Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những điều tôi ước mình biết trước khi du học New Zealand

Không chỉ thân thiện, đa dạng văn hóa, New Zealand còn nổi tiếng là môi trường giáo dục đạt chất lượng toàn cầu, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên.

ENZ anh 1

Lifestyle trò chuyện với 3 người trẻ đã và đang du học ở xứ sở Kiwi về trải nghiệm, kỷ niệm, ấn tượng cũng như điều họ ước được biết trước khi bắt đầu hành trình học tập tại đây.

ENZ anh 2ENZ anh 3

Hòa nhập với văn hóa mới
Nguyễn Vũ Thảo Nguyên

  • Tốt nghiệp phổ thông trường trung học Takapuna Grammar School
  • Cử nhân Thương mại và Bất động sản, chuyên ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh, Marketing và Bất động sản - Đại học Auckland
  • ENZ anh 4ENZ anh 5

    Chuyện của tôi:

    Tôi sang New Zealand từ cấp 3. Khi đó, thật khó khăn để tìm kiếm một môi trường phù hợp giữa “rừng” thông tin. Bước đầu, tôi tự hỏi bản thân muốn học gì, học ở đâu và chọn giáo trình học nào.

    Sau khi làm rõ những thông tin cơ bản, tôi lập bảng so sánh các lựa chọn dựa trên yếu tố quan trọng với mình như xếp hạng trường, chi phí học tập và sinh hoạt, độ an toàn. Các yếu tố liên quan đến văn hoá như lối sống, thức ăn… cũng cần được quan tâm khi bạn lần đầu đến một quốc gia xa lạ.

    Tôi chọn New Zealand do đất nước này nổi tiếng thanh bình và thân thiện, tỷ lệ tội phạm thấp, ba mẹ đỡ lo lắng hơn. Điều tuyệt vời nhất khi đi du học là tôi được xây dựng cuộc sống mới, gặp gỡ và kết bạn với những con người mới, làm quen lối sống hoàn toàn khác.

    Điều tôi nhận ra:

    New Zealand là đất nước có diện tích khá nhỏ và ít dân số, nên mọi thứ ở đây ít hay nhiều đều mang trong mình tính cộng đồng. Trong các tình huống hàng ngày, mọi người thường cố tạo một bầu không khí thân thiện hơn qua việc nói chuyện phiếm, biến văn hoá “small talk” (nói chuyện phiếm) thành một đặc trưng thú vị của đất nước này. Bạn có thể trò chuyện với thu ngân về tình hình thời tiết trong lúc đợi đồ uống, hay bình luận dăm ba câu với đồng nghiệp về trận bóng diễn ra cuối tuần, trước khi mọi người bắt đầu vào cuộc họp. Những cuộc nói chuyện nhỏ này tạo ra một sợi dây kết nối cá nhân hơn giữa mọi người và bầu không khí thoải mái, giúp nâng cao hiệu quả làm việc sau đó.

    Như mọi du học sinh khác, khi đến một đất nước, môi trường mới, tôi khá bỡ ngỡ. Sự thân thiện này vô hình trung khiến tôi bối rối, không biết cách kết nối với mọi người, bắt đầu ra sao và tiếp tục câu chuyện thế nào.

    Tôi ước:

    Nếu thời gian đầu, tôi không quá lo lắng và tự tạo ra rào cản cho bản thân, chuyện hòa nhập sẽ đơn giản hơn. Để vượt qua sự e ngại này, tôi bắt đầu từ những bước nhỏ và đơn giản nhất như tận dụng cơ hội nói chuyện với bạn cùng nhóm trước khi vào lớp, trước cuộc họp. Tôi hỏi về một ngày của bạn, chia sẻ vài ý tưởng về dự án sắp tới… Dần dần, tôi trở nên quen thuộc với con người và thành phố tôi đang sinh sống, cũng biến mảnh đất này trở thành ngôi nhà thứ 2 của mình.

    Nếu quay về trước kia, tôi sẽ dành cho bản thân và các bạn trẻ đang sắp sửa du học một lời khuyên rằng: “Đừng ép buộc bản thân, hãy cứ thoải mái và chậm rãi.” Qua thời gian, bạn sẽ cảm nhận được nét văn hóa tuyệt vời mà đất nước New Zealand mang mang lại.

