Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều nỗi lo trước năm học mới ở TP.HCM

"Thực tế nhiều học sinh và gia đình đang tự cách ly, vừa học vừa chữa bệnh. Nhiều em đã mất người thân, cô trò đều phải cố gắng", cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Chị Giang Huyền, 39 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM có hai con. Một bé gái năm nay lên lớp 2 và anh trai học lớp 9.

Cả gia đình sống trong vùng đỏ của dịch Covid-19. Khi phải lo từng bữa ăn hàng ngày trong điều kiện giãn cách, việc con sẽ học online trong thời gian dài khiến chị lo lắng nhưng nêu quan điểm sức khỏe hiện tại là điều quan trọng nhất.

Không đủ chi phí mua laptop cho con học online

Những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Huyền chủ yếu đặt thực phẩm từ người quen. Từ ngày TP.HCM giãn cách xã hội, chị Huyền phải tạm dừng công việc buôn bán. Mất đi nguồn thu nhập trong 3 tháng, mọi chi phí sinh hoạt của ba mẹ con đều trông chờ vào tiền lương của chồng đang làm công nhân tại Huế.

Chi tiêu tiết kiệm bởi giá thực phẩm online đắt gấp 2, 3 lần mọi khi, chị Huyền nói không còn cách nào khác ngoài việc duy trì cố gắng.

Năm học mới của trẻ tiểu học ở TP.HCM bắt đầu vào ngày 8/9, giờ học của hai con trùng nhau nên một bé sẽ học qua điện thoại của mẹ, một bé học qua smart TV.

Chị Huyền không mua laptop cho con, phần vì không đủ chi phí dư dả để đầu tư một khoản tiền, phần còn lại thành phố đang giãn cách xã hội, các cửa hàng thiết bị điện tử đều đóng cửa.

Một mình trông hai con, giữa dịch Covid-19 nhiều biến động, thấu hiểu những khó khăn sắp tới khi học online, chị Huyền không đặt nặng áp lực, chỉ mong tinh thần con được thoải mái.

Gia đình thầy Dương Quốc Toàn, 42 tuổi, giáo viên giáo dục thể chất trường THCS Trần Văn Quang, quận Tân Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong năm học mới. Thầy Toàn có hai bé, bạn lớn năm nay học lớp 3, bé nhỏ năm nay lên lớp 1.

hoc sinh lop 1 hoc online,  kho khan trong hoc online,  thiet bi de hoc online anh 1

Thầy Dương Quốc Toàn và các em học sinh trường THCS Trần Văn Quang, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Do thầy Toàn phải dạy online nên nhà không đủ 3 laptop cho con học, bố làm việc. Bên cạnh đó, không gian phòng ở chật hẹp khó tạo ra môi trường yên tĩnh cho con học tập.

Việc chuẩn bị cho năm học mới cũng chưa sẵn sàng. Trẻ lớp 1 cần vở tập viết, sách tập đồ chữ, nhưng thành phố đang giãn cách, đặt mua và giao sách sẽ rất khó khăn.

Thầy Toàn và vợ phân chia thời gian để hỗ trợ bé lớp 1, thầy chủ yếu dạy vào buổi chiều nên sẽ để ý con buổi sáng, còn mẹ bé sẽ ngồi cạnh con vào buổi chiều.

"Gia đình mình may mắn có thể sắp xếp. Những nhà có ba và mẹ cùng làm việc online, hay mẹ nấu cơm, ba làm công an đi trực thì sẽ khó để trông con học”, giáo viên chia sẻ.

Nỗi lo trước kỳ học trực tuyến

Đầu năm học mới, bản thân thầy Toàn là giáo viên cũng là phụ huynh thấy còn nhiều điều ngổn ngang. Về kỹ năng học tập, thầy Toàn cho rằng: “Nếu trẻ lớp 1 được rèn chữ, học toán trước thì ba mẹ sẽ không quá lo lắng, trẻ cũng đỡ bỡ ngỡ hơn. Trẻ sẽ khó hình dung được cách cầm bút qua video, học sinh cần sự hướng dẫn trực tiếp từ cô giáo”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, 36 tuổi, giáo viên trường THCS Minh Đức, quận 1, TP.HCM, chia sẻ thực tế nhiều học sinh và gia đình đang tự cách ly, vừa học vừa chữa bệnh. Trong số các học trò, nhiều em đã mất người thân nên thời điểm này cô trò đều phải cố gắng gấp nhiều lần.

Năm nay dự kiến giáo viên TP.HCM phải dạy online cả kỳ, công nghệ có hỗ trợ quá trình học nhưng không thể bù được những hiệu quả của học trực tiếp.

Khi học online, giáo viên lo lắng khoảng thời gian giãn cách xã hội mọi người sử dụng Internet nhiều nên nếu mạng không ổn định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài học.

Chị Lâm Thị Ngọc Linh, 25 tuổi, là giáo viên lớp 1 tại trường Tiểu học An Hạ, huyện Bình Chánh, TP.HCM nêu thực tế: "Giáo viên gặp khó khăn khi cả cô trò đều chưa quen với việc học trực tuyến. Nhiều khi, cô giáo chờ các em đăng nhập, điểm danh xong đã mất vài chục phút. Chưa kể, quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro. Các em phát biểu nhưng cô không nhận được tín hiệu, ảnh hưởng tâm lý thầy trò".

ATM điện thoại cũ

Để giải quyết việc học sinh không có thiết bị học online, từ ngày 25/8 cô Trần Thúy An, hiệu trưởng trường THCS Minh Đức, quận 1, TP.HCM kêu gọi phụ huynh và giáo viên của trường ủng hộ học sinh không có thiết bị bằng dự án có tên “ATM điện thoại cũ”.

Trước đó, cô An và các giáo viên chủ nghiệm đã tổ chức những buổi gặp mặt online để tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình. Theo thống kê ban đầu trường có khoảng 100 em không có thiết bị học online.

Cô Thúy An cho biết: “Thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, phụ huynh cố gắng để con có thiết bị học nên số học sinh cần thiết bị giảm xuống còn 30 em”.

hoc sinh lop 1 hoc online,  kho khan trong hoc online,  thiet bi de hoc online anh 2

Giáo viên trường THCS Minh Đức dạy học online. Ảnh: NVCC.

Cô An chia sẻ nguồn đóng góp rất ít thiết bị cũ, mạnh thường quân chủ yếu ủng hộ kinh phí. Giáo viên Tin học của trường THCS Minh Đức tìm hiểu các thông số kỹ thuật của điện thoại như bộ nhớ, khả năng lưu trữ… tìm loại máy phù hợp với hình thức học online để đặt mua.

Các cửa hàng thiết bị di động đã đóng cửa, thầy cô sử dụng hình thức mua online, cài đặt ứng dụng để nhận hàng và kiểm tra sản phẩm.

Thầy cô sẽ ghi rõ thông tin liên hệ của gia đình và lời nhắn động viên tinh thần học sinh, nhờ Ban Chỉ huy Quận Sự Phường Cầu Ông Lãnh vận chuyển.

Cô An thông tin: “Tính đến ngày 5/9, 30 em thiếu thiết bị đều đã nhận được thiết bị hỗ trợ học online, kể cả những em là F0 đang trong khu cách ly”.

Ngoài ra, các thầy cô giáo chủ nhiệm tiếp nhận phản hồi của học sinh để nhà trường có hướng giải quyết, giúp đỡ học sinh nhanh nhất có thể.

Cứu trợ 600 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội vì Covid-19

Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên đang kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có những du học sinh hơn 1 năm chưa về nước.

Nhật Tân

Bạn có thể quan tâm