Kẻ bỏ cuộc, người thất vọng
Thời gian trước, cơn bão giảm cân theo phương pháp low-carb càn quét khắp mọi nơi. Nhưng vài tháng trở lại đây, trào lưu detox – thanh lọc cơ thể đã soán ngôi. Nếu như low-carb đơn thuần chỉ là giảm cân, phù hợp với dân văn phòng, giới trẻ thì detox được lòng nhiều lứa tuổi hơn, bởi ngoài việc giúp cơ thể thon gọn, nó còn được giới thiệu là giúp cơ thể thải độc, thoát khỏi bệnh tật. Nhờ được một số người nổi tiếng quảng bá về các hiệu quả thần kỳ sau khi thanh lọc, detox ngày càng lan truyền và trở thành xu hướng giảm cân hot nhất hiện nay.
Cách thức thanh lọc cũng vô cùng đa dạng như chỉ uống nước chanh đường, nước mía chanh và nước ép ớt Đà Lạt, chỉ uống nước trái cây, ăn gạo lứt và uống dầu ô liu…. Ngay cả lộ trình thực hiện cũng phong phú không kém từ 2-12 ngày.
Uống nước đường pha chanh, nước mía pha chanh cũng là một biện pháp thanh lọc phổ biến. |
V. A. (năm cuối, trường ĐH Thương mại) luôn bị ám ảnh bởi cân nặng vì cô bạn thuộc tạng người rất dễ tăng cân. Mỗi khi biết đến phương pháp giảm cân nào, V. A. đều tìm hiểu, áp dụng thử. Bạn tâm sự: “Trước đây, mình cũng đã từng low-carb và giảm được 3 kg. Nhưng chế độ ăn toàn thịt, cá nên khá tốn kém đối với một sinh viên như mình. Vì thế, sau khi giảm cân 2 tháng, mình đã dừng hẳn. Khi biết đến detox, có thể giảm cân chỉ nhờ uống nước đường chanh, mình đã rất mừng, vì chi phí cho các nguyên liệu như đường, chanh rất rẻ”.
Ngày đầu tiên V. A. thực hiện detox, mọi chuyện đều êm xuôi. Đến ngày thứ hai, V. A. cảm thấy vô cùng thèm ăn, cơ thể bắt đầu mệt mỏi, rệu rã. V. A. cố gắng kiên trì vì theo các kinh nghiệm đăng tải trên mạng thì chỉ cần vượt qua được 3 ngày đầu là mọi chuyện sẽ ổn. Thế nhưng, ngày hôm sau, V. A. có dấu hiệu hoa mắt chóng mặt. Biết là sức khỏe bị đe dọa nên V. A. không dám liều, nhanh chóng nạp năng lượng cho cơ thể bằng các loại thức ăn nhẹ. Bạn chia sẻ: “Với giảm cân ít ra, mình còn được ăn, đằng này, chơi thanh lọc, suốt mấy ngày trời, chỉ toàn uống nước cầm hơi. Mình biết có một bạn đã tử vong vì phương pháp này nên đã vội dừng, khi thấy cơ thể không chịu đựng được nữa”.
D. L. (25 tuổi, cựu sinh viên HV Báo chí – Tuyên truyền) thì may mắn hơn, khi đã hoàn thành chu trình thanh lọc cơ thể, kéo dài 7 ngày. L. cho biết, sau khi tham khảo khá nhiều thông tin trên các trang mạng, L. tin tưởng cách thức thanh lọc bằng nước mía đường và nước ép ớt Đà Lạt, do nhà thơ T. Đ. K. giới thiệu. Lúc đầu, L. cũng định thực hiện detox 12 ngày nhưng vì đầu tiên muốn thử độ an toàn và tính hiệu quả của phương pháp này nên L. rút xuống còn 7 ngày. L. cũng không chịu được mùi vị của nước ép ớt nên bạn chỉ dùng nước mía pha chanh.