    ENZ anh 6

    Nhờ du học, Thảo Nguyên (ngồi giữa, đeo kính) có cơ hội gặp gỡ bạn mới, trải nghiệm nền văn hóa mới. Ảnh: NVCC.

    ENZ anh 7ENZ anh 8

    Xác định rõ mục tiêu du học
    Đỗ Thị Thùy Hương

    Tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh doanh Bền vững (MSusBus) hạng Xuất sắc tại Đại học Otago

    ENZ anh 9ENZ anh 10

    Chuyện của tôi:

    Sau nhiều năm tốt nghiệp đại học, tôi công tác tại bộ phận tuân thủ trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp tại Việt Nam. Sau một thời gian, tôi nhận ra mình cần trau dồi, phát triển thêm kiến thức mảng này nên quyết định đi du học.

    Đây không phải lần đầu tôi có ý định ra nước ngoài học tập. Song những lần trước, do một vài lý do khách quan cộng với việc không đặt ra mục tiêu cụ thể, tôi chưa thể thực hiện ước mơ của mình. Lần này thì khác, bản thân đã biết mình cần và muốn gì.

    Do công việc khá đặc thù, tôi bỏ nhiều thời gian nghiên cứu nhưng gần như “vô vọng” khi tìm kiếm ngành học, ngôi trường phù hợp với chuyên môn. Đến một ngày tháng 8/2018, tôi biết đến khóa học Thạc sĩ Kinh doanh Bền vững tại Đại học Otago.

    Đọc mô tả khóa học, tôi nhận ra đây chính xác là những kiến thức tôi cần. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè cũng nhận định rằng sẽ rất vất vả cho tôi để “cân” được phần công việc từ xa ở Việt Nam, trách nhiệm chăm sóc con trai và cả lịch trình học tập dày đặc kéo dài hơn một năm tại đất nước xa xôi, khác biệt về văn hóa như New Zealand.

    Tôi nhận ra:

    Tôi đưa con trai sang New Zealand để hai mẹ con đồng hành cùng nhau trong chặng đường mới. Quả thật, việc cân bằng công việc, cuộc sống với chương trình học bậc Thạc sĩ không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho những áp lực và mở lòng đón nhận thử thách, trải nghiệm phía trước.

    Mỗi ngày, tôi luôn trong trạng thái bận rộn. Tôi dậy từ 5h, xử lý một vài công việc cá nhân, tập thể dục thư giãn, chuẩn bị bữa sáng và cho con đi học. . Ngoài việc đến trường học, hoàn thành bài tập hoặc tìm kiếm tài liệu trong thư viện, tôi cũng tranh thủ xử lý công việc của công ty từ xa.

    Hơn thế, tôi thấy rằng nền giáo dục New Zealand luôn đồng hành cùng những sinh viên đang có gia đình. Bé được miễn học phí khi theo học trường công và chủ yếu học theo phương pháp khai phóng, hầu như không có bài tập về nhà. Những hỗ trợ này giúp tôi yên tâm và tập trung hơn cho việc học của mình.

    Tôi ước:

    Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định đến xứ sở Kiwi. Ở mỗi thời điểm, chúng ta sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Dù bận rộn, tôi vẫn cho rằng sự đồng hành của con trai là động lực giúp tôi hoàn thành mọi mục tiêu, mang đến trải nghiệm thú vị.

    Tuy nhiên, khi ai đó nói về ý định đi du học, tôi luôn khuyên họ xác định mục tiêu cụ thể, lên kế hoạch càng sớm càng tốt. Khi chưa vướng bận công việc, gia đình, bạn có thể tập trung 100% năng lượng cho việc học, mở mang kiến thức. Nếu bạn đã có gia đình mà vẫn mong muốn tiếp tục chặng đường học tập sau đại học như Thạc sĩ, Tiến sĩ, New Zealand sẽ là điểm đến tuyệt vời. Quốc gia này có nhiều chương trình học bổng, chính sách, phúc lợi xã hội dành cho sinh viên quốc tế để họ chinh phục thành công hành trình tri thức.

    ENZ anh 11

    Hương Đỗ và con trai cùng nhau khám phá nhiều điểm du lịch xứ sở Kiwi. Ảnh: NVCC.

