Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những yếu tố khiến dịch Covid-19 có thể xâm nhập bệnh viện

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguồn lây của các ổ dịch trong viện có thể xuất phát từ bệnh nhân, người nhà mang virus.

Sau 20 ngày bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.100 bệnh nhân mới. 4 ngày trong tuần qua, nước ta có số ca mắc cao trên 100 người. Điển hình là ngày 10/5 (125 bệnh nhân), 16/5 (187 ca). Tuy số bệnh nhân tăng cao, theo thông tin từ Bộ Y tế, những người này đều thuộc diện F1, đã được cách ly hoặc nằm trong các khu vực, bệnh viện được phong tỏa.

Trước những diễn biến nhanh, bất ngờ của dịch Covid-19, Zing cùng nhãn hàng NutiFood GrowPLUS+ đã thực hiện "Bản tin Covid-19" với sự tham gia của các chuyên gia y tế để cung cấp cho độc giả những thông tin cập nhật, chính xác nhất.

Thêm một bệnh viện tuyến trung ương có bệnh nhân Covid-19

Tuần qua, ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) tiếp tục có thêm ca mắc mới. Đến sáng 17/5, tổng số bệnh nhân liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 369 người, trong đó tại bệnh viện là 97 người, số còn lại là người dân của 13 tỉnh, thành phố.

Đối với ổ dịch liên quan Bệnh viện K, tổng số bệnh nhân là 88 với 8 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng.

Tuần qua, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng phát hiện hai bác sĩ mắc Covid-19. Trường hợp đầu tiên là bác sĩ N.V.C. (55 tuổi) trú tại đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, Thanh xuân, Hà Nội. Đây là bác sĩ thuộc phòng Chỉ đạo chương trình của Bệnh viện Phổi Trung ương, con rể của một bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố mắc Covid-19. Đồng thời, bác sĩ này cũng từng đi trên chuyến bay VN160 (Đà Nẵng - Hà Nội ngày 2/5) cùng vợ chồng giám đốc Hacinco.

Một ngày sau, đồng nghiệp làm cùng phòng với bác sĩ C. cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), những nhân viên thuộc diện F1, F2 đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật GeneXpert cho kết quả âm tính với nCoV.

Bác sĩ Nhung nhận định hai nhân viên y tế không làm việc trong khu điều trị, nên bệnh viện chỉ phong tỏa phòng chỉ đạo chương trình. Hoạt động khám, chữa bệnh tại viện vẫn diễn ra bình thường.

ban tin,  covid-19,  dich benh anh 1

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Ai cần đến bệnh viện?

Về tình hình dịch Covid-19 xâm nhập nhiều cơ sở y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá: “Đây là thực trạng nguy hiểm. Bệnh viện là nơi điều trị bệnh nhân, có nhiều người ra vào. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến trung ương thường xuyên tiếp nhận người dân đến từ nhiều tỉnh, thành phố. Khi có dịch, những bệnh nhân, người nhà có thể làm lây lan dịch ra cộng đồng, sau đó tỏa về các địa phương khác. Khi bệnh viện bị phong tỏa, việc chăm sóc bệnh nhân chắc chắn gặp khó khăn và đình trệ”.

Nhận định về nguồn lây của các ổ dịch trong bệnh viện, ông Phu cho rằng có nhiều giả thuyết. Thứ nhất, có thể xuất phát từ bệnh nhân, người nhà mang virus, lây sang bệnh nhân khác hoặc nhân viên y tế. Thứ hai, chúng ta không thể loại trừ việc nhân viên bệnh viện ra ngoài cộng đồng, bị nhiễm và làm lây lan virus. Thứ 3, những cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng không thực hiện phòng hộ cho nhân viên tốt, hoặc không làm tốt việc tránh lây nhiễm chéo.

Vừa qua, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã khẳng định nguồn lây từ bên ngoài vào. Tại Bệnh viện K là do quá trình chuyển viện của bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng việc phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế phải được thực hiện rất nghiêm ngặt. Bởi đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm.

“Tuy nhiên, không chỉ Covid-19, các bệnh lây nhiễm khác cũng cần được lưu ý và việc chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện phải được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở tham khảo từ Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo ông, các bệnh viện phải kiểm soát người vào ngay từ đầu. Dù vậy, nhiều ca không triệu chứng nên các cơ sở y tế cần phải đảm bảo việc phòng hộ, khử khuẩn, đồng thời xét nghiệm định kỳ, đột xuất cho nhân viên, bệnh nhân, người thân.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng người dân nếu cần can thiệp y tế không nên chậm trễ đến viện bởi có thể khiến tình trạng tăng nặng và thậm chí tử vong do bệnh khác.

Với các trường hợp chưa cần can thiệp y tế khẩn cấp, người dân có thể lựa chọn việc khám bệnh trực tuyến, hoặc nếu không có bệnh nặng thì không đến các cơ sở của trung ương. Đặc biệt, chúng ta phải đeo khẩu trang y tế khi đến bệnh viện.

Để có thể tiếp tục cập nhật các thông tin mới về tình hình dịch Covid-19 từ các chuyên gia, quý độc giả có thể theo dõi các số tiếp theo của “Bản tin Covid-19” trên Zingnews vào thứ 3 và thứ 5 hàng toàn bắt đầu từ ngày 14/5 đến 2/6.

Zing và NutiFood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện “Bản tin Covid-19” nhằm cung cấp cho độc giả thông tin mới nhất về dịch bệnh và phương pháp phòng tránh lây nhiễm cần thiết. Với công thức FDI độc quyền từ Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood Thụy Điển - kết hợp 100% HMO từ châu Âu và chất xơ FOS, NutiFood GrowPLUS+ xây dựng nền tảng “Đề kháng khỏe - Tiêu hóa tốt”, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm đã được chứng nhận lâm sàng giúp giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn hô hấp, tăng cân, tăng chiều cao sau 3 tháng, giảm 45,9% tỷ lệ biếng ăn và tăng cường gấp 3 lần DHA giúp trẻ phát triển trí tuệ.

Để biết thêm thông tin chi tiết, độc giả liên hệ hotline 02838255777 hoặc truy cập website.

Mai Hoa

Bạn có thể quan tâm