Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người trẻ kiệt sức vì làm việc

Kiệt sức vì áp lực công việc không còn chỉ có ở các nước phát triển. Tại những đô thị lớn của Việt Nam, người trẻ đi khám vì hội chứng này ngày càng nhiều.

“Trung bình họ chỉ ngủ từ 4-6 giờ một ngày, làm việc 12-18 giờ và rất ít khi có ngày nghỉ”, một bác sĩ tâm thần giải thích nguyên nhân dẫn đến hội chứng burnout (kiệt sức vì áp lực công việc) của người trẻ Việt.

Chưa có thuốc chữa burnout

Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu công nhận hội chứng burnout có trong Bảng phân loại bệnh tật quốc tế (ICD). Tuy nhiên, WHO cũng nhấn mạnh hội chứng này chỉ là “hiện tượng mang tính nghề nghiệp” - một trong những yếu tố gây ảnh hưởng tình trạng sức khỏe, không phải bệnh.

kiet suc vi lam viec qua suc anh 1
Nhiều bệnh nhân tâm thần bắt đầu từ burnout. Ảnh: Anh Tuấn/Tiền Phong.

Một bác sĩ công tác tại Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết thời gian qua, anh tiếp nhận khoảng gần 10 bệnh nhân, từ giáo viên, kỹ sư, diễn viên đến tư vấn tâm lý.

“Trước đó, qua báo chí, tôi biết có cô giáo suốt ba tháng đứng lớp nhưng không nói gì. Qua các triệu chứng mô tả, tôi thấy cô cũng nằm trong số những người có khả năng bị burnout. Bệnh nhân burnout nếu không được can thiệp tâm lý kịp thời sẽ rất dễ biến thành trầm cảm, u uất, thậm chí tự sát”, vị bác sĩ này nói thêm.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa chia sẻ: “Hiện nay, tại Việt Nam, hội chứng burnout vẫn chưa được coi là loại bệnh lý thông thường nên chưa có phác đồ điều trị. Các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần chỉ tác động bằng mặt tâm lý, giúp bệnh nhân tìm cách giải tỏa áp lực, tránh để bệnh kéo dài hay nặng thêm”.

Chị N.H.T.T. (Hà Nội), khách hàng của tiến sĩ Mai Hoa, cho biết chị đến khám qua giới thiệu của một đồng nghiệp. Trung bình mỗi ngày, chị làm việc liên tục 12 giờ. Gần đây, cơ quan thay đổi lãnh đạo, chị bị áp lực nặng nề vì luôn bị sếp tìm ra lỗi. Mỗi đêm, chị đều phải dùng thuốc ngủ, nghĩ đến đi làm là sợ hãi.

T.T.H. (Hà Nội) kể: “Tôi làm cho một tập đoàn lớn, phòng có 12 người, năm ngoái ba người nhảy việc, một người tự tử, tôi phải đến Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai xin thuốc. Bác sĩ khuyên tôi chưa nên vội dùng thuốc mà tạm nghỉ việc. Giờ, tôi làm công việc có mức lương chỉ bằng 1/3 trước kia, nhưng tinh thần ổn hơn”.

Mẹ của một bệnh nhân 24 tuổi, ở Hà Nội, cho tôi xem bệnh án của con gái bà. Bác sĩ liệt kê các triệu chứng như mất ngủ, suy nhược, lo âu, chán ăn, đau đầu dai dẳng, mất niềm tin vào bản thân.

Bà mẹ kể: “Nó học ở Hà Lan về, làm việc cho một công ty nước ngoài, lương tháng bằng lương công nhân một năm. Bạn bè tôi ai cũng khen nó giỏi. Đùng một cái, nó bảo không muốn đi làm nữa, rồi có các triệu chứng trầm uất, căng thẳng. Có ngày, nó không nói với tôi câu nào. Nó nghỉ việc 6 tháng, đi du lịch 3 tháng, giờ mới coi như hồi người”.

Cũng theo thống kê của tiến sĩ Mai Hoa, người bị burnout đa số đều có những công việc được cho là lý tưởng, như lương cao, môi trường đa văn hóa, hoặc làm ở các tập đoàn lớn, nhiều người chú ý. Đa số họ có thể cân bằng lại sau khi giảm áp lực công việc hoặc chuyển việc. Vài người trong số họ lâm vào trầm cảm kéo dài, thậm chí tự tử.

Càng thành công, càng dễ burnout

Thời gian trước, Michelle Phan được coi như một thần tượng mới của các cô gái trẻ khi thường xuyên có mặt trên các tạp chí danh tiếng. Số tiền cô kiếm được mỗi năm lên tới hàng triệu USD.

Chưa hết, với biệt danh "Phù thủy trang điểm", kênh YouTube của cô gái gốc Việt này có hơn 8,8 triệu người theo dõi, công ty riêng được định giá tới 500 triệu USD.

kiet suc vi lam viec qua suc anh 2
Michelle Phan bị áp lực công việc khiến cô “muốn sụp đổ”. Ảnh: Tiền Phong.

Hào quang vụt tắt khi dòng sản phẩm trang điểm do Michelle Phan hợp tác cùng thương hiệu mỹ phẩm danh tiếng không đạt được thành công như mong đợi. Cô hứng chịu nhiều chỉ trích của khách hàng. Điều đó khiến Michelle bị suy nhược và rơi vào trạng thái trầm cảm.

"Bạn có thể nghĩ rằng những gì tôi đạt được thật tuyệt vời và tôi nên hạnh phúc mới phải. Nhưng không, tôi thức dậy mỗi ngày và thấy bản thân như vỡ vụn, hoang mang không biết tại sao", Michelle chia sẻ.