“Sáng sớm, mình uống một cốc nước muối pha ấm. Còn nước mía để sẵn trong bình 2 lít, đến chỗ làm, chỉ việc vắt chanh vào. Hễ lúc nào thấy đói là uống nước mía chanh. Thú thực là 3 ngày đầu chưa quen, dù có uống bao nhiêu nước mía chanh cũng vẫn thấy bụng dạ đói cồn cào, nhìn thấy thức ăn, đồ ăn vặt là vô cùng thèm thuồng. Tối ngày thứ hai, mình đã phải bổ sung 2 hộp sữa chua không đường để có sức chiến đấu tiếp. Rất may là mình không bị mệt mỏi hay hoa mắt chóng mặt, vẫn làm việc bình thường. Sau 3 ngày thì thấy không đói nữa, cơ thể có cảm giác nhẹ nhõm hơn”, L. kể.
Những ngày tiếp theo, mọi chuyện đều ổn. Sau 7 ngày thanh lọc, L. tiêu thụ hết cả cân chanh tươi và hơn 200.000 đồng tiền nước mía. Lúc nhảy lên cân thử, L. đã mong sẽ nhìn thấy được điều diệu kỳ thế nhưng thực tế, cô bạn chỉ giảm được 5 lạng. L. kể tiếp: “Lúc đó, mình đã rất thất vọng, vì nhiều người bảo là sau thanh lọc, có thể giảm được 1-2 kg nhưng với mình, sau nhiều ngày kham khổ, kết quả giảm được lại chẳng đáng là bao. Đó là còn chưa kể, những ngày tiếp sau đó, mình chưa được ăn cơm ngay mà phải ăn cháo tiết loãng để cho dạ dày kịp thích nghi lại với đồ ăn”. Khi được hỏi là trong quá trình thanh lọc, cơ thể L. có thải ra các vật thể lạ như cát, mỡ, sỏi… qua đường tiêu hóa như nhiều người chia sẻ trên mạng không, L. cho biết, bạn không gặp hiện tượng ấy.
Hệ lụy khôn lường
Có thể thấy, các cách thức, chu trình thanh lọc cơ thể hiện nay đầy rẫy trên mạng, cùng với vô vàn lời quảng bá có cánh về hiệu quả của phương pháp này. Có người đã bỏ cuộc và có người thì vui mừng chia sẻ rằng, mình đã thành công. Thế nhưng, hầu hết các chia sẻ đều thú nhận, 2-3 ngày đầu là khoảng thời gian kinh hoàng với họ, khi phải cắn răng chịu đựng cơn thèm ăn và cái bụng đói cồn cào. Đặc biệt, phải khẳng định, các bài chia sẻ, đa phần đều đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân của mỗi người nên cách thức, chu trình không đồng nhất, không có nền tảng để đánh giá độ tin cậy. Bởi hiện nay, trên thế giới, chưa hề có bất kỳ bằng chứng, nghiên cứu khoa học nào chứng minh về hiệu quả của detox.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhịn ăn để thanh lọc cơ thể sẽ khiến các cơ quan tiêu hóa không tiết dịch vị, tiết axit, lâu dần sẽ làm hỏng chức năng này, dẫn đến việc chán ăn, gầy yếu, suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh dạ dày, rối loạn chuyển hóa. Một số người có thể mắc thêm nhiều bệnh đường tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài, trầm cảm… Bên cạnh đó, việc giảm cân này cũng chỉ tức thời vì sau khi ăn uống như trước, cân nặng sẽ trở lại như cũ.
TS Ninh Thị Nhung, Phó Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, trường ĐH Y Thái Bình, cho biết, nguyên tắc của việc giảm cân là phải tạo ra cân bằng âm về năng lượng, nghĩa là năng lượng đầu vào phải ít hơn năng lượng đầu ra. Còn ít hơn bao nhiêu thì phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo người đang giảm cân vẫn có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Các cách giảm cân không bền vững, khiến cân nặng trồi sụt quá nhanh, đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khả năng lao động và học tập. Theo TS Nhung, giảm cân là một quá trình, phải thực hiện một cách thường xuyên. Khi đã cân đối được mức năng lượng nạp vào cơ thể, có được cân nặng như ý thì người sử dụng phải duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt đó, không được buông lỏng, vì nếu thoải mái ăn uống thì có thể cân nặng sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt, để giảm cân bền vững và có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của người muốn giảm cân, một chế độ tập luyện hợp lý và sự giúp đỡ về chuyên môn của bác sĩ dinh dưỡng, chứ không chỉ đơn thuần là áp dụng từng biện pháp riêng lẻ.