Theo đánh giá của nhiều tạp chí thời trang, 2019 là năm có khá nhiều thay đổi và mất mát, trong đó có sự ra đi của Huyền thoại Chanel - Karl Lagerfeld - hay lời tuyên bố chấm dứt bữa tiệc thời trang mang tên Victoria's Secret.
Thế giới tiếc nuối về sự ra đi của Karl Lagerfeld
Trong một buổi chiều đượm buồn của tháng 2, khi giới mộ điệu đang tiếc nuối về sự kết thúc của Tuần lễ thời trang London và háo hức đón chờ những nhà mốt sẽ toả sáng tại Milan, tin tức ông hoàng Karl Lagerfeld qua đời đã gây chấn động. Sự ra đi của nhà thiết kế người Đức trở thành cú sốc lớn đối với làng thời trang thế giới.
Nhiều người bày tỏ sự tiếc thương và trân trọng những cống hiến của ông dành cho Chanel suốt 36 năm. Từ thương hiệu đứng trước bờ vực phá sản, Lagerfeld đã vực dậy nhãn hàng và giúp nó trở thành đối thủ đáng gờm của Louis Vuitton và đế chế Versace.
Mối quan hệ giữa Karl Lagerfeld và Chanel là câu chuyện tình yêu thời trang dài. Hơn 35 năm cuộc đời, giám đốc sáng tạo quá cố đã cống hiến niềm đam mê và cuộc sống cho nhà mốt Pháp. Hồi kết của mối "lương duyên" huyền thoại không chỉ là cú sốc lớn đối với Chanel, mà còn làm rung chuyển ngành công nghiệp thời trang cao cấp.
Virgine Viard - người trợ thủ đắc lực của ông, đóng góp không ít tài năng của mình vào những kiệt tác để đời - được tín nhiệm vào vị trí giám đốc sáng tạo mới tại thương hiệu Pháp. Cô được Karl Lagerfeld tin tưởng sẽ là người tiếp nối và dẫn lối cho sự phát triển mới của Chanel.
Karl Lagerfeld cống hiến 35 năm cho ngôi nhà mang tên Chanel. Ảnh: Chanel. |
Người dân Trung Quốc tẩy chay các thương hiệu lớn
Vào tháng 8, câu chuyện liên quan đến người dân Trung Quốc tẩy chay các thương hiệu quốc tế trở thành đề tài "nóng" trên mạng xã hội. Những nhãn hàng vướng lùm xùm về chủ quyền quốc gia chính là Versace, Givenchy và Coach.
Cụ thể, 3 thương hiệu này đã sản xuất chiếc áo thun in tên thành phố của các nước trên thế giới. Đặc biệt, Bắc Kinh, Thượng Hải được chú thích thuộc Trung Quốc, nhưng Hong Kong, Macau và Taiwan (Đài Loan) lại được xem như quốc gia độc lập.
Trên trang cá nhân, các thương hiệu bị chỉ trích đều nhanh chóng gửi lời xin lỗi: "Sai sót trong quá trình thiết kế dẫn đến một số thành phố không được đặt cùng tên quốc gia. Chúng tôi xin lỗi và sẽ rút kinh nghiệm cũng như luôn yêu quý đất nước Trung Quốc".
Sự việc thương hiệu bị cộng đồng "xa lánh" cũng nhanh chóng gây ảnh hưởng đến những người nổi tiếng. Dương Mịch, siêu mẫu Liu Wen và Dịch Dương Thiên Tỉ của nhóm nhạc đình đám TFBoys phần nào chịu ảnh hưởng khi là gương mặt đại diện cho 3 nhãn hàng trên tại thị trường Trung Quốc. Họ nhanh chóng chấm dứt hợp đồng để tránh thị phi liên quan đến hình ảnh, tên tuổi cá nhân.
Những chiếc áo thun in hình nhạy cảm liên quan đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc. Ảnh: Fashion Sina. |
Zac Posen từ bỏ thương hiệu mang tên chính mình
Tháng 11 vừa qua, nhà thiết kế Zac Posen thông báo đóng cửa thương hiệu của mình. Anh cho biết bản thân rất đau buồn vì phải kết thúc chuyến hành trình sau 20 năm và không có đủ vốn để tiếp tục kinh doanh.
