Bánh chưng, bánh tét: Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Bên ngoài của bánh gói bằng lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh, hành và thịt heo. Các gia đình Việt xưa thường tự gói bánh chưng mỗi độ xuân về. Những chiếc bánh không đơn thuần là món ăn dịp Tết mà còn mang giá trị truyền thống đáng trân quý. Bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng, cả gia đình kể cho nhau nghe những điều đã qua suốt một năm bộn bề. Ảnh: Ashleechil, chay_blog. |
Từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp và tất bật chẻ lạt gói bánh chưng. Nguyên liệu của món bánh ngày Tết khá cầu kỳ, tăng giảm tùy thuộc vào đặc trưng mỗi vùng đất nhưng nhất định không thể thiếu gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Nếu bánh chưng là nét văn hóa lâu đời của người miền Bắc, bánh tét lại được người dân miền Nam chuộng hơn. Người miền Trung dùng cả bánh chưng và bánh tét, tuỳ theo khu vực. Ảnh: Oriental Tours. |
Tôm chua: Công thức làm tôm chua với hương vị hòa trộn hoàn hảo được người miền Trung yêu thích mỗi dịp Tết đến và truyền lại từ nhiều đời. Tôm mang độ mặn của nước mắm, cay và thơm của riềng, tỏi ớt, ngọt của đường, chua và giòn của đu đủ. Tôm chua có ở nhiều nơi, song ngon nhất phải kể đến xứ Huế. Giữa vô vàn món ăn hấp dẫn nhưng nhiều dầu mỡ, tôm chua vị thanh thanh sẽ là lựa chọn chống ngấy số một dành cho bạn. Ảnh: Namkhanhtran, thuyvungoc99, mebimsuakoi, vuttha2108. |
Thịt kho tàu: Chỉ cần ngửi hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra từ nồi thịt kho tàu đặt cùng với chén cơm nóng bốc hơi nghi ngút là thấy Tết kề bên. Hương vị thịt, trứng đậm đà hòa quyện chinh phục khẩu vị của biết bao người. Người nội trợ phải biết cách chọn thịt ngon, nêm nếm gia vị sao để món thịt kho thật đậm đà và có màu nâu vàng sóng sánh. Ảnh: Nunikitchen_, miso.en.place, shan.dao_comsuonbicha, vicky.pham. |
Thịt đông: Thịt đông là món đặc trưng của Tết Nguyên Đán miền Bắc. Trong tiết trời se lạnh đầu xuân, món ăn càng trở nên thơm ngon khó cưỡng. Thịt đông thường được nấu từ thịt chân giò cùng nấm đông cô, mộc nhĩ, bì heo, hạt tiêu... Đặc trưng của món thịt đông là phải nấu thật nhừ, đến khi có một lớp mỡ sánh trên bề mặt. Ảnh: Jennyyyttt. |
Dưa hành: Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, hương vị dân dã của món dưa hành vẫn luôn góp mặt trong ký ức sum vầy ngày Tết của người Việt. Vị chua, cay nhẹ phát huy tác dụng chống ngán hữu hiệu. Món ăn này ở mỗi vùng lại có một đặc trưng khác nhau. Người miền Trung và miền Nam gọi là dưa món và kiệu muối. Ảnh: Spicy_chef, jesuisquyenvu. |
Canh khổ qua: Canh khổ qua (mướp đắng) là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm cúng ông bà ngày 29-30 Tết của người phương Nam. Người ta ăn món này với mong muốn xui xẻo, khổ cực trong năm cũ sẽ qua và điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Theo quan niệm xưa, khổ qua được chọn là những trái có màu xanh đậm, suôn dài và thật đều nhau, thể hiện sự tròn vẹn, viên mãn. Ảnh: Vivian.t.t.v. |