Melissa Skoog (50 tuổi, Chicago, bang Illinois, Mỹ), tổng giám đốc một công ty tư vấn, từng là biên tập viên tại Vouge, vốn là một fan cuồng của Prada. Trước đây, bà cũng làm việc cho thương hiệu Italy này vào những năm 2000.
Skoog tự nhận là một tín đồ của thời trang xa xỉ. Tuy nhiên, bà phải sững người khi thấy một chiếc áo len cashmere với giá 6.500 USD tại một cửa hàng Prada.
“Trước đây, các item như vậy chỉ có giá khoảng 1.500 USD", bà nói với The Wall Street Journal.
Skoog nằm trong nhóm những người phụ nữ quyền lực, nhiều tiền nhưng cũng phải chùn bước trước giá cả leo thang của những món đồ xa xỉ. Những người giàu có này đang tạm dừng việc mua sắm đồ hiệu cao cấp và chuyển sang mua các sản phẩm của các nhãn hàng độc lập với giá thành rẻ hơn.
Các thương hiệu độc lập thường do các nhà thiết kế hoặc các doanh nhân tự thành lập và quản lý, không thuộc sở hữu của các tập đoàn thời trang lớn hoặc các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng.
Giá cả leo thang, thậm chí có phần phi lý đã khiến các tín đồ mua sắm thời trang xa xỉ phải lung lay. Ảnh minh họa: @maisonvalentino/IG. |
Tăng giá chóng mặt
Allison Ball (41 tuổi, Texas, Mỹ) là người từng mua rất nhiều món đồ thuộc các bộ sưu tập nổi tiếng, thậm chí là những phiên bản giới hạn không được bày bán công khai. Tuy nhiên, gần đây cô đã dừng hoạt động mua sắm này lại.
Nhiều người cho rằng những món đồ thiết kế đắt tiền không có gì quá mới lạ, đó cũng chỉ là những xu hướng lặp đi lặp lại theo vòng tuần hoàn của thời trang.
Luca Solca, nhà phân tích hàng xa xỉ tại công ty nghiên cứu thị trường Bernstein, cho biết điều khác biệt hiện nay chính là tốc độ tăng giá của các thương hiệu.
Solca cho biết trong khoảng thời gian 40 năm, giá của một đôi giày lười cao cấp từ thương hiệu Italy có thể chỉ tăng từ 5%-7%/năm. Nhưng kể từ năm 2020, việc tăng giá hàng xa xỉ đã đạt đến mức 2 chữ số mỗi năm.
Tại một số cửa hàng xa xỉ, những đôi giày từng được bán với giá 700 USD vào năm 2019, đã tăng lên 1.000 USD vào năm 2024.
Những món đồ thời trang xa xỉ không nhiều thay đổi nhưng giá lại tăng chóng mặt. Ảnh minh họa: @prada/IG. |
Giải thích cho nguyên nhân của sự leo thang giá cả, Fflur Roberts, người đứng đầu bộ phận hàng xa xỉ tại Euromonitor, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, cho biết chi phí vận chuyển và sản xuất tăng sau đại dịch là lý do chính.
“Sự cố trong chuỗi cung ứng khiến chi phí nguyên vật liệu tăng lên, song tôi cho rằng tốc độ tăng giá của các thương hiệu hiện tại vẫn là quá cao”, Roberts nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận xét giá cả leo thang vẫn không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ, vì số lượng người giàu đang tăng quá nhanh nhờ các ngành công nghiệp đang bùng nổ như công nghệ.
“Nhiều người vẫn sẽ trả một cái giá cao ngất cho những gì họ muốn", cô nói.
Từ bỏ đồ hiệu xa xỉ
Tuy nhiên, những người mua sắm trung thành một thời như Ball và Skoog lại đang tìm kiếm những thương hiệu nhỏ, giá cả hợp lý hơn, trong khi các thiết kế của họ vẫn đem lại cảm giác sang trọng, thanh lịch.
Ball cảm thấy hứng thú khi bà tìm được những thương hiệu mới và chia sẻ điều đó với bạn bè. “Cuộc đảo chính" này còn có một hashtag riêng trên Instagram có tên #IYKYK (“If you know, you know”) nhằm giới thiệu những nhãn hiệu thời trang mới.
Tầng lớp quý tộc châu Âu cũng đang làm điều tương tự. Công chúa của Hy Lạp xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York với quần jean trị giá chỉ 230 USD và áo khoác 700 USD.
Nhiều tín đồ thời trang tìm đến các giải pháp mua sắm hợp lý hơn. Ảnh minh họa: @mansurgavriel/IG. |
Heiji Choy Black (46 tuổi, Chicago, bang Illinois, Mỹ), giám đốc điều hành một công ty, cho biết chiếc váy trị giá 4.000 USD mà cô khao khát dường như có chất lượng tương xứng với giá tiền.
Tâm trạng của Black càng trở nên u ám hơn sau khi cô nhận ra rằng trong số các thương hiệu xa xỉ, ngay cả quần jean cơ bản cũng đang được bán với giá hơn 1.000 USD.
Giải pháp của Black là bắt đầu mua sắm trực tiếp thay vì trực tuyến. Cô đến các cửa hàng nhỏ, nơi tập trung nhiều thương hiệu chưa quá nổi tiếng với mức giá hợp lý hơn.
“Đó là cách bạn tìm thấy những món đồ tuyệt vời, và bạn chọn chúng vì chất lượng thực sự chứ không phải vì logo", cô nói.
Black mua một chiếc túi của Mansur Gavriel với giá 445 USD, đồ dệt kim của Sporty & Rich với giá 95 USD. Cô cũng mua đồ của Saint Laurent, thương hiệu mình yêu thích, nhưng thường là đồ cũ thông qua các trang bán hàng ký gửi.
“Bạn không cần phải bỏ ra 10.000 USD cho một chiếc áo blazer chỉ để cảm thấy quý phái", cô nói.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.