Các thành viên trong nhóm Chiến dịch Núi sạch phân loại rác tại Trại căn cứ Everest (Everest Base Camp). Ảnh: Clean Mountain Campaign/Handout. |
Vài ngày trước khi lên tới đỉnh Everest vào tháng 5/2023, nhà leo núi người Nepal Tenzi Sherpa đã quay video không phải để ghi lại khung cảnh ấn tượng của dãy Himalaya phủ đầy tuyết, mà là những đống rác khổng lồ do nhiều người leo núi để lại.
Đoạn phim quay Trại 4 (Camp 4), nằm ở độ cao gần 8.000 m so với mực nước biển và được gọi là "vùng tử thần" do điều kiện khắc nghiệt.
Lều, bình oxy và các vật dụng bị bỏ đi đều nằm la liệt dưới băng khiến Sherpa phải bày tỏ trên Instagram: "Đây là trại bẩn nhất tôi từng thấy. Tôi rất buồn mỗi lần chứng kiến... Các nhóm du khách, công ty thám hiểm đã cắt bỏ logo của công ty để tránh bị phát hiện rồi vứt những chiếc lều trên núi".
Kể từ khi Tenzing Norgay Sherpa và Edmund Hillary lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào năm 1953, hơn 6.000 người đã leo lên ngọn núi tính đến nay. Bất chấp nỗ lực "cứu Everest" của chính phủ Nepal, lượng rác thải ngày càng tăng - bao gồm xác chết - khiến nhiều người gọi Everest là "bãi rác cao nhất thế giới".
Chưa có số liệu chính thức về lượng rác đổ xuống vùng núi của Nepal, song người trong ngành ước tính con số này lên tới hàng nghìn tấn. Năm 2019, chính phủ Nepal và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương đã bắt đầu Chiến dịch Núi sạch, giúp thu gom hơn 10 tấn rác từ Everest.
Năm nay, chính quyền cũng chỉ cấp 414 giấy phép leo núi, ít hơn mức kỷ lục 454 giấy phép vào năm 2023.
Nỗ lực chưa đủ
Tại các điểm bắt đầu chặng leo như Trại cơ sở/căn cứ Everest (Everest Base Camp) cao 5.364 m, lều, nhà vệ sinh và nhà bếp được quản lý tốt; rác thải không bị vứt bừa bãi. Nhưng khi đoàn người leo lên cao, việc quản lý rác trở nên khó khăn hơn.
Nepal từng đưa ra biện pháp ngăn xả rác trên núi: yêu cầu khách đặt cọc 4.000 USD trước khi bắt đầu hành trình. Để lấy lại tiền cọc, mỗi người phải mang xuống núi 8 kg rác thải.
Tuy nhiên, lượng rác tiếp tục tăng lên. Các đội dọn dẹp phải thu gom mọi thứ, từ giấy, màng bọc bằng nhựa cho đến chai và lon thủy tinh. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí One Earth cho biết họ đã tìm thấy vi hạt nhựa trong suối và nước tuyết trên Everest.
Lượng rác khổng lồ được thu gom trong Chiến dịch Núi sạch. Ảnh: Clean Mountain Campaign/Handout. |
Ông Shilshila Acharya, đồng sáng lập Trung tâm Bền vững Avni - nơi chuyên tái chế rác thải thu gom từ trên núi - ước tính có khoảng 1.000 tấn rác và 350-400 thi thể nằm tại các ngọn núi ở Nepal.
"Chúng ta đang thiếu cơ chế quản lý hiệu quả ở vùng núi cao Himalaya của Nepal. Cơ quan giám sát chất thải chỉ có mặt trên đỉnh Everest, không có mặt ở các ngọn núi khác dẫn đến khó giám sát tình hình tại Trại Cơ sở và khu vực phía trên", ông Acharya nói.
Quân đội Nepal cũng là một phần của chiến dịch dọn dẹp kể từ năm 2019, có kế hoạch thu gom hơn 10 tấn rác thải và ít nhất 5 thi thể từ các đỉnh Everest, Lhotse và Nuptse trong năm nay, theo thông tin từ thiếu tá quân đội và người đứng đầu chiến dịch Aditya Karki.
Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha - tổ chức phi lợi nhuận do cộng đồng địa phương lãnh đạo - chịu trách nhiệm dọn dẹp xung quanh Everest Base Camp, cũng như các lối mòn đi bộ và khu định cư dẫn đến đó.
Rác thu gom từ Everest được phân loại tại trung tâm tái chế của Avni ở Kathmandu. Ảnh: Avni Ventures/Handout. |
Một nhóm 30 người, gồm quân nhân và các nhà leo núi người Nepal, tham gia sáng kiến này. Khoảng 15 nhà leo núi người Sherpa thu gom rác ở nhiều độ cao khác nhau, gần như lên tới đỉnh. Mỗi người mang khoảng 12 kg rác, phân loại thành nhóm phân hủy sinh học và không phân hủy sinh học tại Trại cơ sở trước khi gửi đến Kathmandu để tái chế.
