Ăn uống không điều độ hay ăn quá nhiều đạm và dầu mỡ có thể dẫn dến rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Pexels. |
Trao đổi với Zing, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hải, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, cho biết rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề thường gặp hiện nay.
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa phụ thuộc vào từng nguyên nhân. Tuy nhiên, nhìn chung, tình trạng này thường xuất hiện với một số dấu hiệu dễ nhận biết như:
- Chướng bụng: Luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này.
- Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Ợ hơi, ợ nóng: Các rối loạn tại dạ dày và tá tràng thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng.
- Đau bụng âm ỉ: Hầu như người bị rối loạn tiêu hóa đều kèm theo đau bụng. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, hay vùng bụng dưới. Nó thường xuất hiện sau khi ăn, đặc biệt là sau khi tiêu thụ đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.
- Đại tiện bất thường: Các dấu hiệu bao gồm tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày…
- Chán ăn: Khi bị các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân thường có cảm giác đắng miệng, không muốn ăn uống.
Nguyên nhân của rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa không phải là bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách, người bệnh có thể mắc phải các bệnh liên quan đến tiêu hóa như ung thư đường ruột.
Đau bụng, ợ chua, tiêu chảy hay buồn nôn là triệu chứng phổ biến của rối loạn tiêu hóa. Ảnh: Shutterstock. |
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
- Chế độ ăn uống: Việc nạp vào cơ thể thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hay các chất có tác dụng không tốt đến đường tiêu hóa đều có thể gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, ăn uống không đúng bữa, không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
- Sử dụng nhiều thức uống có cồn: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người lớn. Rượu bia làm mất cân bằng pH dạ dày, rửa trôi các men tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Bệnh lý liên quan đến dạ dày: Các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng… gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất.
- Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng kháng sinh, thường gặp nhất ở trẻ em.
- Bệnh lý ngoài đường tiêu hóa: Căng thẳng tâm lý hoặc thức khuya kéo dài gây kích thích dây thần kinh X, làm tăng tiết dịch tiêu hóa, đặc biệt là dịch axit tại dạ dày, từ đó có thể gây nên các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể xảy ra do:
- Trẻ có sức đề kháng yếu, nhất là các trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú sữa mẹ hoàn toàn.
- Trẻ chạy nhảy ngay sau ăn no ảnh hưởng đến các cơ dọc, cơ vòng, cơ chéo tại đường ống tiêu hóa.
- Trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện và chưa quen với việc tiêu hóa thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
Lưu ý trong chế độ ăn uống
Theo bác sĩ Hải, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản, mọi người cần thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế các món tái hay sống, ăn uống điều độ và không nên ăn quá no hoặc để quá đói mới ăn.
Người có bệnh lý dạ dày cần tránh ăn đồ có tính kích thích như thức ăn quá cay nóng, quá chua hay quá nhiều đạm hoặc mỡ.
Người đang bị tiêu chảy kéo dài không nên ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường như mật ong, nước ép, sữa chứa lactose…
Nếu có tiền sử mắc hội chứng ruột kích thích, bạn nên tránh các thực phẩm dễ sinh hơi như bắp cải, mật ong, sữa… Người mắc hội chứng trên nên hạn chế hay tránh tiêu thụ nhóm thực phẩm chứa quá nhiều đường và chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý khi sử dụng các thức uống có cồn, chỉ nên uống ở ngưỡng khuyến nghị là 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ (một đơn vị cồn bằng một lon bia 330 ml, 100 ml rượu vang hoặc 30 ml rượu mạnh).
Để tốt cho đường tiêu hoá, bác sĩ Hải khuyên chúng ta nên tiêu thụ nhiều các nhóm thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm chứa men vi sinh: Thực phẩm lên men như kim chi hay dưa chua muối rất tốt cho tiêu hóa. Ăn sữa chua cũng là cách bổ sung lợi khuẩn tốt cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ men vi sinh và men tiêu hóa để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
- Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu… rất có lợi cho hoạt động tiêu hóa. Chúng có thể ngăn táo bón, nuôi dưỡng tế bào niêm mạc đại tràng, cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột và giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa, làm mềm phân và ngăn ngừa táo bón. Theo nghiên cứu, lượng nước người trưởng thành cần 0,04 l/kg/ngày. Ví dụ: nếu bạn nặng 50 kg, bạn sẽ cần khoảng 2 l nước/ngày.
- Tập thể dục thường xuyên: Thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập 5 ngày/tuần sẽ giúp duy trì chức năng hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều hòa đường ruột để ngăn ngừa táo bón hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tập luyện đều đặn còn đem lại rất nhiều lợi ích quan trọng khác cho cơ thể.
- Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa như viêm, chán ăn, đầy bụng, chuột rút...
Nấu ăn ngon ngày Tết cùng sách ẩm thực hay
Nhân dịp Tết Nguyên đán, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn Tuyển tập những tựa sách hay về nấu ăn, giúp bạn bỏ túi ngay các công thức nấu nướng dễ thực hiện và giàu dinh dưỡng. Thông qua hướng dẫn trong từng trang sách, bạn sẽ biết cách trổ tài chiêu đãi gia đình vào ngày xuân.