Cứ 10 cặp vợ chồng trẻ thì có 9 cặp vay nợ, và một nửa trong số này nợ ngân hàng hơn 100 triệu won. Ngoài ra, 5/10 cặp chưa có con và 6/10 đôi không sở hữu nhà riêng, Chosun Ilbo đưa tin.
Thống kê của chính phủ Hàn Quốc công bố hôm 9/12 cho thấy đất nước này có 1,18 triệu cặp vợ chồng kết hôn dưới 5 năm tính đến tháng 11 năm ngoái và con số này đang giảm dần.
Sự sụt giảm có thể thấy rõ vào năm ngoái do hạn chế tổ chức đám cưới trong giai đoạn dịch bệnh.
Khoảng 87,5% các cặp vợ chồng đã vay ngân hàng. Khoản vay trung bình của họ là 132,6 triệu won, tăng 18,3% so với năm trước. Ngược lại, thu nhập trung bình hàng năm là 59,9 triệu won, chỉ tăng 4,9%.
Các hộ gia đình Hàn Quốc mắc nợ nhiều nhất trong số những nước châu Á. Ảnh: CNA. |
Điều đó có nghĩa là khoản nợ của những đôi mới cưới tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập của họ. Chỉ 42,1% cặp vợ chồng trẻ sở hữu nhà riêng, giảm 0,8% so với năm trước.
Số liệu không gây ngạc nhiên trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở (từ cao cấp đến bình dân) ở các đô thị lớn của xứ kim chi đã tăng chóng mặt trong những năm gần đây.
Khoảng 44,5% cặp vợ chồng không có con, tăng 2% so với năm ngoái và tăng mạnh so với tỷ lệ 35,5% của năm 2016.
Điều này khiến số con trung bình của các cặp vợ chồng trẻ chỉ là 0,76 đối với hộ có thu nhập kép và 0,6 đối với gia đình có thu nhập đơn.
Việc sở hữu nhà riêng cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng trẻ. Những người đã mua nhà có số con trung bình nhiều hơn (0,76) so với những người chưa có nhà riêng (0,62).
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng các hộ gia đình ở đây đang sống trong nợ nần chồng chất.
Năm 2020, các hộ gia đình Hàn Quốc nợ ngân hàng và tổ chức tài chính khác khoảng 1.611 nghìn tỷ won. Nợ hộ gia đình bao gồm các khoản vay sinh viên, khoản vay mua ôtô, thế chấp nhà, khoản vay kinh doanh nhỏ và nợ thẻ tín dụng.
Nguyên nhân chính dẫn đến nợ hộ gia đình cao của Hàn Quốc là sự phụ thuộc vào chi tiêu bằng thẻ tín dụng, vốn chiếm khoảng 40% GDP của cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 18% ở Mỹ.
Theo các tổ chức phát hành thẻ tín dụng, ngày càng nhiều người không trả được nợ trong năm trước do thị trường việc làm thắt chặt, tăng trưởng thu nhập trì trệ và chi phí sinh hoạt tăng cao.