Sau hơn một tháng triển khai, cuộc thi ảnh do Zing News cùng Xiaomi tổ chức thu hút gần 3.000 bài dự thi và tìm ra những "siêu khoảnh khắc" truyền cảm hứng tích cực đến mọi người.
Từ ngày 11/11, cuộc thi ảnh "Kiến tạo siêu khoảnh khắc" chính thức khởi động trên Zing News với đề bài mở là ghi lại những nguồn cảm hứng trong đời sống thường ngày, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng yêu nhiếp ảnh và công nghệ.
Dù làm công việc gì, sử dụng máy ảnh hay smartphone, chỉ cần đam mê chụp ảnh và chịu khó “săn tìm” những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, bạn đã có thể tham dự cuộc thi và gửi số lượng bài dự thi không giới hạn.
Sau 3 tuần mở cổng nhận bài dự thi vòng 1, đã có 1.970 người tham gia với tổng cộng 2.936 tác phẩm. Xoay quanh chủ đề về tình yêu, tình cảm gia đình, nét đẹp lao động, nụ cười hay tình yêu quê hương đất nước, các tác phẩm mang giá trị tinh thần sâu sắc.
Tầm phủ sóng của cuộc thi cũng vượt ngoài sự mong đợi khi có gần 11.000 lượt tương tác trên mạng xã hội dành cho các bài viết về “Kiến tạo siêu khoảnh khắc”.
Sự tham gia của hàng nghìn thí sinh tạo nên “bài toán hóc búa” cho 3 thành viên ban giám khảo khi chỉ được chọn ra 7 người có bài dự thi xuất sắc bước vào vòng 2. Nhiếp ảnh gia Thuận Thắng - Trưởng ban Ảnh Zing News - chia sẻ các bài dự thi tại vòng 1 khiến ban giám khảo bất ngờ khi có chất lượng tốt và khá đồng đều. Các thí sinh tham gia bao gồm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lẫn bán chuyên, cho thấy sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng lớn của cuộc thi tới cộng đồng.
“Chúng tôi cố gắng chấm dung hòa trên cả hai yếu tố đẹp về hình ảnh và hay về nội dung. Những bài dự thi bước vào vòng trong ngoài chất lượng tốt, đảm bảo bố cục và hình ảnh đẹp, còn phải có câu chuyện thú vị đằng sau. Một điều may mắn là các thành viên trong ban giám khảo chấm thi độc lập nhưng kết quả lại cho sự đồng thuận cao”, ông Thắng cho hay.
Ngoài hình ảnh và nội dung, ông Thuận Thắng cũng chấm dựa trên tiêu chí “khoảnh khắc” theo thông điệp của cuộc thi. “Tôi đánh giá cao một số tác phẩm không chỉ đẹp mà có nội dung ý nghĩa và tính khoảnh khắc cao. Ví dụ, tác phẩm ‘Chiều xuân tươi đẹp’ của Đoàn Ngọc Anh chụp hình ảnh một ông cụ ngồi ngáp thư thái, thảnh thơi. Nếu xét về chuyên môn thì bức ảnh có giá trị nghệ thuật đơn thuần, nhưng tính khoảnh khắc lại rất cao, mang đến cảm xúc tự nhiên, khiến người xem trân trọng câu chuyện của hình ảnh đó”.
Đến vòng 2, các thí sinh bước vào thử thách khó khăn hơn khi chỉ có 24 giờ khai thác một chủ đề nhất định là “những khoảnh khắc đẹp bị lãng quên trong đời sống” và sử dụng thiết bị Xiaomi 12 T Pro đến từ nhà tài trợ Xiaomi.
Với thông điệp “Kiến tạo siêu khoảnh khắc”, tính khoảnh khắc được xem là chìa khóa cốt lõi để top 7 thí sinh tháo gỡ bài toán ở vòng 2.
Theo đánh giá của nhiếp ảnh gia Thuận Thắng, ngày nay, không khó để sử hữu một chiếc máy ảnh tốt. Thậm chí, điện thoại thông minh khi chụp bằng camera góc rộng cũng có thể cho ra chất lượng không thua kém máy ảnh. Nhờ lợi thế của smartphone là nhỏ gọn hơn máy ảnh, có sẵn trong túi và luôn đồng hành mọi lúc mọi nơi, người dùng dễ dàng “săn” và “bắt gọn” khoảnh khắc.
