- Giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nhiều người trẻ luôn tìm kiếm tình yêu, hết mình với nửa kia trong giai đoạn hẹn hò. Tuy nhiên, khi đối phương đề cập đến chuyện cưới xin hoặc cam kết nghiêm túc, nhóm này có xu hướng lo sợ, thoái thác, thậm chí “bỏ chạy”.
Trong nhiều năm hoạt động tham vấn tâm lý, tôi từng gặp không ít thân chủ mắc kẹt trong tình cảnh tương tự. Nỗi ám ảnh về hôn nhân và sự gắn bó của họ có phần nghiêm trọng hơn bình thường. Cá nhân sẽ chật vật trong việc xây dựng mối liên hệ xã hội, đồng thời dễ bị đánh đồng với kiểu chỉ muốn được yêu chiều, ngại chịu trách nhiệm.
Dưới đây là một số chia sẻ của tôi về nguyên nhân, biểu hiện và cách giải quyết cho bạn trẻ đang chật vật với kiểu tâm lý này.
Ám ảnh từ quá khứ
Thực tế, xu hướng kể trên chưa có trong danh mục của DSM (Sổ tay sức khỏe tâm thần của Hiệp hội tâm thần APA của Mỹ) hay ICD (phân loại bệnh theo tổ chức y tế thế giới WHO) để được xác định là một bệnh lý hay rối loạn tâm thần. Vì vậy, chúng ta sẽ dùng tạm cụm từ “hội chứng sợ cam kết trong tình yêu” khi bàn về nó.
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu tạo ra sợ hãi là nỗi ám ảnh trong quá khứ. Phần lớn người mắc hội chứng này từng có sự cố gia đình, chẳng hạn như cha mẹ bạo lực, ly dị hay ngoại tình.
Dưới tác động của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), cá nhân sẽ có xu hướng “bỏ chạy” khi bị đề nghị xây dựng tổ ấm riêng.
Nỗi sợ cam kết chủ yếu xuất phát từ ám ảnh gia đình. Ảnh: Rodnae Productions/Pexels. |
Các vấn đề liên quan đến hôn nhân có thể trở thành tác nhân kích thích, khiến họ hồi tưởng lại chuyện từng xảy ra. Họ muốn được yêu thương, gắn kết với nửa kia, song vẫn bất an, lo sợ sẽ đi theo vết xe đổ của người thân.
Ngoài ra, một số lý do khác dẫn đến tâm lý này cũng có thể là:
- Từng có mối quan hệ độc hại: Đã trải qua cảm giác bị bỏ rơi, sự lừa dối hoặc hành vi bạo hành. Họ né tránh các mối quan hệ gắn bó vì sợ bị tổn thương.
- Nền giáo dục từ gia đình: Phụ huynh dạy con không nên kết hôn nhằm tránh những mặt tối của đời sống vợ chồng.
- Ảnh hưởng từ truyền thông, xã hội: Cá nhân mất niềm tin vào sự gắn kết vì thông tin đổ vỡ của người nổi tiếng hoặc quan điểm “hôn nhân là mồ chôn tình yêu”.
Ở hầu hết trường hợp, người mắc hội chứng này phải đấu tranh với nhiều mâu thuẫn nội tâm. Chúng có thể rất dữ dội, khiến thân chủ suy kiệt tinh thần. Những làn sóng cảm xúc tiêu cực dễ dàng dẫn đến tổn thương vật lý, chẳng hạn như đau đầu, nhức mỏi cổ, vai, gáy, khó thở hoặc tiêu hóa kém.
Bên cạnh đó, thái độ chần chừ, tìm cách thoái lui của họ cũng khiến đối phương tổn thương. Khi sự chịu đựng của một trong 2 người vượt quá giới hạn, chia tay là điều khó tránh khỏi.
Nhận diện
Theo tôi, không có chuẩn mực nào để phân biệt giữa cá nhân mắc hội chứng sợ cam kết với người cố chối bỏ trách nhiệm.
Tuy nhiên, nếu bạn đang phân vân về đối phương, hãy lưu ý các biểu hiện phi ngôn từ (ví dụ: cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu, khoảng cách), xác định rõ mục đích, nhu cầu của họ với mối quan hệ.
Trong trường hợp nghi ngờ về chính mình, bạn có thể tự hỏi những câu sau:
- Lý do thực sự khiến tôi không muốn kết hôn, gắn bó với anh/cô ấy lâu dài là gì?
- Nếu không kết hôn, tôi có thấy bứt rứt, tội lỗi không?
- Quan điểm tình yêu của tôi ra sao? Như thế nào sẽ khiến tôi hạnh phúc trong mối quan hệ?
Chuyên gia cho rằng bạn trẻ nên can đảm nhìn nhận vấn đề, mở lòng để tiếp nhận hạnh phúc. Ảnh: Samson Katt/Pexels. |
Dừng trốn chạy
Quả thực, trốn chạy là cách giải quyết nhanh gọn, dễ dàng nhất mà mọi người thường nghĩ đến. Tuy nhiên, mối quan hệ sẽ tan vỡ nếu bạn chọn phương án có phần cực đoan này.
Thực tế, hội chứng sợ cam kết trong tình yêu không quá kinh khủng. Thay vì mãi né tránh, bạn nên thử thực hiện một số bước sau đây nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống:
Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp: Đừng ngần ngại liên hệ các chuyên gia tâm lý. Họ sẽ giúp bạn hiểu thêm về bản thân, cũng như tự tin, tự quyết vấn đề đang mắc phải.
Đối diện với quá khứ: Hãy dành thời gian tìm hiểu về nguyên nhân gây bất an. Có phải bạn vẫn đau đớn vì biến cố xưa cũ không? Vì sao vết thương lòng vẫn chưa thể lành lại? Bạn cần làm gì để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn?
Nghĩ về mong muốn cá nhân: Bạn đang cần gì ở đối phương? Mong muốn của bạn với mối quan hệ này là gì? Liệu bạn thực sự chán ghét hôn nhân, hay chỉ quá sợ hãi?
Chia sẻ, trò chuyện với nửa kia: Hãy tâm sự với họ về những khúc mắc hiện tại và cùng tìm giải pháp. Ngoài ra, bạn nên thử đặt mình vào vị trí của đối phương để cảm thông, thấu hiểu hơn cho nhau.
Mục Đời sống gửi đến độc giả gợi ý về những tác phẩm hay, mang hơi thở thời đại. Hội mê sách cũng có thể tìm thấy những bí kíp để "sống chất" hơn với sở thích của mình.