Nhà thiết kế giải thích rằng những nhà đầu tư hiện tại muốn bán thương hiệu cho một tập đoàn lớn hơn. Ban giám đốc điều hành quyết định không tăng vốn đầu tư và hết kinh phí để hoạt động, buộc phải đóng cửa.
Zac Posen thông báo tin buồn đến đội ngũ đứng đằng sau: "Chúng tôi cảm thấy những công sức này không đủ thành công và đau buồn vì phải kết thúc chuyến hành trình sau 20 năm".
"Tôi cảm kích đến đội ngũ đã giúp đỡ trong suốt cuộc hành trình. Bản thân luôn tự hào về những gì chúng ta đã đạt được. Tất nhiên, tôi luôn hy vọng tương lai sẽ mang lại những gì tươi sáng hơn", anh chia sẻ thêm.
Zac Posen từ bỏ giấc mơ về một thương hiệu mang tên chính mình. Ảnh: Vogue. |
'Cú lội ngược dòng' của Bottega Veneta
"2019 là năm tuyệt vời đối với tôi", Daniel Lee chia sẻ cùng tạp chí Vogue sau khi thắng lớn tại Fashion Awards 2019 với nhiều giải thưởng danh giá cho hạng mục "Thương hiệu của năm", "Nhà thiết kế trang phục nữ của năm"...
Sau 2 thập niên gắn bó với cựu giám đốc sáng tạo Tomas Maier, Bottega Veneta chưa bao giờ thoả mãn được sự kỳ vọng của giới mộ điệu về những bộ sưu tập thời trang đậm chất riêng. Thương hiệu Italy luôn bị gò bó vào khuôn khổ của những chiếc túi da đan ô chéo intrecciato, mà không được đánh giá cao về lĩnh vực quần áo.
Sự lựa chọn Daniel Lee cho vị trí "thuyền trưởng" đã khiến doanh thu của Bottega Veneta tăng trưởng mạnh mẽ, các nhà phê bình cho rằng thương hiệu Italy đã định hướng lại cách ăn mặc của phụ nữ trong thời đại của chủ nghĩa tối giản theo hướng sang trọng và đầy ứng dụng.
Daniel Lee không có lập trường cố định trong suy nghĩ về thời trang dạo phố hay thời trang cao cấp. Tính thẩm mỹ của bộ sưu tập phải được đẩy đến giới hạn để từ đó trở thành một trong những thương hiệu đắt giá nhất hiện nay.
Daniel Lee đưa phụ nữ trở lại tinh thần của sự tối giản mới trong thời trang với BST Thu - Đông 2019. Ảnh: Bottega Veneta. |
Victoria's Secret tuyên bố dừng show diễn
Victoria's Secret là thương hiệu nội y hàng đầu thế giới. Các show diễn của nhãn hàng này luôn thu hút sự chú ý của giới truyền thông và hàng triệu khán giả. Dàn người mẫu tham gia Victoria's Secret Fashion Show cũng đều đạt bước tiến lớn trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Victoria's Secret phải đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu, đặc biệt là thông tin về việc hủy bỏ show diễn 2019. Đối với người tiêu dùng, hình ảnh của thương hiệu này thực tế không còn "long lanh" như trước.
Trong show diễn năm 2018, tờ Hollywood Reporter từng chia sẻ chỉ có 3,3 triệu người Mỹ theo dõi sự kiện này trên màn ảnh nhỏ, giảm 33% so với năm ngoái và là con số thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, mức rating hồi năm 2017 là 4,98 triệu lượt. Con số vừa đề cập cũng phần nào nói lên mức độ quan tâm của khán giả dành cho show diễn.
Không chỉ thế, nhiều người đẹp từng từ giã thương hiệu này sau nhiều năm gắn bó như Miranda Kerr, Karlie Kloss, Rosie Huntington-Whiteley, Doutzen Kroes, Gisele Bundchen...
Victoria's Secret quyết định dừng show diễn cũng là sự biến động lớn trong làng thời trang năm 2019. Ảnh: Independent. |
Ngoài ra, tình hình kinh doanh của Victoria's Secret khá ảm đạm. Theo Forbes, báo cáo hồi tháng 5/2018 của L Brands cho biết doanh số của hãng sụt giảm 5%, dòng nội y PINK cũng giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán hàng trực tiếp tại các cửa hiệu Victoria's Secret (không tính bán online) giảm tới 6%. Sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu của L Brands (công ty mẹ của Victoria's Secret) sụt 12%.