Ngày 27/4, học sinh trung học cuối cấp ở Trung Quốc được phép trở lại trường. Tuy nhiên, cơ sở mẫu giáo vẫn chờ sự cho phép hoạt động lại. Trong gần 4 tháng, nhiều trường không có bất cứ thu nhập nào.
Lao Sheng, chủ sở hữu trường mẫu giáo Qiya ở Quảng Châu, cho biết ông tiếp tục trả phí thuê mặt bằng, lương giáo viên từ khi đóng cửa trường vào tháng 1. Mỗi tháng, chi phí lên tới hơn 42.000 USD.
Điều làm Lao Sheng lo lắng hơn cả là việc đóng cửa này chưa có dấu hiệu kết thúc.
“Tôi đoán trường chẳng thể trở lại cho đến tháng 9. Tôi không thể gắng gượng được nữa”, ông chia sẻ.
Học sinh trung học ở Thượng Hải, Trung Quốc, đeo khẩu trang, xếp hàng kiểm tra nhiệt độ cơ thể ngày trở lại trường vào 27/4, sau khi cách ly 3 tháng tại nhà. Ảnh: Getty Images. |
Theo cuộc khảo sát của Tổ chức Giáo dục Phi Chính phủ Trung Quốc, 60% trường mẫu giáo tư thục cho biết họ khó tiếp tục vận hành trong mùa dịch. Một số trường phải giảm, thậm chí không trả lương cho nhân viên để bù lỗ.
Zeng Wenyi sở hữu 2 trường mẫu giáo ở Thiệu Dương với hơn 100 nhân viên. Mỗi người được trả hơn 110 USD mỗi tháng, bên cạnh khoản trợ cấp xã hội mùa dịch.
Mặc dù mức lương nhân viên thấp hơn nhiều so với bình thường, mỗi tháng Zeng vẫn lỗ hơn 21.000 USD, cùng với khoản phí thuê mặt bằng lớn. Zeng cho biết nếu việc đóng cửa tiếp tục, anh phải vay ngân hàng.
Một trường mẫu giáo ở Bảo Bình phải cho 16 nhân viên nghỉ việc không lương từ khi đóng cửa.
“Chúng tôi có quá ít tiền để trả cho họ lúc này”, Miao Ran, chủ sở hữu nói.
Miao cho biết cô phải chi hơn 2.500 USD cho mặt bằng, các khoản nợ và dụng cụ ngừa dịch mỗi tháng dù không có thu nhập.
Trường mẫu giáo của Miao đứng trước nguy cơ phá sản. Cô thông tin dù muốn làm việc khác, cô không còn vốn.
“Tôi mong Chính phủ trợ cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, cô nói.
Vào 15/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục kêu gọi quyên góp từ những khu vực khác, nhằm giúp đỡ các trường mẫu giáo tư thục địa phương.
Giữa tháng 4, tỉnh Bạch Vân, Quảng Châu quyên góp hơn 5,6 triệu USD vào các quỹ hỗ trợ. “Chúng tôi quyên góp cho các trường mẫu giáo tư thục quy mô nhỏ mà không yêu cầu họ nộp đơn trước”, Zhou, quan chức thuộc Cục Giáo dục tỉnh Bạch Vân, nói.
Ở Quảng Châu, trường mẫu giáo tư thục quy mô nhỏ có học phí chưa đến 200 USD mỗi tháng. Vì thế, họ có ít lợi nhuận hơn và phải chịu áp lực tài chính nặng nề vì dịch Covid-19.
Zhou cho biết khoản quyên góp này giúp các trường mẫu giáo trả lương nhân viên, cơ sở vật chất, dụng cụ phòng dịch.
Những khu vực phát triển như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng có những chính sách trợ giúp các trường tư thục. Họ cung cấp các khoản trợ cấp, giảm hoặc miễn tiền thuê nhà.
Tuy nhiên, trường ở khu vực kém phát triển ít nhận được trợ giúp. Zeng thông tin chính quyền Thiệu Dương chưa hỗ trợ gì kể từ khi anh đóng cửa hai trường học. Đến nay, anh mới chỉ được giảm một số bảo hiểm xã hội.
Zeng nói: “Do thiếu hụt chi phí, tôi e rằng nhiều trường mẫu giáo tư thục phá sản sau dịch Covid-19, đặc biệt những thành phố nhỏ có ít hơn 100 trẻ em”.