Việc vận chuyển thi thể đối mặt rủi ro cao hơn. "Chúng tôi phải chú ý bảo vệ nhân phẩm của người đã khuất và sự an toàn của các thành viên trong nhóm. Hai người đã hy sinh vào năm ngoái trong khi làm nhiệm vụ. Chúng tôi cần khoảng 12 người được huấn luyện đặc biệt để đưa thi thể xuống, tùy theo tuyến đường và ngọn núi", ông Aditya Karki chia sẻ.
Bắt đầu từ năm nay, chính quyền đô thị Pasang Lhamu, nơi giám sát hầu hết khu vực Everest, đã bắt buộc những người leo núi phải sử dụng túi đựng chất thải.
Dẫu vậy, theo Sushil Khadka - đồng sáng lập Avni Ventures - những chính sách như vậy là hơi muộn. Ông đề xuất chính phủ thiết lập chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những công ty thám hiểm xả chất thải vô tội vạ.
Cho rác thải "đời sống mới"
Hai nhóm rác thải sẽ được phân loại tại Everest Base Camp, trước khi được chuyển cho cơ sở tái chế của Avni ở Kathmandu. Avni chỉ xử lý rác thải do chiến dịch dọn dẹp núi thu thập và đã tái chế hơn 80 tấn rác kể từ năm 2021.
Rác thu được chủ yếu là thủy tinh, kim loại, nhựa và lượng lớn thực phẩm đóng hộp. Nhựa và giấy rất dễ tái chế, nhưng công ty chưa tìm ra giải pháp tái chế thủy tinh.
Những phụ nữ tái chế dây thừng dùng khi leo núi. Ảnh: Maya Rai/Handout. |
Acharya cho biết họ đã "hô biến" dây thừng leo núi thành đồ thủ công khi hợp tác với Maya Rai - đơn vị thuê phụ nữ địa phương dệt các mặt hàng thủ công. Tái chế dây thừng góp phần mang lại việc làm, thu nhập cho người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển của nghề thủ công ở Nepal.
Trong khi đó, Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha đã bắt tay với Tommy Gustafsson để biến rác thải thành tác phẩm nghệ thuật và đặt chúng tại phòng trưng bày ở Syangbnoche nằm trên con đường du khách phải đi qua nếu muốn leo núi. Bên cạnh đó, các tổ chức còn dùng rác làm thành đồ lưu niệm để bán cho du khách.
Báo cáo thường niên năm 2022 cho biết Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha đã quản lý 44.713 kg rác tại Everest Base Camp. Khoảng 15.000 kg đã được gửi đến cơ sở quản lý chất thải trong khu vực; gần 6.000 kg “rác không thể đốt” đã được vận chuyển đến Kathmandu để tái chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia về tính bền vững vẫn băn khoăn về hành vi đốt rác. “Chúng tôi đốt rác ở xa khu định cư. Đó là điều bắt buộc nhưng chúng tôi đang tìm giải pháp thay thế,” Lama Kazi Sherpa, chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha, trấn an.
Với những nỗ lực trên, một số người cho rằng vấn đề rác thải khó có thể giải quyết sớm, trừ khi Nepal hạn chế số lượng người leo núi.
Đồng quan điểm, ông Khadka từ Avni Ventures nhận thấy hoạt động leo núi ở Nepal đã trở thành “cỗ máy kiếm tiền bừa bãi, chỉ mang lại lợi ích cho một số bên nhất định”. Ông cho rằng Nepal phải dừng cấp phép các chuyến thám hiểm vùng núi cao, chỉ cho phép những chuyến thám hiểm có chất lượng.
Năm 1953, Edmund Hillary và Sherpa Tenzing là hai nhà leo núi chinh phục giấc mơ Everest. Từ đó đến nay, khoảng 6.000 người đã nối tiếp giấc mơ này. Ảnh: @historic_imagery. |
Tháng trước, Tòa án Tối cao Nepal đã ra lệnh cho chính phủ hạn chế khách leo Everest, đồng thời đánh giá quy định thu gom rác thải chưa được thực hiện đúng mức.
Du lịch là nguồn sống chủ yếu của hầu hết hộ gia đình ở vùng Everest. Chính phủ cũng đã phân bổ kinh phí, nhân lực hàng năm để giảm thiểu tình trạng xả rác trên núi, song nhiều người chưa có trách nhiệm với công việc được giao.
Tenzi Sherpa, người đăng video quay cảnh rác chất đống trên núi, cũng chỉ trích hành động lơ là giám sát của các quan chức địa phương, yêu cầu chính phủ "trừng phạt các công ty gây ô nhiễm vùng núi".
Thiếu tá quân đội Karki tuyên bố đầy tin tưởng rằng đội của mình gần như sẽ dọn sạch Trại 4 trong năm nay nếu thời tiết cho phép. Ông cũng tin chiến dịch của chính phủ đã khiến những người leo núi và nhân viên của họ có ý thức hơn về rác thải để lại.
Thế nhưng, nhiều người vẫn quan ngại rác thải sẽ tiếp tục "xâm chiếm" các ngọn núi khi lượng rác đến nay chưa được xác định. "Everest nổi tiếng hơn cả nên nhiệm vụ dọn rác đang tập trung ở đây. Nhưng tất cả ngọn núi đều quan trọng như nhau nên chúng ta cũng cần chú ý đến chúng", ông Acharya kết luận.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.