“Điều quan trọng là làm sao dùng chiếc máy đó tìm kiếm được những khoảnh khắc tốt, thể hiện nội dung hay và tạo được dấu ấn qua bức ảnh. Ở vòng 1, các thí sinh đã làm rất tốt về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn cần đầu tư hơn về nội dung. Chụp ảnh bằng smartphone có cái hay khi hạn chế về thiết bị giúp chúng ta có nhiều thời gian để tư duy về câu chuyện hơn”, Trưởng ban Ảnh Zing News nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Minh Nhật - đại diện Xiaomi Việt Nam, một trong ba thành viên ban giám khảo của cuộc thi - đánh giá 7 bộ ảnh của vòng 2 được gửi về sau 24 giờ là một sự nỗ lực.
“7 thí sinh có độ tuổi trải dài từ 9X đến hơn U60, qua đó mang đến nhiều góc nhìn, phong cách nhiếp ảnh khác nhau. Họ gặp áp lực lớn là sử dụng chiếc điện thoại hoàn toàn mới, thời gian không quá dài để vừa suy tư đề tài, vừa thực hiện hoàn tất một bộ ảnh. Tuy nhiên, 7 thí sinh đã làm tốt phần thi với chất lượng các bài thi tương đồng về mặt kỹ thuật. Mỗi thí sinh cho chúng ta thấy được góc nhìn riêng biệt về một Hà Nội tưởng như thân quen nhưng đầy mới lạ. Chất lượng các bài thi đều ở mức xứng tầm với vòng chung kết. Chính sự khác biệt trong cách kể chuyện ở từng khung hình đã tạo nên người thắng cuộc trong vòng 2”, ông Nhật nhận định.
Kết quả, các tác phẩm dự thi của Đỗ Bá Hưng (39 tuổi, Hải Phòng) với chủ đề “Một ngày mùa đông” nhận được tổng điểm cao nhất từ ban giam khảo. Chuỗi hình ảnh là câu chuyện của tác giả về một ngày lang thang tại Hà Nội, tận hưởng mùa đông đặc trưng và dạo quanh những địa danh nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, đường Phan Đình Phùng hay ga Long Biên.
Những khoảnh khắc đàn bồ câu trắng dang cánh bay lên không trung, đôi bạn trẻ tâm tình, cụ già sưởi nắng ở ghế đá hay người dân câu cá trong ráng chiều hồ Tây… đã chinh phục ban giám khảo, giúp anh Đỗ Bá Hưng “rinh” về giải thưởng cao nhất của cuộc thi là điện thoại Xiaomi 12 T Pro cùng 10 triệu đồng tiền mặt.
“Ban giám khảo nhận thấy các bài thi đều có những câu chuyện thú vị, ý tưởng sáng tạo dù bị hạn hẹp về chủ đề lẫn thời gian tác nghiệp. Các thí sinh đều sử dụng điện thoại tốt, bắt gọn khoảnh khắc để toát lên được tố chất, ưu điểm của thiết bị, gần như khó phân biệt được hình ảnh được chụp bằng điện thoại hay máy ảnh. Đó là cách mà công nghệ nói chung và những dòng smartphone như Xiaomi nói riêng đang tạo nên lợi thế cho nhiếp ảnh, để việc ‘kiến tạo siêu khoảnh khắc’ ngay càng đơn giản và gần gũi hơn với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày”, nhiếp ảnh gia Thuận Thắng cho hay.
Từ phía nhà tài trợ Xiaomi, ông Minh Nhật tin rằng thông qua cuộc thi ảnh “Kiến tạo siêu khoảnh khắc”, độc giả có thể thấy được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của những tấm ảnh. Mỗi cung bậc cảm xúc, thời khắc, con người trong từng tấm hình đã hình thành nên cuộc sống đa sắc, đa diện, luôn chờ đợi chúng ta trải nghiệm.
“Với gần 3.000 ảnh dự thi, đây là con số vượt ngoài mong đợi của Xiaomi. Chúng tôi thấy được rằng mọi người muốn chia sẻ nhiều hình ảnh đáng nhớ và được lưu giữ thật lâu, còn phần thưởng đã trở thành thứ yếu, nhường sân khấu cho những khoảnh khắc đáng trân quý của mỗi chúng ta”, ông Nhật kết luận.