Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhiều thanh niên tại Đông Á kiệt sức, muốn nghỉ hưu sớm

Chán nản vì áp lực học tập, công việc, nhiều người trẻ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, chọn cách sống "mặc kệ", sớm từ chức để được nghỉ ngơi, không bon chen.

the he nam yen anh 1

Lớn lên ở thị trấn nhỏ tại miền đông Trung Quốc, Li Xiaomin luôn mơ ước được chuyển đến thành phố lớn - nơi giúp anh có cuộc sống tốt hơn.

Nhưng ở tuổi 24, Li chỉ muốn nghỉ ngơi.

Tại Trung Quốc, hàng loạt thế hệ trẻ tuổi như Li cảm thấy mỏi mệt vì cạnh tranh khốc liệt để vào đại học, kiếm công việc lương cao, nỗ lực thăng chức không ngừng. Nhưng sau những mệt nhoài cạnh tranh khốc liệt, giờ đây, họ lựa chọn cách sống “mặc kệ sự đời”, “nằm yên” hay tang ping.

"Tang ping", tạm dịch là nằm yên, là ngôn ngữ mạng ra đời vào năm 2016 tại Trung Quốc. Từ này dùng để mô tả thái độ hời hợt, bàng quan với cuộc sống. Hiện nay, "tang ping" được dùng để chỉ những người trẻ trong xã hội hiện đại có lối sống lãnh đạm, coi thường sự cạnh tranh, không muốn theo đuổi lý tưởng. Theo Sixth Tone, "tang ping" từng xuất hiện trên một diễn đàn ở Trung Quốc, nhưng sau đó bị xóa.

Chỉ muốn “nằm bẹp” ở đâu đó

Văn hóa làm việc, học tập tại Trung Quốc được ví như loại văn hóa mệt mỏi. Tại các công ty công nghệ, người lao động phải làm việc gấp đôi, thậm chí nhiều hơn, số giờ quy định.

Hiện tượng này không chỉ tồn tại ở Trung Quốc mà lan sang khắp Đông Á, trở thành làn sóng kiệt sức ở những người trẻ tuổi. Họ mệt mỏi trước viễn cảnh phải làm việc chăm chỉ nhưng nhận được phần thưởng, tiền lương dường như rất ít ỏi.

Ở Hàn Quốc, những người trẻ đang từ bỏ hôn nhân và mua nhà riêng. Ở Nhật Bản, họ quá bi quan về tương lai đất nước đến mức trốn tránh của cải vật chất, chỉ mong nghỉ hưu sớm.

Giáo sư xã hội học Lim Woon-taek, Đại học Keimyung, Hàn Quốc, cho biết: “Những người trẻ đang rất kiệt sức. Họ không biết vì sao cứ phải làm việc chăm chỉ như vậy”.

Ngày càng nhiều người trẻ chán nản với áp lực không ngừng, họ nói muốn từ bỏ các quan niệm thông thường như kết hôn hoặc sinh con.

the he nam yen anh 2

Các cử nhân tìm kiếm cơ hội tại một hội chợ việc làm diễn ra ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Thâm Quyến, ngày 10/10/2020. Ảnh: CNN.

Li dành mỗi ngày ở trường trung học để vùi đầu vào sách vở. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, điểm số xuất sắc đã đưa Li lọt top 0,37% học sinh có điểm cao nhất khối THPT của Sơn Đông. Li đang học thạc sĩ tại một trong 3 trường luật hàng đầu của Trung Quốc. Thanh niên này hy vọng sẽ kiếm được vị trí nào đó tại một công ty luật quốc tế uy tín có trụ sở ở Bắc Kinh.

Từ tháng 3, Li nộp đơn xin việc và thực tập ở nhiều nơi. Song, hơn 20 công ty luật quốc tế ở Trung Quốc đã từ chối. Giờ đây, anh an phận với vị trí thực tập sinh tại một doanh nghiệp trong nước.

