Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng lớn nhất TP.HCM có chiều dài hơn 2.000 m với 6 làn xe. Cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2 và quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của TP.HCM. Cầu Phú Mỹ được khánh thành vào ngày 2/9/2009, tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. |
Cầu Nguyễn Văn Cừ nối quận 1, 5 với quận 4, 8 có tổng kinh phí xây dựng 535 tỷ đồng được khánh thành từ tháng 4/2009. Kể từ khi hoạt động, cây cầu giúp giảm đáng kể áp lực giao thông cho cầu Ông Lãnh và Kênh Tẻ. |
Đến năm 2017, Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông xe 2 nhánh cầu vượt Nguyễn Văn Cừ xuống đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1 và quận 5) góp phần giảm ùn tắc tại điểm điểm đen giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ và khu vực trung tâm thành phố. |
Cầu Sài Gòn có chiều dài 986,12 m, gồm 32 nhịp là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (quận 2). Bên cạnh đó, cầu Sài Gòn 2, hoàn thành ngày 15/10/2013 bắc song song với cầu Sài Gòn 1 hiện hữu. Sau khi đưa vào sử dụng công trình đã giải quyết triệt để điểm nghẽn ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM. |
Cầu Bình Lợi 2 (thuộc dự án Tân Sơn Nhất - cầu Bình Lợi và đường vành đai ngoài) thông xe năm 2013. Cầu có chiều dài 975 m với 8 làn xe mang kiểu dáng kiến trúc cầu vòm Nielsen do một công ty của Hàn Quốc đầu tư. |
Cầu Quay Sông Hàn, cầu quay đầu tiên của cả nước, khánh thành năm 2000. Cầu có chiều dài 487,7 m và rộng 12,9 m, gồm 11 nhịp nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng với tổng chiều dài 122,7 m, kết cấu dần và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Ngoài mục đích giao thông, cầu Quay sông Hàn còn có giá trị về mặt thẩm mỹ. Ảnh: Đào Quang Tuyên. |
Cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng hiện đại với tổng chiều dài cây cầu nối 2 bờ vịnh Đà Nẵng là 1,8 km, rộng 18 m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Cầu được khánh thành vào ngày 19/7/2009 sau 6 năm thi công. Nhìn từ mọi góc độ, cầu Thuận Phước đều mang một dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ. Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đào Quang Tuyên. |
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn có chiều dài toàn cầu 666 m, khổ cầu rộng 6 m. Phần kết cấu nhịp chính dài 592 m gồm năm nhịp liên tục. Cầu được khởi công vào tháng 7/2009, với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của cây cầu nối quận Hải Châu và quận Sơn Trà là hình ảnh con rồng thời Lý bay bổng trên không trung, tạo điểm nhấn kiến trúc uy nghi, hoành tráng. Ảnh: Quang Ngọc. |
Cầu Trần Thị Lý: Tháng 4/2009, Đà Nẵng khởi công xây dựng lại cầu Trần Thị Lý với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Ngày 29/3/2013, cầu này được khánh thành cùng lúc với cây cầu Rồng gần đó. Cầu Trần Thị Lý bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) có kiến trúc 1 trụ tháp nghiêng 3 mặt dây văng, trong đó có 2 mặt dây hình rẻ quạt mang hình dáng cách điệu mềm mại của cánh buồm căng gió ra khơi. Cầu có chiều dài 731 m với 6 làn xe cơ giới. Ảnh: Quang Ngọc. |
Cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,93 km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75 km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2 km, mặt cắt ngang rộng 33,2 m. Đây là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới. Ảnh: Vũ Minh Quân. |
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống gồm 3 nhịp cầu đôi, bề rộng mặt cầu 54,5 m, ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, có khả năng chịu được động đất cấp 8. Công trình này là hạng mục quan trọng nhất thuộc dự án Đường 5 kéo dài, là một trong 37 công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Vũ Minh Quân. |