Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những tình huống sếp giao việc nhưng bạn cần từ chối

Công ty cắt giảm nhân sự khiến khối lượng công việc của các nhân viên còn lại tăng lên đáng kể. Vì vậy, bạn cần phải tỉnh táo khi làm thêm việc để tránh kiệt sức kéo dài.

Làm thêm quá nhiều việc ngoài phận sự dễ khiến bạn rơi vào căng thẳng, thậm chí kiệt sức. Ảnh: Mart Production/Pexels.

Thế giới đang trải qua một cuộc “Đại khủng hoảng Nghỉ việc” (The Great Resignation). Hậu quả, ngày càng nhiều công ty cắt giảm nhân sự, trong khi nhiều người lại ồ ạt theo đuổi trào lưu “quiet quitting” - chỉ làm việc ở mức tối thiểu, không hơn.

Tình trạng này khiến cấp trên buộc phải tăng thêm một khối lượng công việc đáng kể cho những thành viên cốt cán còn lại. Dù làm thêm việc giúp cải thiện chuyên môn nghề nghiệp, về lâu dài, nhân viên vẫn dễ dàng rơi vào kiệt sức và năng suất của cả công ty theo đó cũng sẽ bị giảm sút đáng kể.

Dưới đây, Harvard Business Review chỉ ra 4 trường hợp tiêu biểu bạn nên nói “không” với công việc bị giao thêm cùng mẹo ứng xử tương ứng mà không bị xem là thô lỗ hay thiếu chuyên nghiệp.

nhan them viec anh 1nhan them viec anh 2
nhan them viec anh 3

Bạn khó có thể cân bằng các công việc chính và các đầu việc mới thêm. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Công việc chính bị ảnh hưởng

Bạn hãy thử tưởng tượng trường hợp mình thuộc ban sản xuất nhưng lại được sếp yêu cầu trợ giúp về mảng tiếp thị.

Nếu đồng ý nhận việc, bạn sẽ sớm nhận thấy bản thân tiêu tốn quá nhiều thời gian cho những công việc không quen thuộc. Kết quả, đầu việc chính của bạn bị bỏ ngỏ.

Khi nhiệm vụ mới gây ảnh hưởng tiêu cực đến trách nhiệm cốt lõi hay không đem lại bất kỳ lợi ích mới nào về kỹ năng chuyên môn, bạn tốt nhất nên bỏ qua nó và tập trung vào những gì thật sự quan trọng lúc bấy giờ.

Song, bạn hãy tránh phản ứng quá thẳng thừng như: “Xin lỗi sếp nhưng việc này không thuộc phạm vi công việc của tôi”.

Một cách tiếp cận khéo léo hơn cho bạn là hãy giải thích quyết định của mình theo hướng liên quan đến nhiều người khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy kiểu phản hồi này giúp bạn toát lên sự chu đáo và tận tâm hơn với công việc.

Nói một cách dễ hiểu, giải pháp trên đồng nghĩa với câu nói: “Nếu tôi nhận việc này thì tôi sẽ làm ảnh hưởng tới nhiều người khác”.

Câu trả lời lời cụ thể hơn sẽ là: “Tôi khó có thể hoàn thành công việc này tốt như sếp mong muốn. Chưa kể, những công việc quan trọng khác tôi chịu trách nhiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

nhan them viec anh 4nhan them viec anh 5
nhan them viec anh 6

Bạn nên trao đổi thêm với sếp về phúc lợi của mình khi khối lượng công việc tăng lên. Ảnh: Shvets Production/Pexels.

Nhiệm vụ của người khác

Khi đi làm, chúng ta khó tránh khỏi lúc phải làm việc nhóm hay cộng tác với nhiều phòng ban khác nhau. Vì thế, bạn dễ dàng rơi vào tình huống phải nhận những công việc không thuộc phạm vi hoàn thành của mình.

Dù không ngại nhận việc hay cảm thấy điều này có lợi, bạn vẫn nên vạch rõ những gì bạn kỳ vọng và mong muốn có được sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Đó có thể là cơ hội thăng chức, chuyến đi công tác nước ngoài hay đơn giản là được đề bạt trong cuộc họp đánh giá nhân viên sắp tới.

Bên cạnh đó, bạn có thể đề xuất phần thưởng thêm tương đương với những gì bạn đã cống hiến.