“Sự cạnh tranh giữa tôi và các thực tập sinh khác rất khốc liệt. Mỗi khi nhìn các sinh viên cố gắng vào các công ty luật quốc tế nổi tiếng, tôi đều cảm thấy kiệt sức và không muốn cạnh tranh với họ nữa”, Li nói. Và lối sống “nằm yên” đã bắt đầu tác động, cộng hưởng với sự chán chường của Li. Mệt mỏi vì phải gắng sức leo đến đỉnh cao, Li quyết định “nằm im” bằng cách chỉ làm những việc trong bắt buộc tối thiểu ở kỳ thực tập.

“Nhiều người giỏi hơn đã làm việc chăm chỉ, vì vậy tôi cảm thấy lo lắng. ‘Tang ping’ với tôi giờ đây là không tham vọng, không làm việc chăm chỉ”, Li bộc bạch.

Áp lực mà những người trẻ tuổi ở Trung Quốc phải đối mặt rất lớn. Theo số liệu của Bộ Giáo dục nước này, năm nay, thị trường lao động tiếp nhận con số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng kỷ lục - lên tới 9,09 triệu người.

the he nam yen anh 3

10.000 cử nhân tham dự buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc, Vũ Hán, vào ngày 13/6. Ảnh: CNN.

Ngay cả khi tìm được việc, nhiều người vẫn mệt mỏi vì “văn hóa 996” (làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày/tuần), đặc biệt ở các công ty công nghệ. Văn hóa độc hại này đã bị chính quyền Trung Quốc “tuýt còi” cách đây ít ngày. Họ đình chỉ các công ty vi phạm luật lao động, trong đó có một doanh nghiệp chuyển phát nhanh yêu cầu nhân viên làm việc 996 giờ.

Theo Phó giáo sư kinh tế Terence Chong, Đại học Hong Kong (CUHK, Trung Quốc), rất nhiều người trẻ đang làm việc cho những công ty như vậy. “Họ cạnh tranh với nhau. Vì vậy, ngay cả không ai muốn làm việc nhiều giờ, họ buộc phải tuân theo để bắt kịp văn hóa công ty”, vị chuyên gia nói.

Những căng thẳng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ. Giáo sư đại học Tony Tang, 36 tuổi, ở Quảng Đông, Trung Quốc, không giấu được cảm giác mệt mỏi khi phải làm việc 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. "Tôi nghĩ rằng mình đã làm việc quá sức. Họ luôn coi chăm chỉ là điều mà người Trung Quốc phải làm. Tôi chỉ muốn nghỉ ngơi”, Tang tâm sự.

Giá nhà tăng cao đang tạo thêm áp lực cho giới trẻ. Tính theo mét vuông, chi phí trung bình trong chung cư ở Bắc Kinh đã tăng gấp đôi trong 6 năm, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cung cấp, tính đến năm 2019. So với cùng kỳ, thu nhập bình quân hàng năm của người dân Bắc Kinh tăng 66%.

“Dù họ có làm việc chăm chỉ đến đâu, rất khó để mua được nhà. Trong xã hội, nếu chăm chỉ, bạn có thể mua được nhà. Nhưng càng chăm chỉ, mục tiêu càng xa vời. Và khi không thể nhìn thấy bất kỳ hy vọng nào, họ chỉ muốn ‘nằm bẹp’ ở đâu đó vì kiệt sức”, PGS Chong chia sẻ.

Lối sống 3 không

Trong khi “tang ping” là xu hướng tương đối mới ở Trung Quốc, những người trẻ khác ở khu vực Đông Á tâm sự họ đã phải vật lộn với nỗi tuyệt vọng tương tự nhiều năm.

Mới 22 tuổi, Shin Ye-rim, nghiên cứu sinh tại Đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc, đã quyết định không kết hôn, sinh con hay mua nhà. “Giá nhà đang tăng quá nhanh”, Shin nói, từ bỏ việc kết hôn, sinh con hay sở hữu một ngôi nhà. Cô không biết liệu mình có đủ tiền để mua nhà không, chưa nói đến chuyện tài chính nuôi một đứa trẻ.

