Do yêu cầu, tính chất công việc, nhiều người trẻ chỉ có thể nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình trong 3-4 ngày Tết. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Hoàng Oanh là một chuyên viên chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực du lịch. Phần lớn đối tác của cô là người nước ngoài, không đón Tết Nguyên đán. Như nhiều đồng nghiệp khác, cô đăng ký lịch làm trong Tết để nhận thu nhập gấp 3 lần ngày thường.
“Cả năm mới về thăm nhà một lần, song tôi chỉ có quỹ thời gian hạn hẹp, không thể ở bên bố mẹ lâu hơn”, Oanh nói với Zing.
Một nửa cái Tết
Thay vì đón kỳ nghỉ Tết kéo dài 8 ngày như nhiều nhân viên văn phòng, Hoàng Oanh chỉ được rời công việc trong 4 ngày, phải quay lại công sở vào sáng mùng 4.
Chiều mùng 3 Tết, khi gia đình vẫn đang quây quần đón năm mới, cô lại chuẩn bị hành lý cho chuyến bay Hà Nội - TP.HCM khởi hành lúc 18h. Đến lúc này, cô mới bắt đầu hối hận vì không “mặc kệ” công việc để xin nghỉ Tết dài hơi hơn.
“Nếu biết trước sẽ buồn thế này, tôi đã không tham lam chút tiền trực Tết. Giờ tôi chỉ muốn bỏ hết việc để về lại với bố mẹ”, nhân viên văn phòng này chia sẻ.
Hoàng Oanh phải xách vali ra sân bay, trở về TP.HCM từ chiều mùng 3 Tết. |
“Năm nay, tôi chỉ ăn một nửa cái Tết”, đó là tâm sự của Hoàng Minh (30 tuổi, quận An Dương, Hải Phòng). Hiện kinh doanh một cửa hàng thực phẩm nhỏ, anh bán hàng đến 30 Tết. Mùng 2, anh lại tất bật mở cửa buôn bán, mong kiếm lợi nhuận khấm khá từ mùa cao điểm.
Theo chia sẻ của Minh, mùng 2 cũng là ngày chợ mở cửa, anh có thể mua sắm nguyên liệu tươi ngon.
“Sau mấy ngày Tết, ai cũng chán bánh chưng, gà luộc nên đặc biệt muốn đổi món. Đây là thời điểm ‘hái’ ra tiền của ngành dịch vụ ăn uống, tôi không muốn bỏ lỡ”, anh cho hay.
Trong khi đó, là kế toán tại một bệnh viện, Ngọc Thương (25 tuổi, quận 4, TP.HCM) đã quen với việc trực Tết trong vài năm qua. Năm nay, cô chỉ được nghỉ ngơi từ mùng 3 đến mùng 5 Âm lịch.
“Lịch trực của tôi năm nay khá kín, xuyên suốt từ 28 Tết đến mùng 2. Tôi cũng không thể đổi ca vì nhiều đồng nghiệp không sống tại TP.HCM, đã về quê đón Tết”, Thương kể với Zing.
Nhiều năm nay, Thương không có nhu cầu tân trang ngoại hình, sắm sửa cho bản thân dịp đầu xuân năm mới. Cô phải từ chối nhiều buổi họp lớp, gặp mặt để hoàn thành nhiệm vụ tại bệnh viện.
Người thân và bạn bè đều thông cảm với tính chất công việc của Ngọc Thương nên không ép cô tham gia các buổi gặp gỡ trong dịp này.
Tết khó trọn vẹn
Những ngày lễ, Tết, công việc của Ngọc Thương cũng như đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện áp lực hơn ngày thường. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, chủ yếu do bia, rượu, khiến số lượng bệnh nhân gia tăng đáng kể.
Những ca cấp cứu thường được đưa đến bệnh viện lúc nửa đêm, rạng sáng. Đây cũng là giai đoạn cô cùng các đồng nghiệp không có một phút chợp mắt.
Gần như không được nghỉ ngơi trong thời gian trực ban, Thương đành đón Tết muộn 2-3 ngày. Mùng 3, cô mới có thời gian đi biếu quà, thăm hỏi họ hàng.
“Năm ngoái, sau khi kết thúc ca trực, tôi ngủ gần một ngày mới có thể hồi sức. Sau đó, tôi mới bắt đầu thu xếp gặp gỡ người thân, bạn bè”.
Đồng cảm với Ngọc Thương, Hoàng Oanh cũng tận dụng tối đa 3 ngày nghỉ lễ để hoàn tất nhiều công việc cá nhân. Tại Hà Nội, cô tranh thủ ghé thăm nhà người thân.
Theo Oanh, “deadline” gặp gỡ họ hàng còn khiến cô căng thẳng hơn công việc. Những buổi hẹn nối tiếp nhau từ sáng sớm đến tối muộn.
Biết Hoàng Oanh từ TP.HCM trở về, nhiều người bạn cũ, đồng nghiệp cũ đã đặt lịch hẹn từ trước Tết Nguyên đán. Tưởng được thư thả nghỉ lễ, cô trót nhận lời hết.
“Mang tiếng về ăn Tết với bố mẹ, song tôi không thể dành nhiều thời gian cho phụ huynh. Trong suốt 3 ngày nghỉ, tôi chỉ có thể ngồi ăn bữa cơm gia đình đêm giao thừa và sáng mùng 1”, Oanh thú nhận.
Dù đã nỗ lực sắp xếp lịch trình, Hoàng Oanh đành thừa nhận mình không được tận hưởng một mùa Tết trọn vẹn.
Hoàng Minh vừa tranh thủ ăn xôi sáng, vừa ship đơn đến từng khách hàng vào dịp đầu năm. |
Hoàng Minh cũng gặp khó khăn khi bắt đầu việc kinh doanh từ mùng 2 Tết. Do nhân viên đều đã về quê, shipper cũng không làm việc sớm, anh phải một mình đảm nhiệm mọi khâu vận hành cửa hàng.
Sáng sớm mùng 2, anh đi chợ từ sớm tìm mua nguyên liệu, vào bếp chế biến món ăn và đi giao hàng cho khách. Làm phần việc của 4-5 người, anh dành toàn bộ thời gian nghỉ lễ tại cửa hàng.
“Trước Tết, tôi đã tranh thủ mua sắm đồ trang trí nhà cửa, cây cảnh, thực phẩm cho gia đình. Tuy vậy, tôi vẫn bồn chồn, lo lắng khi không thể trực tiếp ở nhà giúp đỡ bố mẹ những ngày đặc biệt này. Sức khỏe của bố mẹ tôi đều đã yếu, tôi không yên tâm để phụ huynh loay hoay chuẩn bị mâm cỗ cúng, dọn dẹp nhà cửa”, Minh cho biết.
Áy náy vì không thể lo chu toàn cho gia đình, anh đành từ chối một số đơn muộn và hẹn khách đặt lại vào ngày hôm sau.
Sau khi đóng cửa hàng vào lúc 21h-22h, Hoàng Minh lại tất bật trở về nhà phụ giúp người thân. Đối với anh, việc tụ tập bạn bè Tết năm nay là điều xa vời.