    ENZ anh 12ENZ anh 13

    Không nhất thiết phải giỏi mới được du học
    Bạch Nguyên Vũ

  • Sinh viên năm 3, ngành Bachelor of Engineering (Honours) tại Đại học Auckland
  • Học tập và sinh sống tại New Zealand 5 năm
  • ENZ anh 14ENZ anh 15

    Chuyện của tôi:

    Đối với tôi, đi du học không nhất thiết là lý do học thuật. Khi một khi ai đó đã giỏi, học ở môi trường nào họ vẫn sẽ phát triển tốt. Tôi chọn du học để được trải nghiệm, học hỏi từ môi trường, nền văn hóa mới, đặc biệt ở đất nước đa sắc tộc như New Zealand.

    Ban đầu, tôi và gia đình phân vân giữa các nước châu Âu, Australia và New Zealand. Cuối cùng, tôi chọn New Zealand vì nền giáo dục tương đương song chi phí ăn ở, học phí phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình so với các lựa chọn còn lại.

    Trước khi du học, tôi khá khó khăn khi đưa ra quyết định học tập ở một ngôi trường cụ thể giữa hàng chục, hàng trăm lựa chọn. Tôi và gia đình quyết định cùng ngồi lại, liệt kê những yếu tố quan trọng như chất lượng trường học, tiền học, vị trí địa lý... và cố gắng cân bằng nhất có thể.

    Tôi nhận ra:

    Sau khi trực tiếp trải nghiệm, tôi nhận ra New Zealand có hàng loạt trường học và trung tâm đào tạo đa dạng ngành nghề. Vào đại học không phải con đường duy nhất để kiếm được việc làm vì các học viện về kỹ năng và công nghệ ở đây phát triển mạnh mẽ.

    Từ khi học phổ thông, ngoài những môn bắt buộc, học sinh có thể tự lựa chọn môn học hứng thú để dần hình thành sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp cho bản thân sau này.

    Tôi ước:

    Tôi ước mình sớm được định hướng về sự đa dạng trong việc đào tạo học sinh - sinh viên của New Zealand. Mặc dù bản thân có sẵn định hướng, ở giai đoạn đầu, tôi vẫn khá mơ hồ về lựa chọn của mình, chưa chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo do thiếu đi sự trò chuyện, học hỏi từ người đi trước.

    Vì thế, trước khi quyết định chọn ngành học, bên cạnh việc tự tìm tòi, người trẻ cần nói chuyện với các anh chị trong ngành để có góc nhìn trực diện hơn.

    ENZ anh 16

    Bên cạnh thời gian học tập căng thẳng, Nguyễn Vũ (đứng giữa, áo xanh) năng nổ tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC.

    Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022 là sự kiện lớn nhất trong năm của Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ), được phối hợp tổ chức bởi ENZ cùng Lãnh sự quán và Đại sứ quán New Zealand.

    Tại đây, người tham dự sẽ được trao đổi với đại diện của Đại sứ quán, Cơ quan Giáo dục New Zealand và Sở Di trú New Zealand để cập nhật chính sách mới nhất liên quan đến du học New Zealand. Ngoài ra, hơn 40 trường hàng đầu New Zealand cũng sẽ tư vấn về lộ trình đào tạo và các lựa chọn du học, học bổng phù hợp từng cá nhân. Cùng với đó là những phiên hội thảo chuyên đề về hướng nghiệp, sản xuất và kinh doanh bền vững. Bạn cũng có thể được tham vấn với các cựu du học sinh New Zealand về kinh nghiệm khi đi du học và nhận quà tặng đặc biệt tại triển lãm.

    Sự kiện diễn ra vào 8h-12h thứ bảy ngày 29/10 tại Melia Hotel (Hà Nội) và 8h-13h chủ nhật ngày 30/10 tại Le Meridien Hotel (TP.HCM). Độc giả truy cập tại đây để biết chi tiết và đăng ký tham gia.

    Het thoi sep chieu nhan vien hinh anh

    Hết thời sếp chiều nhân viên

    0

    Amazon, Dell và nhiều công ty yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng, cắt giảm hàng loạt phúc lợi và thưởng. Điều này phản ánh sự thay đổi trong quyền lực giữa sếp và nhân viên.

    Giang Đăng Nguyên

    Illustrator: Hina

    Bạn có thể quan tâm