Theo BS Dư Minh Trí, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, mùa xuân là thời điểm của nhiều dịch bệnh thường gặp ở trẻ em do đặc tính hoạt động mạnh các loại virus. Ngoài ra, mùa này có nhiều phấn hoa, thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý một số dịch bệnh trẻ có thể gặp phải.
Dịch cúm mùa
Thời tiết trở lạnh là thời điểm của dịch cúm xảy ra. Bệnh gây ra những triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ ở trẻ. Bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày nếu trẻ được chăm sóc tốt và uống đủ nước.
Trong một số trường hợp, cúm sẽ làm cơ thể trẻ yếu đi và bị bội nhiễm thêm các bệnh lý khác như viêm thanh khí phế quản (biểu hiện là khàn tiếng, thở mệt), viêm phế quản (khò khè, bứt rứt, ho đàm) hay nặng hơn là viêm phổi (suy hô hấp, sốt cao).
Hiện có vaccine phòng bệnh cúm mùa, bé sẽ được tiêm 2 liều cách nhau một tháng trong năm đầu tiên và nhắc lại mỗi năm một lần.
Thời tiết trở lạnh là thời điểm của dịch cúm xảy ra. Ảnh: Printerest. |
Sốt phát ban
Dịp Tết, bé dễ nhiễm các loại siêu vi gây sốt như rubella, parvovirus. Bác sĩ Trí cho biết bệnh thường biểu hiện sốt cao liên tục trong 3 ngày đầu, sau đó sốt sẽ giảm và hết hẳn vào ngày thứ 5, 6 của bệnh.
Lúc này, trên người trẻ sẽ trổ ra những mảng ban hồng, lan từ mặt đến chân rồi lặn dần đi. Bệnh này thường khiến trẻ rất mệt mỏi, ly bì và mất nước do sốt.
Hầu hết virus gây sốt phát ban đều lây lan qua đường hô hấp nên phụ huynh có thể phòng tránh bằng đeo khẩu trang cho trẻ, tránh tiếp xúc người bệnh, dùng các loại thức ăn uống giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng và đi khám bệnh ngay khi có biểu hiện sốt.
Ngoài ra, cha mẹ còn có thể đưa trẻ đi tiêm chủng phòng sởi-quai bị-rubella từ 12 tháng tuổi.
Thủy đậu
Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho biết thủy đậu do virus varicella zoster gây nên. Bệnh thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đa số là trẻ em. Bệnh hay gặp trong độ tuổi 2-10.
Khi bị thủy đậu, con người sẽ có miễn dịch suốt đời với bệnh và ít khi bị lại lần hai. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tái nhiễm có hoặc không có biểu hiện lâm sàng.
Bệnh hay gặp trong độ tuổi 2-10. Ảnh: Vijesti. |
Tại Việt Nam, bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào giao mùa xuân - hè, tháng 2 đến tháng 6. Nguyên nhân là thời tiết có những đợt lạnh đột ngột, thích hợp cho một số loại virus gây bệnh phát triển, trong đó có varicella zoster gây thủy đậu.
Viêm mũi dị ứng, hen phế quản
"Vào mùa xuân, phấn hoa rất nhiều. Đây là tác nhân quan trọng gây ra các triệu chứng dị ứng của đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen phế quản. Viêm mũi dị ứng thường biểu hiện bằng ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi. Hen phế quản thường biểu hiện bằng khò khè, thở rít, khó thở. Đây thực sự là thời điểm rất khó chịu cho những bé không may mắc bệnh lý dị ứng này và cũng khiến phụ huynh mệt mỏi trong việc chăm sóc bé", bác sĩ Minh Trí nói.
Hiện nay, viêm mũi dị ứng và hen phế quản đã có những loại thuốc phòng bệnh rất hữu hiệu, thường được sử dụng từ 2 tuần trước thời điểm bé thường dị ứng.
Tuy nhiên, các thuốc phòng bệnh của trẻ không giống với dành cho người lớn. Do đó, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại các bác sĩ nhi khoa để nhận được hướng dẫn phòng bệnh phù hợp với trẻ.
Tiêu chảy cấp
TS Đức Hùng cho hay cha mẹ cần lưu ý căn bệnh tiêu chảy do virus rota vào mùa đông xuân. Tiêu chảy do virus rota dễ lây lan, có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc ngoài tay hoặc đồ vật. Trẻ 6-24 tháng tuổi dễ nhiễm virus rota nhất, bởi đang trong thời kỳ tập bò, cầm nắm đồ vật và đưa vào miệng.
Bệnh dễ nhầm lẫn với chứng tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Nhiều cha mẹ không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp, khiến hậu quả thường nghiêm trọng.
Tiêu chảy cấp do virus rota thường biểu hiện là nôn ói nhiều lần trong 1-2 ngày đầu tiên. Sau đó, trẻ sẽ ói bớt đi và bắt đầu tiêu chảy. Trẻ thường tiêu chảy nhiều lần trong ngày khiến cho trẻ nhanh chóng bị mất nước.
Bệnh thường tự khỏi sau 5-6 ngày bệnh nếu trẻ được bồi hoàn nước đầy đủ. Tuy nhiên, việc bồi hoàn nước cho trẻ bị nhiễm rotavirus thường không dễ dàng do trẻ rất dễ bị nôn khi đút nước cho trẻ uống. Để phòng tiêu chảy cấp do rota, phụ huynh có thể cho trẻ uống vaccine ngừa bệnh 6-8 tuần tuổi.