SARS-CoV-2 xuất hiện hàng loạt biến chủng mới và nhanh chóng lây lan ra toàn cầu. Nhiều người lo ngại vius thay đổi sẽ ảnh hưởng tới tác dụng của vaccine. Điều này càng trở nên đáng lo hơn khi không ít nghiên cứu chỉ ra biến chủng nCoV mới từ Nam Phi có nguy cơ kháng vaccine. Ngay lập tức, các đơn vị sản xuất đã thực hiện nghiên cứu về điều này.
Nano Covax và COVIVAC của Việt Nam
Vaccine Nano Covax "made in Vietnam" đã hoàn thành xong đợt thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn một. Ở giai đoạn này, 60 tình nguyện viên đã tiêm tổng cộng 120 mũi vaccine, chia thành 3 nhóm.
Kết quả nghiên cứu từ Học viện Quân Y (Hà Nội) cho thấy vaccine Nano Covax bước đầu đáp ứng sinh miễn dịch trên cả 3 nhóm tiêm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Các chuyên gia đánh giá hiệu quả mà vaccine này tạo ra là an toàn, tạo phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả biến chủng.
Bên cạnh đó, vaccine COVIVAC cũng đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng trên người từ ngày 21/1. Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, COVIVAC ứng dụng công nghệ sản xuất vaccine vector Newcastle, gắn gene biểu hiện protein S của SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên. Thế giới đã phát hiện đột biến trên một số chủng ở Anh, Nam Phi, trong đó, ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S.
Tuy nhiên, đoạn protein S khá dài, đột biến chỉ xảy ra ở một số điểm mà không phải toàn bộ. Do đó, các loại vaccine Covid-19 đang nghiên cứu trên thế giới cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch.
Việt Nam đang nghiên cứu, phát triển cùng lúc 2 loại vaccine Covid-19. Ảnh: Văn Nguyện. |
Vaccine của Pfizer/BioNTech
Đầu tháng 1, các chuyên gia y tế tại Pfizer/BioNTech phối hợp nhóm nhà khoa học Đại học Y, Đại học Texas, Mỹ, nghiên cứu về khả năng bất hoạt virus của vaccine ngừa Covid-19 mà đơn vị này sản xuất. Theo Reuters, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra vaccine có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa đột biến N501Y trong biến chủng virus SARS-CoV-2 mới.
Nghiên cứu của Pfizer/BioNTech được thực hiện trên máu của những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mà công ty này cung cấp. Chuyên gia về vaccine của Pfizer, Phil Dormitzer, cho biết kết quả đầu tiên của các thử nghiệm khá tích cực.
Vaccine này từng chứng minh khả năng ức chế, chống lại 15 đột biến khác trong những chủng virus trước đó. Nhóm tác giả hy vọng nhiều nghiên cứu hơn được thực hiện để đưa ra kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn hạn chế vì không xem xét được toàn bộ đột biến trong 2 biến chủng mới của SARS-CoV-2. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch thử nghiệm tương tự vaccine với những biến chủng khác để có dữ liệu đầy đủ hơn. Dự kiến, công việc này mất khoảng vài tuần.
Moderna và Pfizer/BioNTech đều khẳng định vaccine của họ có thể chống lại biến chủng virus mới. Ảnh: AP. |
Vaccine của Moderna
Theo New York Times, tương tự Pfizer-BioNTech, nhà sản xuất Moderna cũng khẳng định vaccine của họ hiệu quả trong việc chống lại các biến chủng virus mới từ Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh khả năng bảo vệ của nó kém hơn với biến chủng từ Nam Phi bởi chủng này chứa đột biến có thể né tránh các kháng thể trong máu.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Moderna kiểm tra mẫu máu của 8 người và 2 chú khỉ đã được tiêm 2 liều loại vaccine này. Các kháng thể trung hòa giúp vô hiệu hóa virus mà vaccine tạo ra có thể chống lại biến chủng mới từ Anh. Kết quả này không thay đổi so với những chủng virus cũ.
Tuy nhiên, với biến chủng ở Nam Phi, hiệu quả chỉ bằng 1/6. Dù vậy, đại diện Moderna khẳng định những kháng thể này vẫn ở mức bảo vệ được người tiêm vaccine.
Kết quả trên do Moderna hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu Vaccine (Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ) thực hiện và đã được đăng tải trực tuyến tại BioRxiv trước khi công bố trên các tạp chí y khoa chuyên ngành.
Để đề phòng, đại diện của Moderna cho biết họ đang phát triển loại vaccine chỉnh sửa. Nó nhắm thẳng vào biến chủng mới từ Nam Phi và có thể sử dụng như một liều tăng cường sau một năm người dân được tiêm chủng.
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 604 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.
Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.
Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.
Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.