Một số trường giảm chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo thông tin từ Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2024, trường sẽ công bố Đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh trong định hướng ôn tập, lựa chọn ngành/nghề vào học.
Về cơ bản, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy năm 2024; xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy. Đợt thi đầu tiên đã diễn ra vào ngày 2-3/12. Đợt cuối diễn ra ngày 15-16/6/2024.
Tương tự, năm 2024, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh như năm 2024, bao gồm:
- Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TP.HCM;
- Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM;
- Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến);
- Xét tuyển thí sinh dự tính du học nước ngoài vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Australia, New Zealand);
- Xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí (học lực gồm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT; năng lực khác gồm chứng chỉ, giải thưởng; hoạt động xã hội).
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết nhà trường tạm giữ nguyên chỉ tiêu và cách thức phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển. Phương thức xét tuyển kết hợp là phương thức chủ đạo.
Trong khi đó, năm 2024, Đại học Luật TP.HCM dành 55% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, giảm 5% so với năm 2023. Số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức tuyển thẳng và xét tuyển sớm theo đề án riêng.
Trong đó, xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với xét tuyển sớm, trường tuyển 2 nhóm thí sinh: Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và thí sinh thuộc trường THPT nằm trong danh sách ưu tiên của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường dự kiến tuyển 2.100 sinh viên với 5 ngành đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến, tổ hợp xét tuyển và tỷ lệ xét tuyển theo từng tổ hợp cụ thể như sau:
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024, các phương thức xét tuyển cơ bản được giữ ổn định như năm nay nhưng điều chỉnh chỉ tiêu.
Theo đó, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 18% (giảm 7% so với năm 2023), xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường 80%, xét tuyển thẳng 2%.
7% chỉ tiêu giảm từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ được chuyển sang xét tuyển kết hợp.
Năm 2024, Học viện Quân y tuyển sinh tuyển sinh ngành Y khoa hệ quân sự bằng hai tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và B00 (Toán, Hóa, Sinh), ngành Y học dự phòng quân sự bằng tổ hợp B00.
Về phương thức xét tuyển năm 2024, trường xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi không quá 15% chỉ tiêu. 85% chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023.
Đợt thi sớm nhất vào ngày 23-24/3/2024 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1-2/6/2024. Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm sau. Tất cả đều diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật.
Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM dự kiến diễn ra vào ngày 7/4 và 2/6/2024. Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực cũng được điều chỉnh để tiệm cận và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, trường dự kiến bổ sung hai điểm thi tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, bên cạnh 21 điểm thi cũ.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.