Tỉ lệ vô sinh đnag gia tăng ở nhiều cặp vợ chồng dưới 30 tuổi. ẢNh: Freepik. |
Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO, trên thế giới, cứ 6 người trưởng thành lại có một người bị vô sinh ở một thời điểm nào đó trong đời.
Tại Việt Nam, khoảng 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ bị vô sinh, hiếm muộn (tương đương với một triệu cặp vợ chồng). Tỉ lệ vô sinh đang gia tăng, trong đó, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.
Thạc sĩ, bác sĩ, chuyên gia hỗ trợ sinh sản Lê Thị Thu Hiền chia sẻ trong quá trình thăm khám, các chuyên gia tiếp nhận rất nhiều ca khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như vợ chồng mang gene bệnh lý hiếm, người chồng vô tinh, vợ chồng hiếm muộn lâu năm, sảy thai nhiều lần…
Việc can thiệp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp này, cụ thể là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi thêm những kỹ thuật, quy trình phức tạp và tốn kém hơn so các trường hợp thông thường.
Trong đó, phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE sẽ giúp tăng cơ hội có con cho nam giới vô tinh, đặc biệt là những trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn vốn là thách thức lớn trong điều trị vô sinh nam.
Đây là kỹ thuật mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. Tinh trùng thu được sẽ được dùng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và cho kết quả có con tương đương với tinh trùng xuất tự nhiên.
Kỹ thuật này thường được chỉ định cho các trường hợp nam giới không có tinh trùng do các nguyên nhân như teo tinh hoàn do quai bị, các bất thường về gene, bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter…), ẩn tinh hoàn, hội chứng sinh tinh nửa chừng...
Nhiều bệnh nhân vô tinh khi thực hiện các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng nhưng đã thành công nhờ Micro TESE và có được đứa con của chính mình.
Về phía nữ giới, việc phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung sẽ nhằm giúp phát hiện các bất thường ở buồng tử cung như olyp buồng tử cung, dính buồng tử cung, ứ dịch vòi tử cung, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Chi phí để thực hiện kỹ thuật này hiện khoảng 14 triệu đồng.
Ngoài ra, việc sàng lọc và nuôi cấy phôi rất có ý nghĩa, giúp các gia đình IVF có thể sinh con khỏe mạnh nếu không may mắc bệnh lý di truyền. Kỹ thuật này đồng thời giúp tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi, giúp các gia đình chạm tay gần hơn đến ước mơ làm cha, làm mẹ.
Hiện nay, số lượng trẻ mắc các bệnh lý di truyền như teo cơ tủy, loạn dưỡng cơ Duchenne, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), máu khó đông (Hemophilia)… ở nước ta không hề nhỏ.
Việc ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi trong hỗ trợ sinh sản là cần thiết để loại bỏ các phôi bất thường, sàng lọc bệnh lý đơn gene trước khi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ.
Từ đó, giúp tăng khả năng thành công; giảm tỷ lệ sảy, lưu thai, thai dị tật và sinh ra những em bé khỏe mạnh không mang gene bệnh từ bố mẹ.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Hiền, áp lực về kinh tế vẫn còn là rào cản trên chặng đường tìm con của các cặp đôi.
Kinh phí thực hiện các kỹ thuật dù không quá lớn nhưng vẫn tạo thêm áp lực cho bệnh nhân trong quá trình tìm con.
“Có những gia đình đã chạy chữa, mong con hàng chục năm hoặc có thể lâu hơn nhưng vẫn chưa thành công, nhiều cặp vợ chồng buộc phải dừng lại việc điều trị vì áp lực kinh tế đè nặng”, chuyên gia nói.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.