Bạn có thể khéo léo mở lời với sếp rằng: “Trong 6 tháng vừa qua, tôi đã đảm nhận các công việc A, B và C. Theo đó, sếp có thể cho tôi biết cách tốt nhất để tôi nhận về thù lao tương xứng với khối lượng công việc thêm vào không?”.

nhan them viec anh 7nhan them viec anh 8
nhan them viec anh 9
Dù không nhận việc, bạn vẫn nên đóng góp ý tưởng hay đề xuất đánh giá để thể hiện sự chu đáo của mình. Ảnh: Fauxels/Pexels.

Công việc quá tầm với

Bạn chỉ nên đảm nhận thêm công việc khi hiểu được toàn bộ yêu cầu cùng trách nhiệm làm việc đi kèm.

Trao đổi qua loa là điều bạn cần đặc biệt tránh để không rơi vào thỏa thuận làm việc không giới hạn.

Chẳng hạn, cấp trên ngỏ lời mời bạn tham gia vào một dự án mới. Song, bạn hãy khoan gật đầu đồng ý để tập trung thăm dò cẩn thận phận sự của mình. Theo đó, thời gian diễn ra dự án hay mô tả công việc cụ thể là những câu hỏi đáng xem xét.

Khi câu trả lời nhận về có hại nhiều hơn lợi, bạn có thể khéo léo hồi đáp rằng: “Cảm ơn sếp rất nhiều vì cơ hội làm việc đầy hứa hẹn này. Tuy nhiên, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi lắm nếu đồng ý mà biết rằng bản thân sẽ không đủ tài nguyên và năng lực để hoàn thành công việc một cách tốt nhất”.

Ngoài ra, đề xuất giúp đỡ những đầu việc vừa khả năng và nhỏ nhặt hơn cũng là một cách xử lý thông minh. Thay vì trực tiếp làm việc, bạn vẫn có thể tham gia vào quá trình xây dựng ý tưởng hay kiểm lỗi cho dự án. Điều này chứng tỏ bạn là một người tận tâm và có tinh thần đồng đội cao.

nhan them viec anh 10nhan them viec anh 11
nhan them viec anh 12

Bạn có thể đề xuất chuyển giao công việc cho người khác phù hợp. Ảnh: Yan Krukov/Pexels.

Sếp yêu cầu vô lí

Cấp trên đòi hỏi bạn phải hoàn thành bảng kế hoạch kinh doanh phức tạp chỉ trong hai ngày. Bạn biết rõ là yêu cầu này không hề khả thi, song lại không biết giải quyết thế nào.

Trong trường hợp này, bạn nên phản hồi sếp theo những hướng tích cực để tiết kiệm thời gian làm việc cũng như đảm bảo hòa khí với sếp.

Cụ thể, bạn hãy trình bày khéo léo những gì mình có thể thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định.

Ví dụ: “Sẽ hơi khó để tôi nộp toàn bộ báo cáo vào trưa thứ Sáu. Tuy nhiên, tôi có thể gửi trước cho sếp bản dự thảo. Sếp thấy đề xuất này thế nào?” hay “Tôi hiểu sự cấp thiết của công việc này. Song, thứ Sáu thật sự quá gấp với tôi. Thay vào đó, tôi có thể nộp toàn bộ tài liệu vào trưa thứ Hai”.

Bên cạnh đó, giới thiệu với sếp các cá nhân hay tổ chức có thể hỗ trợ cũng là một giải pháp hữu hiệu. Bạn có thể cân nhắc đề xuất rằng: “Công việc này không thuộc chuyên môn của tôi. May mắn thay, tôi biết người đồng nghiệp này có khả năng. Tôi giúp sếp kết nối với anh ấy nhé?”.

Suy cho cùng, bạn không thể nói “không” với mọi công việc đưa đến. Song, biết cách từ chối khôn khéo sẽ giúp bạn tự tin và làm chủ công việc hiệu quả hơn.

Giải quyết lo âu quà cáp mùa lễ hội

Tặng quà là cách hiệu quả để thể hiện tình cảm vào những dịp lễ đặc biệt. Song, chọn lựa được món quà ưng ý khiến nhiều người đau đầu, thậm chí rơi vào căng thẳng.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Thiên Trang

Bạn có thể quan tâm