Theo cô Thùy Dương, về mặt kiến thức, các học sinh lớp 12 cần nắm chắc cấu trúc đề thi, bám thật sát đề thi tham khảo môn Tiếng Anh mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Cô Dương cho hay dựa theo đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, có thể thấy đề thi năm nay mang tính ổn định so với những năm gần đây gồm 50 câu với thời gian làm bài 60 phút, các đơn vị kiến thức được kiểm tra và độ khó tương tự với đề thi chính thức của năm 2022.
Phần dễ nhầm lẫn
Về nội dung, đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc.
Về mặt ngữ âm, thí sinh cần chú ý thêm dạng phát âm của nguyên âm trong từ, phụ âm trong từ và nắm vững các nguyên tắc về trọng âm của từ có 2-3 âm tiết, nguyên tắc trọng âm của một số hậu tố/đuôi phổ biến (-eer, -ee, -oo, -oon, -ese; - ion, - ic, - ial, - ive, - ible, - ity, -ian; -y, - ce, -ate, - ise, - ism; - hood, - ship, - ment, - al, - less, - ness…) và các trường hợp đánh dấu trọng âm bất quy tắc.
Về mặt ngữ pháp, thí sinh cần ôn tập kỹ các nội dung như rút gọn mệnh đề quan hệ, câu so sánh, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian (với các từ “after”, “as soon as”, “by”, “when”…), giới từ, mạo từ, câu hỏi đuôi, danh động từ và động từ nguyên mẫu, sự kết hợp thì của động từ và câu bị động. Giống các câu hỏi giao tiếp, đa số câu hỏi ngữ pháp dừng ở mức độ nhận biết và thông hiểu.
Cô Lưu Thùy Dương, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ của trường THPT Thăng Long (Hà Nội). |
Theo cô Dương, câu hỏi khiến thí sinh dễ bị mất điểm thường rơi vào các câu hỏi từ vựng, gồm các câu hỏi về sự kết hợp từ, cụm từ cố định, cụm động từ, (cụm) từ đồng nghĩa, (cụm) từ trái nghĩa, từ dễ gây nhầm lẫn…
Các câu hỏi từ vựng xuất hiện xuyên suốt trong đề thi và chiếm số lượng lớn nên để có kết quả tốt, thí sinh cần ôn tập kỹ từ vựng trong sách giáo khoa, có mở rộng nâng cao theo chủ đề bài học (ví dụ: Gia đình, giáo dục, công nghệ, môi trường, văn hóa, việc làm, giải trí...).
Rất nhiều các cặp từ vựng dễ gây nhầm lẫn (ví dụ “compliment” và “complement”, “continual” và “continuous”, “formally” và “formerly”…), nên các em cần nắm vững bản chất của từ, xem xét nó thuộc loại từ nào, cách viết, cách phát âm, và nghĩa của từ.
Thực tế cho thấy một từ tiếng Anh thường có nhiều hơn một nét nghĩa, do đó, việc đọc và dịch cẩn thận nghĩa cả câu sẽ giúp thí sinh xác định nghĩa chính xác của từ trong ngữ cảnh, từ đó suy đoán được từ cần điền, tránh lựa chọn đáp án sai.
"Thêm vào đó, học sinh rất dễ mất điểm oan ở dạng câu hỏi tìm (cụm) từ đồng nghĩa/trái nghĩa. Chỉ vì không đọc kỹ đề bài, một số thí sinh chọn nhầm đáp án đồng nghĩa trong khi đề yêu cầu trái nghĩa và ngược lại. Vì vậy, việc cẩn trọng trong việc đọc kỹ đề bài là điều rất cần thiết”, cô Dương phân tích.
Phần cần ôn kỹ
Ngoài ra, theo cô Dương, câu hỏi thành ngữ, tục ngữ chính là câu hỏi khiến hầu hết thí sinh mất điểm 10.
“Đây là phần khó nhất trong đề thi bởi không có nguyên tắc cố định nào. Học sinh buộc phải nhớ chính xác nghĩa của mỗi thành ngữ, tục ngữ đó... để có thể tìm ra đáp án đúng. Trên thực tế, số lượng thành ngữ, tục ngữ lại quá nhiều nên các em khó nhớ. Để đạt điểm phần này, học sinh cần xem lại kỹ những thành ngữ, tục ngữ... đã từng xuất hiện trong sách giáo khoa, các đề ôn luyện đã làm, các tài liệu tham khảo và vốn kiến thức tự học tự tích lũy trong suốt quá trình học”, cô Dương nói.
Cô Lưu Thùy Dương cùng các học trò. Ảnh: NVCC. |
Đối với dạng bài tìm câu đồng nghĩa và kết hợp câu, thí sinh cần chú ý ôn tập các dạng câu hỏi thông dụng về thì của động từ, động từ khuyết thiếu, câu trực tiếp gián tiếp, câu điều kiện/điều ước, câu đảo ngữ.
Cô Dương cho hay đề thi tốt nghiệp THPT gồm một bài đọc điền chỗ trống và hai bài đọc hiểu, chiếm 17 trong tổng số 50 câu hỏi.
Đối với bài đọc điền chỗ trống, thí sinh cần nắm vững kiến thức về từ vựng, sự kết hợp từ, đại từ quan hệ, liên từ và lượng từ. Bài đọc hiểu gồm các câu hỏi tổng quát (xác định ý chính bài đọc); câu hỏi chi tiết (xác định các thông tin cụ thể hay các chi tiết có trong bài); câu hỏi tham chiếu; câu hỏi từ vựng (xác định nghĩa của từ trong văn cảnh); và câu hỏi suy luận (suy luận về thông tin không nêu trực tiếp trong bài đọc).
Câu hỏi suy luận kết quả/hành động tiếp theo hay rút ra kết luận về bài đọc luôn là câu hỏi ở mức vận dụng cao. Tuy nhiên, thí sinh có thể hoàn toàn tự tin làm tốt câu hỏi này thông qua việc phân tích ngữ liệu, thông tin, giọng văn của tác giả trong bài kết hợp với phương pháp loại trừ.
Tốt nhất, thí sinh nên làm thật nhiều bài đọc hiểu theo các chủ đề thông thường và kết hợp học từ vựng xuất hiện trong các bài đọc hiểu đó, thử sức với đề thi thử của các trường THPT trên toàn quốc và đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây để nâng cao kỹ năng làm bài.
Để có bài thi đạt điểm cao, cô Dương cũng khuyên các học sinh không nên quá căng thẳng, tự tạo áp lực cho mình mà hãy giữ tâm trạng thoải mái, tự tin vào bản thân, luôn bình tĩnh và cẩn trọng.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên