuyển thuốc về để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Giá của loại thuốc này là 8.000 USD/liều", bác sĩ Nguyên cho biết.
Trước đó, trong thông báo khẩn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Vi khuẩn này có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và dễ gây tử vong.
Từ 13/7 đến nay, nhiều bệnh viện ở TP.HCM và Hà Nội đã tiếp nhận các trường hợp có cùng dấu hiệu mệt mỏi, sụp mí mắt, khó nuốt, liệt cơ, khó thở sau khi sử dụng pate Minh Chay.