Ba tôi 65 tuổi, phát hiện ung thư phổi cách đây một năm. Cách đây 2 tháng, ba tôi đọc thông tin trên mạng xã hội cho rằng những người bị bệnh ung thư không nên ăn nhiều, nhất là đường và thịt - hai nguồn dinh dưỡng cơ bản giúp tế bào ung thư phát triển.
Sau đó, ba tôi ăn rất ít, có khi không dám ăn gì để làm cho "tế bào ung thư đói mà chết". Ba tôi ăn uống như vậy có đúng không và ăn như thế nào để điều trị bệnh được hiệu quả?
TS.BSCKII Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM, tư vấn:
Những thông tin không chính thống trên mạng như nhịn ăn để có thể giết chết tế bào ung thư là hoàn toàn sai lầm. Khi chúng ta khi nhịn ăn, tế bào ung thư chết thì các tế bào khác trong cơ thể cũng chết theo và dẫn tới suy kiệt là điều tất yếu.
Chế độ ăn tích cực hỗ trợ tốt hơn cho việc điều trị bệnh ung thư. Ảnh: Medical News Today. |
Bệnh nhân có một chế độ dinh dưỡng tốt không những hỗ trợ tích cực trong việc điều trị ung thư mà còn tăng sức đề kháng ngăn ngừa tình trạng tái phát của bệnh.
Ngoài ra, chúng ta không nên kiêng thức ăn quá nhiều hoặc tập trung ăn thức ăn quá bổ vì sẽ làm mất cân bằng trong dinh dưỡng và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Đặc biệt, khi phát hiện bệnh ung thư không nên dùng thuốc lá, thuốc đông y để đắp, uống, vì sẽ đánh mất thời gian vàng. Khi bệnh nặng hơn, dù chúng ta đến bệnh viện điều trị theo lộ trình của bác sĩ thì đã muộn.
Thực đơn cho người bị ung thư nên chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Ăn thức ăn giàu năng lượng và đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Nếu không ăn được thì nên uống sữa, sinh tố trái cây các loại, sữa chua.