Năm 2011, một tờ báo ở Hàn Quốc gọi những thế hệ như Shin là “sampo”, từ bỏ hẹn hò, kết hôn và sinh con. Năm 2017, 74% người trưởng thành ở Hàn Quốc cho biết họ đã tử bỏ ít nhất một thứ vốn được xem là quan trọng trong cuộc sống như kết hôn, hẹn hò, giải trí, mua nhà. Nguyên nhân là khó khăn kinh tế. Khảo sát thực hiện trên 3.880 người do một cổng thông tin việc làm, tuyển dụng thực hiện.

Tương tự nhiều nước khác, áp lực công việc ở Hàn Quốc càng khốc liệt hơn trong đại dịch Covid-19. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng 4%, cao nhất trong 19 năm, theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc. Ngoài ra, 9% người dân trong độ tuổi 15-29 thất nghiệp. Giá nhà cũng tăng chóng mặt càng tạo thêm gánh nặng cho những người trẻ.

Shin tâm sự mẹ cô đã nghỉ việc sau khi sinh hai con. Giờ đây, cô không muốn để hôn nhân cản trở công việc hay cuộc sống cá nhân của mình. “Tôi đã học tập, làm việc chăm chỉ để bản thân hoàn thiện. Tôi không muốn từ bỏ điều đó vì gánh nặng gia đình, kết hôn, sinh con”, Shin nói.

the he nam yen anh 4

Những người cao tuổi ngồi cùng nhau chơi bài ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 12/5. Ảnh: CNN.

Thế hệ từ chức, muốn nghỉ hưu sớm

Những người trẻ ở Nhật Bản cũng chung cảm giác chán nản vì áp lực công việc và kinh tế trì trệ trong nhiều năm. Một số sống theo lối “satori sedai" hay “thế hệ từ chức”.

Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu vào năm 2010 trên 2channel - bản tin ẩn danh ở Nhật Bản, phổ biến vào thời điểm đó. Nó đặc trưng cho thái độ bi quan với tương lai, thiếu ham muốn vật chất, chỉ muốn nghỉ ngơi.

“Tôi chỉ tiêu tiền vào những gì mình thích và thấy nó có giá trị”, Kenta Ito, 25 tuổi, tự nhận mình là người tối giản, sống theo xu hướng “satori sedai". Anh kiếm được mức lương khá tại công ty tư vấn ở Tokyo, song, không quan tâm việc sở hữu nhà riêng hay xe hơi.

Theo khảo sát của công ty tư vấn Dot ở Tokyo vào năm 2017 trên 2.824 người, gần 26% trong độ tuổi 16-35 cảm thấy mình đang theo lối sống “satori sedai".

the he nam yen anh 5

Kenta Ito, 25 tuổi, miêu tả lối sống của bản thân đơn giản và có nhiều điểm tương đồng với "satori sedan". Ảnh: CNN.

Phó giáo sư Sachiko Horiguchi, Đại học Temple, nhận định những người này không quan tâm vật chất, tiêu dùng, thường xuyên muốn từ chức, nghỉ hưu sớm do khoảng cách thế hệ.

Lương của những người này về cơ bản cũng sẽ không tăng do suy giảm kinh tế. Trong khi đó, tiền thuế của Nhật Bản sẽ dành phần lớn để hỗ trợ phúc lợi cho người già. Thế hệ Z (gene Z) sẽ ngày càng khó khăn.

Thế hệ trẻ Trung Quốc 'nằm yên' vì bị ép học quá nhiều

Trong cuộc chạy đua giáo dục, nhiều đứa trẻ Trung Quốc chọn “nằm yên”, trở nên mất phương hướng, lý tưởng sống, thiếu hứng thú và động cơ học tập do bị cha mẹ ép học quá mức.

Thiên Nhan

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm