"Lần đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi được ở gần bác Trọng đến thế", bà Nguyễn Thị Thanh Mai nói sau khi chứng kiến đoàn xe đưa linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiến vào Nghĩa trang Mai Dịch.
Dưới cái nắng oi ả ngày 26/7, hàng nghìn người dân đứng ở các ngả đường quanh Nghĩa trang Mai Dịch như đường Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người cùng nhau chia sẻ nước, quạt khi đứng dưới tiết trời nóng bức.
Bà Mai khóc khi chứng kiến đoàn xe đưa linh cữu của Tổng Bí thư tiến vào Nghĩa trang Mai Dịch. |
Ngay khi có tiếng ai đó hô lên "bác đến rồi", mọi người đều hướng mắt về phía dòng xe đi tới. Một nhóm người dân đứng ở gần ngã tư Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu bắt đầu đồng thanh hát Quốc ca. Khi linh xa của Tổng Bí thư ngày càng đến gần, mắt nhiều người bắt đầu hoen đỏ. Một số người không kìm được tiếng khóc nghẹn.
Giống mọi người xung quanh, chị Thủy (Thường Tín, Hà Nội) cảm thấy rất xúc động trong giây phút này. "Một trái tim lớn đã ngừng đập nhưng tôi tin Tổng Bí thư sẽ luôn được mọi người nhớ đến bằng tất cả sự kính trọng".
Chị Thủy không nhớ mình đã đứng đợi bao lâu trước Nghĩa trang Mai Dịch để có thể tiễn biệt Tổng Bí thư. Chị chỉ biết rằng khoảng thời gian đó hoàn toàn xứng đáng.
"Bác đã dành cả cuộc đời cống hiến cho công việc chung nên dù có phải đứng đợi bao lâu tôi cũng chấp nhận", chị nói.
Sáng nay, chị Thủy đã đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ngay sau đó, chị chạy xe tới Nghĩa trang Mai Dịch. "Linh cữu của bác được di chuyển chầm chậm qua nhiều tuyến phố của Hà Nội. Nhưng tôi vẫn lựa chọn đứng ở gần Nghĩa trang Mai Dịch vì đây sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của bác".
Chị Luyến đến xếp hàng trước Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư. |
Chị Luyến (Hà Nội) không thể đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để viếng Tổng Bí thư, nên đã đến đợi ở Nghĩa trang Mai Dịch từ rất sớm. Cầm theo bó hoa cúc, dù không thể đặt lên nơi Tổng Bí thư an nghỉ, chị vẫn mong muốn có thể dùng nó để tưởng nhớ công lao, thể hiện sự kính trọng với Tổng Bí thư.
"30 giây linh xa đi qua là khoảnh khắc gần bác lần đầu tiên và cuối cùng. Nó vô cùng thiêng liêng, đặc biệt đối với tôi”, chị Luyến chia sẻ.
Sau lễ truy điệu được cử hành lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được di chuyển qua nhiều tuyến phố thủ đô để về Nghĩa trang Mai Dịch.
Người dân xếp hàng dài từ sáng sớm ngày 26/7, trật tự dõi theo linh xa chở linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ ở Nghĩa trang Mai Dịch, tại khu vực trung tâm Hà Nội, hàng nghìn người đội nắng đứng chờ để tiễn biệt Tổng Bí thư.
Đoàn xe đưa linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Nhà tang lễ Quốc gia đến Nghĩa trang Mai Dịch. |
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7h đến 19h30 ngày 25/7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP.HCM) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, y bác sĩ đầu ngành và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 13h38 ngày 19/7/2024, tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), hưởng thọ 80 tuổi.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...