Đào Chi Anh, cựu CEO của The Kafe, từng được tung hô như một ngôi sao startup. Năm 2015, Kafe Group "gây sốt" cộng đồng khởi nghiệp Việt khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng đầu tiên.

Rất nhanh sau đó, The Kafe mở rộng phạm vi kinh doanh với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM. Khi quyết định cho The Kafe dừng lại, Đào Chi Anh từng mắc phải rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng khởi nghiệp.

“Là ông chủ quả thật tuyệt vời phải không? Nhưng ai biết rằng bạn cũng phải gánh trên vai trách nhiệm cho tất cả sai lầm, thất bại, thua lỗ và cả những thứ mà nhân viên của bạn làm sai. Trầm cảm và lo âu đối với các doanh nhân là vấn đề hết sức phổ biến. Gần như, đây là điều không thể tránh khỏi, ít nhất là trong một thời điểm nào đó hoặc thậm chí là cả hành trình”, cô trần tình.

Trong giới giải trí, các ngôi sao hạng A như danh hài Hoài Linh, Sơn Tùng M-TP, Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên (vợ cầu thủ Lê Công Vinh)… đều chia sẻ từng hơn một lần muốn tự tử vì áp lực công việc.

"Nếu mình không có người thân bên cạnh, bạn bè trưởng thành đúng nghĩa xung quanh, không tập luyện để bình an thì chắc tự kết liễu mình không chỉ một mà nhiều lần bởi ức chế rồi", Hồ Ngọc Hà cho biết.

Một doanh nhân thành đạt kể rằng anh đã nhiều lần phải sang tận Singapore tham vấn tâm lý vì quá căng thẳng.

“Giới doanh nhân nhiều người bị trầm cảm. Tuy nhiên, đúng như lý giải của Đào Chi Anh, hầu hết họ không muốn nhắc tới bởi niềm tự kiêu, cái tôi quá lớn và nỗi sợ hãi phải công khai điểm yếu của mình cho gia đình, bạn bè, nhân viên của mình biết. Nhất là khi tất cả họ đều nghĩ bạn đang sống trong giấc mơ của mình”, người này cho biết.

Làm thế nào để giảm burnout?

Giống như nhiều nhóm “có vấn đề” khác, cộng đồng burnout cũng có diễn đàn của họ. Gần đây, bài viết được chia sẻ rất nhiều trong cộng đồng này chính là "Nghỉ đi, đừng sợ!" của tác giả Hạ Chi.

kiet suc vi lam viec qua suc anh 3
Đào Chi Anh tìm lại cân bằng sau trầm cảm công việc bằng việc nấu nướng, làm vườn. Ảnh: Tiền Phong.

"Chúng ta đi làm 8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ 8 tiếng và 8 tiếng còn lại cho mọi sinh hoạt khác. Nếu chỉ làm việc để sinh sống thì ta lỗ to vì đang đánh đổi 1/3 thời gian quý báu của cuộc đời chỉ để giữ an toàn cho 1/3 thời gian còn lại. Như vậy, để tối ưu thời gian, tôi phải ‘sống’ trong cả 8 tiếng làm việc. Muốn vậy, phải chọn công việc mà mình có thể vui vẻ để làm". Đây là trích dẫn được share nhiều nhất của Hạ Chi.

Một thủ lĩnh tinh thần khác của các burnout chính là Phan Ý Ly. Cô được biết đến là người Việt đầu tiên học thạc sĩ Nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội ở Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Phát triển cộng đồng Life Art. Sau nhiều áp lực công việc đến mức phải “trốn công ty hai tháng, cô lập hoàn toàn, đến mức phải chui vào bụi cây khóc hu hu”, Phan Ý Ly tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi 35.

Thời gian sau đó, Ly sáng lập các lớp hướng dẫn phụ nữ cởi bỏ áp lực, nhìn vào bản thân và sống nhàn, trong đó bao gồm việc khuyến khích mọi người “nghỉ hưu” khi công việc trở thành gánh nặng. Nhóm do Ly dẫn dắt hiện đã lên tới gần 12.000 thành viên.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho rằng để giảm áp lực của burnout tốt nhất chính là bản thân tự điều chỉnh.

“Nghỉ việc, chuyển việc, tự điều tiết công việc là bước thứ nhất. Có nhiều người giải quyết xong bước này đã khỏi bệnh. Học cách sống chậm lại, nghỉ ngơi, du lịch, làm vườn, đọc sách, xem phim là bước thứ hai. Nếu có thể, nuôi một con thú cưng, tập luyện một môn thể thao và duy trì một hobby (thú vui, sở thích riêng) thì rất ít người bị tái lại”, bà Hoa cho biết.

WHO định nghĩa burnout là hội chứng gây ra bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc. Người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, luôn cảm thấy tiêu cực, hoài nghi công việc mình đang làm và cuối cùng là hiệu quả chuyên môn giảm sút.

Theo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của Viện Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tâm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm. Trong đó, trung bình hơn 40.000 người Việt tự tử do trầm cảm mỗi năm.

Trải lòng của người trẻ mắc ung thư ở lứa tuổi đẹp nhất

“Do tôi nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe nên không thể bị bệnh”, chia sẻ của chị Lan Phương (33 tuổi) đang điều trị ung thư trực tràng là suy nghĩ của đa số bạn trẻ.

https://www.tienphong.vn/suc-khoe/nhieu-nguoi-tre-kiet-suc-vi-lam-viec-1434532.tpo

Theo Đạt Nhi / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm